Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ở trong tình trạng thảm hại. Nhà lãnh đạo Pháp đưa ra nhận định trên trong cuộc phỏng vấn với The Economist.
Ông Macron coi những diễn biến gần đây ở Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch chống lại người Kurd mà không cần đến sự nhất trí của các đối tác trong NATO, còn Mỹ bất ngờ rút quân khỏi đất nước này, bỏ mặc đồng minh khu vực, là “triệu chứng” của tình trạng khủng hoảng trong Liên minh.
“Sự thất thường của đối tác Mỹ”
Theo ông Macron, tất cả những điều này cho thấy, trong nội bộ Liên minh rõ ràng đang có những vấn đề về kế hoạch chính trị và chiến lược. Ví dụ, hoàn toàn không rõ khối sẽ hành động như thế nào, nếu như quân đội của ông Bashar al-Assad cố gắng tấn công các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập vào Syria. Theo điều khoản thứ năm của Hiến chương NATO, các đồng minh sẽ luôn phải có mặt giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng không rõ, liệu quy tắc này có thể được áp dụng trong tình huống như vậy hay không.
Theo nhà lãnh đạo Pháp, vấn đề còn nằm ở chỗ, châu Âu đang ngày càng tự coi mình là một thị trường và quên rằng đây là một cộng đồng có mục tiêu cuối cùng là mở rộng.
“Đó là một sai lầm cơ bản, mà vì nó mà từ những năm 1990, yếu tố chính trị của dự án châu Âu bị cắt giảm. Thị trường không thể được coi là một cộng đồng. Cộng đồng luôn mạnh hơn, các khái niệm về sự đoàn kết và tính hội tụ, cũng như tư tưởng chính trị, vốn có trong đó đã mất” - ông Macron khẳng định.
Những thay đổi trong chính sách của Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng, - ông Macron cho biết. Hơn nữa, sự thay đổi đó tất nhiên đã bắt đầu từ lâu, trước khi ông Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng. Ý tưởng chuyển hướng chính sách đối ngoại của Mỹ sang Thái Bình Dương, sang Trung Quốc đã được đặt ra từ thời Tổng thống Barack Obama.
“Chính vì sự thất thường của đối tác Mỹ và mối căng thẳng đang gia tăng, mà ý tưởng tạo ra một cơ chế an ninh châu Âu đang dần được củng cố... Tôi muốn nói thêm rằng, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải nhìn nhận lại mục đích tồn tại của NATO. Dường như với tôi, bộ não của NATO đang chết dần. Chúng ta cần tỉnh táo đánh giá tình hình” - ông Marcon nói.
Kết luận, Tổng thống Macron xác định 2 nhiệm vụ chính đối với châu Âu. Thứ nhất, cần giành quyền tự chủ trong lĩnh vực an ninh, cũng như trong các vấn đề chiến lược. Và thứ hai, người châu Âu cần nối lại cuộc đối thoại chiến lược với Matxcơva, dù cho việc này cần có thời gian.
“Nếu muốn có được hòa bình ở châu Âu và khôi phục quyền tự chủ chiến lược, chúng ta cần phải xem xét lại cách nhìn của chúng ta về Nga. Đường lối chính trị cứng rắn mà Mỹ theo đuổi đối với Matxcơva được vạch ra bởi sự đánh giá quá cao của Washington về giá trị lịch sử và chính trị, cũng như về chính quyền của mình” - ông Emmanuel Marcon nhấn mạnh.
Chính trị gia Pháp giải thích rằng, Mỹ và Nga bị ngăn cách bởi đại dương, trong khi đối với châu Âu, Nga là nước láng giềng, và theo ông, Brussels hoàn toàn có thể hành động một cách tự chủ mà không mù quáng ủng hộ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
“Chúng ta có quyền suy nghĩ lại về mối quan hệ chiến lược của mình với Nga, chứ không nên nuôi ảo tưởng và giữ lập trường cứng rắn về tiến trình Minsk và tình hình ở Ukraine” - ông cho biết thêm.
Theo nhà nghiên cứu chính trị Andrei Manoilo, giáo sự tại Đại học Quốc gia Matxcơva, những tuyên bố của ông Macron về sự cần thiết phải xích lại gần Nga có thể theo đuổi các mục tiêu hoàn toàn đa dạng.
