Tổng thống Duterte thóa mạ ông Obama, dọa đưa Philippines rút khỏi Liên Hợp Quốc, động chạm đến Giáo hoàng Francis... Nhưng tất cả những phát ngôn đó của ông đều từ trong nước. Trong tuần này, lần đầu tiên tổng thống mới nhậm chức của Philippines sẽ có chuyến công du đến Vientiane, Lào tham dự hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan.
Ngay trước giờ "chào sân" cộng đồng quốc tế, trước khi bay tới Lào, Tổng thống Duterte đã kịp gọi Tổng thống Mỹ Obama là "đồ chó đẻ", dẫn đến việc ông Obama hủy cuộc gặp với ông.
Bất chấp việc thư ký báo chí của Tổng thống Duterte gọi ông là "nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất ASEAN và cả thế giới", các quan chức Philippines không thể phủ nhận việc tổng thống của mình hoàn toàn thiếu kinh nghiệm ngoại giao. Chưa hết, các hội nghị của ASEAN vốn thường xuyên bị phủ bóng bởi những vấn đề gai góc như tranh chấp Biển Đông.
Vị tổng thống khó lường
Gregory Poling, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (trụ sở ở Washington, Mỹ), nhận định đây chỉ mới là sự kiện quốc tế đầu tiên của tân tổng thống Philipipnes. Vì vậy, rất khó để dự đoán cách hành xử của ông tại đây.
"Người Mỹ sẽ theo dõi ông Duterte gắt gao nhất", nhà phân tích rủi ro khu vực Đông Nam Á của công ty tư vấn Eurasia Group, ông Christian Lewis nhận định. "Với Trung Quốc, ông Duterte là một thay đổi hoặc tương đương, hoặc tốt hơn cựu tổng thống Aquino. Còn với Mỹ, ông Duterte lên nắm quyền là tình thế không đổi, hoặc tệ hơn trước", Bloomberg dẫn lời ông Lewis nhận định.
Philippines dưới thời cựu tổng thống Benigno Aquino luôn kiên định với chính sách cứng rắn khi đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte cho thấy ông có thể thực dụng hơn người tiền nhiệm.
Đây cũng là sự kiện cấp cao đầu tiên của ASEAN kể từ khi Tòa trọng tài ngày 12/7 ra phán quyết đối với vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Theo phán quyết của tòa, Trung Quốc không có "quyền lịch sử" đối với các tuyên bố chủ quyền của nước này trên Biển Đông.
"Chiêu" phản pháo của tổng thống Philippines
"Duterte luôn sẵn sàng (đối phó) những lời chỉ trích", theo lời ông Benito Lim, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ateneo de Manila University (Philippines). "Ông ấy có thể phản pháo lại những lời chỉ trích từ các lãnh đạo ASEAN khác, cả Obama, bằng việc kể ra những vi phạm nhân quyền của nước kia", ông Lim dự đoán.
Trong khi đó, các quan chức Philippines cũng không tiết lộ về "chiến lược" của tổng thống trong thời gian tham dự hội nghị ở Lào. "Tôi sẽ không suy đoán gì về chuyện đó, trừ việc đảm bảo với anh rằng tổng thống sẽ làm điều cần làm, dựa trên lợi ích quốc gia", Thư ký Bộ Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay nói trong cuộc phỏng vấn hồi tuần trước.
Đối với Mỹ, đồng minh lâu năm của Philippines, tổng thống mới nhậm chức đã đẩy quan hệ hai nước vào khó khăn với chiến dịch chống tội phạm ma túy của ông. Hơn 2.400 người đã chết không qua xét xử, kết tội trong cuộc chiến chống tội phạm của ông Duterte. Sự việc làm dấy lên quan ngại từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, về nhân quyền tại Philippines.
Không những vậy, Tổng thống Duterte còn nghi ngờ cả cam kết của Mỹ đối với Philippines, dọa sẽ đối thoại song phương với Trung Quốc để "thương thảo" về tranh chấp Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là không có gì để lo ngại về tổng thống Philippines. Có lúc ông Duterte nói rằng ông sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để nghiên cứu các nguồn tài nguyên trên Biển Đông. Một lúc khác, ông đe dọa một cuộc chiến "đẫm máu" nếu Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Philippines.
Hiện vẫn chưa rõ ông Duterte sẽ nói gì, chỉ chắc rằng cuộc gặp của ông Obama với ông Duterte phải dời qua một ngày khác, sau khi tổng thống Philippines "bày tỏ sự hối tiếc" vì phát ngôn trước đó của ông.
Tại Lào lần này, tổng thống Mỹ và Philippines sẽ không có cuộc gặp chính thức nào, nếu có sẽ chỉ là một vài cuộc trò chuyện bên lề.
Tổng thống Duterte cũng đã bác bỏ đề nghị gặp gỡ từ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon, dù Manila trước đó đã cải chính rằng lời dọa rút khỏi Liên Hiệp Quốc của Tổng thống Duterte chỉ là "sự giận giữ của ông với Liên Hiệp Quốc".
Bình luận