Báo The Sydney Morning Herald (SMH) của Australia ngày 2/8 đưa tin Ngoại trưởng Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ra tuyên bố chung lên án hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các Bộ trưởng bày tỏ "mối quan ngại nghiêm trọng" đối với "các báo cáo đáng tin cậy về hoạt động gây rối liên quan đến các dự án dầu khí lâu đời" ở Biển Đông. Theo SMH, dù không lưu đích danh nhưng tuyên bố ám chỉ việc các tàu Trung Quốc quấy rối và cản trở các tàu Việt Nam tiếp cận các giàn khoan quan trọng ở Biển Đông.
Ba Bộ trưởng có cuộc gặp ở Bangkok tuần này, trước cuộc họp tại Sydney vào Chủ nhật giữa bà Payne, ông Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynold và người đồng cấp Mỹ, Mark Esper.
"Các Bộ trưởng nhắc lại cam kết của họ đối với việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tầm quan trọng của nó trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong lĩnh vực hàng hải", tuyên bố chung hiếm hoi giữa ba nước cho biết.
"Các Ngoại trưởng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về những diễn biến tiêu cực ở Biển Đông, gồm việc triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến ở những thực thể tranh chấp" - tuyên bố chung của các ngoại trưởng nêu rõ
"Các Ngoại trưởng phản đối mạnh mẽ những hành động đơn phương mang tính ép buộc có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng như cải tạo đất, xây dựng tiền đồn, quân sự hóa các thực thể tranh chấp và những hành động làm thay đổi vĩnh viễn môi trường biển ở những khu vực chưa phân định" - tuyên bố chung có đoạn.
Tại Thái Lan, Bà Payne công bố sáng kiến trị giá 30 triệu USD giúp các đối tác Mekong chống lại tội phạm xuyên quốc gia và tăng cường an ninh, cũng như một chương trình trị giá 80 triệu USD chống buôn bán người, nô lệ hiện đại và lao động cưỡng bức trên toàn khu vực ASEAN. "Một sông Mekong ổn định, kiên cường, hướng ngoại và thịnh vượng là một phần quan trọng trong tầm nhìn của Australia đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương", bà nói.
Tuyên bố chung của Ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật, Australia được đưa ra sau khi ông Pompeo chỉ trích hành vi của Trung Quốc tại Đông Nam Á, cho rằng ASEAN nên đặt niềm tin vào Mỹ. "Chúng tôi không xây đường sá để phá bỏ chủ quyền quốc gia của nước khác. Chúng tôi không dựng cầu để lấp khoảng trống về lòng trung thành", ông nói khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa diễn ra ở Bangkok.
Cùng ngày 2/8, trước 27 vị Ngoại trưởng tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26 (ARF-26), trong khi ghi nhận những tiến triển trong đàm phán COC, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, vẫn còn những quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, bao gồm các hành động đơn phương và sự cố nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông, đặc biệt là những hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.
Phó Thủ tướng đề nghị các nước đề cao tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển theo Công ước Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và duy trì môi trường thuận lợi để hỗ trợ cho tiến trình đàm phán nhằm đạt được một Bộ quy tắc (COC) hiệu lực, thực chất.
Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ngày 31/7 ra tuyên bố chung bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Bình luận