“Ông Macron tin rằng, khi nghe được những lời này, Nhà Trắng chắc chắn sẽ giật mình hoặc chí ít là lo lắng. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Brussels và Matxcơva có khả năng sẽ thực sự được thúc đẩy
Cần lưu ý rằng, ngay cả hiện tại Nga cũng không hoàn toàn bị cô lập với châu Âu, ở một mức độ nào đó, chúng ta vẫn đang duy trì được quan hệ với tất cả các nước EU. Có lẽ nhiều quốc gia châu Âu quan tâm đến việc nâng cấp mối quan hệ này lên một tầm cao hơn, nhưng cho đến nay vẫn không có tiến triển nào được quan sát thấy theo hướng này” - ông Manoilo giải thích.
Chấm dứt “chế độ chư hầu”
Matxcơva đã có những phản ứng trước các tuyên bố của Tổng thống Pháp. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi các tuyên bố của ông Emmanuel Macron là những lời vàng phản ánh đúng bản chất những gì đang xảy ra.
“Một sự định nghĩa rõ ràng về tình trạng hiện tại của NATO. Một điều (mặc dù có nhiều hơn thế) là: cụ thể thì châu Âu có thể làm thế nào để kiểm soát vận mệnh của mình?” - bà Zakharova đặt câu hỏi, đồng thời nhắc lại 2 cuộc chiến tranh thế giới của thế kỷ XX, mà trong đó châu Âu chính là “tâm chấn”.
Nhà ngoại giao Nga cũng lưu ý, các quá trình, bắt nguồn từ “14 điểm của Woodrow Wilson”, trải qua “sự tôi luyện của Thế chiến II, phát triển thành sự hội nhập kinh tế, và sau đó là hội nhập chính trị của châu Âu”, lẽ ra đã có thể “ngăn chặn sự bất hòa của châu Âu”, nhưng lại “dẫn đến cuộc khủng hoảng về sự đồng nhất và phát triển như ngày nay”.
Duma Quốc gia Nga cũng đưa ra bình luận về phát biểu của Tổng thống Pháp. Theo ông Dmitry Novikov, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban các vấn đề quốc tế Duma Quốc gia, những lời của ông Emmanuel Macron tượng trưng cho sự bắt đầu công nhận trong chính sách châu Âu về việc NATO “không bao giờ có thể đảm bảo an ninh hoàn toàn cho châu Âu”.
Tuy nhiên, về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lại không đồng tình với các đánh giá của nhà lãnh đạo Pháp. Họ đưa ra nhận xét của mình trong một cuộc họp báo chung.
Theo bà Merkel, ông Macron đã lựa chọn “những từ quá gắt”, và quan điểm của nhà lãnh đạo Pháp cũng không tương ứng với ý kiến của bà.
“Các đồng minh châu Âu đang tăng cường đầu tư, và Mỹ cũng đang gia tăng sự hiện diện của mình ở châu Âu” - ông Stoltenberg tuyên bố.
Theo ông Sergei Fedorov, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu tại Viện châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bà Angela Merkel có phần gần với quan điểm của ông Macron, tuy nhiên bà lại có phản ứng kiềm chế hơn trước các sáng kiến của ông này.
“Đối với Đức, sự tự chủ trong các vấn đề chính trị - quân sự là một chủ đề phức tạp” - chuyên gia giải thích.
Điểm đáng chú ý là, ông Emmanuel Macron không giới hạn trong lời nói, mà còn cố gắng đưa ý tưởng của mình vào thực tiễn. Điển hình, nhà lãnh đạo Pháp là một trong những người ủng hộ nhất quán đối với việc thành lập một đội quân của châu Âu độc lập với NATO.
Đề xuất tạo ra một cấu trúc tương tự đã được các nhà chính khách châu Âu thảo luận trong nhiều thập kỷ, nhưng chỉ gần đây, sáng kiến này mới có một hình thù thực sự. Nếu như trước đó, bất kỳ nỗ lực nào để tạo ra một sự thay thế cho NATO ở châu Âu đều bị London chặn lại, thì giờ đây, với việc Brexit đang kéo dài, việc tạo ra một đội quân châu Âu trở nên khá hữu hình.
Như ông Macron phát biểu năm ngoái, EU cần một đội quân có thể bảo vệ được Liên minh “khỏi Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Mỹ”.
Những lời của nhà lãnh đạo Pháp khi đó gây ra phản ứng gay gắt trong Nhà Trắng: ông Donald Trump gọi đó là một sự xúc phạm. Tuy nhiên, ông Macron ngay lập tức cũng đưa ra tuyên bố mạnh mẽ rằng, Mỹ tuy là đồng minh lịch sử của Pháp, nhưng điều đó không nghĩa với sự phục tùng.
“Mỹ là đồng minh lịch sử của chúng tôi và sẽ còn tiếp tục như thế. Nhưng là đồng mình không có nghĩa là trở thành chư hầu. Chúng tôi không cần phụ thuộc vào họ” - ông Macron nói.
Chỉ một tháng sau khi ông Macron nhậm chức, Brussels tuyên bố thành lập Quỹ quốc phòng châu Âu. Khi đó, người đứng đầu ngành ngoại giao EU Federica Mogherini giải thích rằng, cấu trúc này sẽ là một sự phụ khuyết cho NATO. Đó sẽ là nơi vạch ra đường hướng quốc phòng chung và mua sắm thiết bị quân sự, trong đó trọng tâm là phát triển ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.
Thêm vào đó, Thỏa thuận Hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) cũng được triển khai. Trong đó có sự tham gia của 23 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Nhiệm vụ đặc biệt của PESCO là hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và huấn luyện quân đội.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá thành công thực tế của những sáng kiến này là khá hạn chế. Theo ông Sergei Fedorov, vẫn còn quá sớm để nói về sự tồn tại của một đội quân châu Âu chính thức.
“Pháp đang có những khát vọng như vậy, nhưng thực tế mọi thứ đang diễn ra rất chậm chạp” - chuyên gia giải thích.
Quan điểm trên cũng được ông Andrei Manoilo đồng tình. Theo ông, một đội quân châu Âu tương lai hoàn toàn có thể thay thế NATO ở EU, bởi nó có thể trở thành một cấu trúc nhỏ gọn và hiệu quả.
“Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu người Mỹ có cho phép những sáng kiến này được hoàn thành hay không, bởi họ vẫn muốn châu Âu phụ thuộc vào Mỹ” - ông Manoilo nói.
Trong khi đó, đang có những nỗ lực nhất định trong việc thiết lập mối quan hệ giữa Matxcơva và Paris. Theo đó, vào tháng 9, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Pháp Florence Parly đến thăm Matxcơva và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga. Cuộc đối thoại được thực hiện theo định dạng “2+2”, cùng với Bộ trưởng Ngoại giao của hai nước là Sergei Lavrov và Jean-Yves Le Drian. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, Matxcơva vẫn luôn đặt mục tiêu hợp tác ngay cả trước khi phía Pháp sẵn sàng.
“Tôi chia sẻ với sự tập trung của các bạn vào việc đạt được kết quả cụ thể ngày hôm nay để tạo động lực mới cho mối quan hệ của chúng ta trong lĩnh vực chiến lược” - ông Shoigu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nghi ngờ rằng, những thay đổi trong tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp khó có thể được thực hiện nhanh chóng.
“Thật sự, NATO đang có những bất đồng lớn, bởi tất cả các quốc gia tham gia khối này đều có những lợi ích và chính sách khác nhau. Mỹ, với chủ nghĩa tự kỷ trung tâm và sự không thể lường trước, đang góp phần thúc đẩy phong trào ly tâm này. Ông Emmanuel Marcon, trên thực tế, đã lên tiếng về sự bất mãn tích tụ bấy lâu nay ở châu Âu đối với Mỹ” - ông Sergei Fedorov giải thích.
Theo ông Andrei Manoilo, những chỉ trích nhằm vào NATO, xuất hiện trong tuyên bố của ông Macron, hoàn toàn có thể có được sự đồng tình của một phần xã hội Pháp, những người luôn cảm thấy không hài lòng khi nước này quay trở lại Liên minh.
Còn nhớ, mặc dù Pháp là một trong những quốc gia sáng lập Liên minh Bắc Đại Tây Dương, nhưng chính Tổng thống Charles de Gaulle rút nước này ra khỏi NATO vào năm 1966 trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Pháp đang rất lạnh nhạt.
“Có rất nhiều bất đồng trong NATO, nhưng hiện tại tôi chưa cho rằng NATO ‘chết não’. Khối này vẫn chưa mất đi hiệu quả chiến đấu. Tuy nhiên, ngay cả bản thân các thành viên không phải lúc nào cũng hiểu được mục đích tồn tại của nó. NATO chiến đấu chống khủng bố không quá thành công, trong khi đối thủ chính mà Liên minh xác định để chiến đấu – Liên Xô và Khối Warszawa – đã không còn tồn tại. Những câu chuyện về sự cần thiết phải kiềm chế Nga là khá nực cười. Không nên dành những nỗ lực quá lớn như vậy chỉ để chiến đấu với một quốc gia” - ông Andrei Manoilo kết luận.
Bình luận