Nhật khám xét tàu tình nghi chở hàng từ Triều Tiên
Kyodo dẫn các nguồn thạo tin cho hay lực lượng hải quan Nhật Bản đã lần đầu tiên vận dụng một đạo luật mới để khám xét một chiếc tàu bị nghi chở hàng xuất khẩu từ Triều Tiên cập cảng Tokyo đêm 22/8.
Đây là cuộc khám xét đầu tiên được thực hiện chiểu theo luật khám xét hàng hóa có hiệu lực năm 2010 sau khi Hội đồng Bảo an LHQ năm 2009 thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân lần thứ hai của nước này. Tàu Triều Tiên. Ảnh: minh họa
Đạo luật trên cho phép nhà chức trách Nhật Bản kiểm tra những tàu treo cờ nước ngoài bị nghi chở những nguyên liệu bị cấm đến và đi từ Triều Tiên.
Tin cho biết các quan chức hải quan Nhật đã tìm thấy một số container chứa những hàng hóa bị quốc tế cấm, trong đó có cả các thanh nhôm có thể sử dụng vì mục đích quân sự và các sản phẩm thép.
Kyodo dẫn các nguồn tin nói những sản phẩm trong các container có dấu ghi rõ chúng được sản xuất ở Triều Tiên.
Theo Kyodo, chiếc tàu chở hàng này đến từ cảng Đại Liên ở miền bắc Trung Quốc trên đường tới các nước khác và ghé qua Tokyo.
Indonesia trang bị tên lửa Maverick cho phi cơ F-16
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, mạng tin Defense Aerospace cho biết Bộ Quốc phòng Indonesia đã đặt mua của Mỹ tên lửa không đối đất AGM-65K2 Maverick để trang bị cho máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon.
Cục Hợp tác quân sự (DSCA) của Lầu Năm Góc đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về hợp đồng tiềm năng này, ước tính trị giá khoảng 25 triệu USD.
Indonesia đã đặt mua của Mỹ 18 tên lửa Maverick, 36 tên lửa huấn luyện TGM-65K2 để thực hành tấn công các mục tiêu trên mặt đất, ba tên lửa huấn luyện TGM-65D dành cho đào tạo nhân viên điều khiển mặt đất, cũng như các phụ tùng, thiết bị sửa chữa tên lửa.
Tên lửa không đối đất AGM-65K2 Maverick |
Ngoài ra, nếu thỏa thuận được chấp thuận, Mỹ sẽ cung cấp cho Indonesia các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật và dịch vụ đào tạo.
Hiện Indonesia đang sở hữu 10 máy bay chiến đấu F-16A/B. Bộ Quốc phòng nước này cũng sẽ nhận được từ Mỹ 24 chiếc F-16 Block 25 cũ được nâng cấp thành Block 30 và sáu chiến đấu cơ loại này dùng làm phụ tùng thay thế.
Theo điều kiện hợp đồng ký vào tháng 11/2011, Mỹ sẽ chuyển giao F-16 miễn phí, riêng 750 triệu USD chi phí nâng cấp thì Indonesia phải chi trả.
Nga triển khai tàu chiến bảo vệ APEC
Nga sẽ triển khai nhiều tàu chiến, máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không hiện đại để bảo vệ an ninh cho hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sắp tới.
“Lực lượng vũ trang Nga bảo vệ an ninh cho hội nghị thượng đỉnh sẽ được triển khai từ Quân khu miền Đông” - Hãng tin RIA ngày 24/8 dẫn lời chủ tịch Hội đồng quan hệ công chúng thuộc Bộ Quốc phòng Nga, ông Igor Korotchenko.
Hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400 |
Ông Korotchenko cho biết đội an ninh tại APEC sẽ được trang bị các vũ khí như hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 Triumph, các máy bay chiến đấu Su-27SM, Su-30, MiG-31 cùng nhiều tàu chiến và tàu ngầm từ hạm đội Thái Bình Dương.
Hội nghị thượng đỉnh APEC lần 24 diễn ra từ ngày 2 đến 9/9 tại thành phố Vladivostok miền Viễn Đông của Nga. Đây là lần đầu tiên Nga tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC.
Bộ trưởng phụ trách phát triển vùng Viễn Đông Viktor Ishayev cho biết công tác chuẩn bị cho hội nghị đã hoàn tất. Chính phủ Nga đã phân bổ 600 tỉ rúp (khoảng 18,8 tỉ USD) cho công tác chuẩn bị.
Ngư lôi Hàn Quốc mất tích
Một ngư lôi của Hàn Quốc biến mất sau khi tới được mục tiêu trong một cuộc bắn thử ngày hôm qua.
Theo người phát ngôn hải quân Hàn Quốc, khu trục hạm Sejong Đại đế tiến hành lần bắn thử đầu tiên đối với ngư lôi chống tàu ngầm mang tên Hongsangeo (Cá mập Đỏ) tại vùng biển gần thành phố Pohang ở miền nam.
Ngư lôi chống tàu ngầm Hongsangeo |
"Nó không thể tới được mục tiêu ở độ sâu 60 m dưới biển và cách xa 20 km, rồi sau đó mất tích", Chosun Ilbo dẫn lời phát ngôn viên hải quân.
Quân đội Hàn Quốc đang điều tra vụ biến mất của loại tên lửa mà Seoul đã tốn 100 tỷ won (gần 90 triệu USD). Cơ quan Phát triển Phòng thủ và một số công ty quốc phòng có liên quan cũng tham gia việc điều tra trước khi ngư lôi Hongsangeo được bắn thử lần thứ hai.
Xả súng ở Mỹ: Nhiều người trúng "đạn lạc" của cảnh sát?
Thị trưởng thành phố NewYork nói, có thể một số người bị thương do "đạn lạc" của cảnh sát, nhưng hiện chưa ai bị cho là có nguy hiểm tính mạng.
9h sáng giờ NewYork, một vụ xả súng xảy ra ở tòa tháp Empire State cao nhất thành phố này, khiến ít nhất 2 người chết và 9 người bị thương.
Theo của tờ NewYork Times, Thị trưởng thành phố NewYork, ông Michael Bloomberg đã vội vã tới hiện trường sau đó và họp báo công khai ngay ở đây.
Thị trưởng thành phố NewYork, ông Bloomberg họp báo ngay tại hiện trường vụ xả súng |
Johnson từng là nhân viên thiết kế nữ trang có 6 năm làm việc ở Công ty của ông Ercolino. Năm ngoái, hai người có tranh cãi về công việc và Johnson bị sa thải sau đó với lý do “tinh giản biên chế”.
Khi bị cảnh sát chặn lại, Johnson rút súng chống cự và cảnh sát đã nổ súng hạ gục sát thủ. Theo tờ Chinanews, cảnh sát đã bắn ít nhất 14 viên đạn để tiêu diệt được Johnson.
Hiện chưa rõ 9 người bị thương do đạn của Johnson hay của cảnh sát. Tuy nhiên, Thị trưởng Bloomberg nói, có thể một vài người đã bị thương “do đạn lạc” của cảnh sát.
Trung Quốc cho một tàu 4.000 tấn đến Trường Sa
Một tàu gia công tiếp tế trọng tải 4.000 tấn của Trung Quốc đang trên đường đến quần đảo Trường Sa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Theo Tân Hoa Xã, tàu “Quỳnh Tam Á F-8138” hay còn gọi là tàu “Giang Hải 1” do Công ty hữu hạn Giang Hải thuộc tỉnh Hải Nam nâng cấp, dài 100,2 m, rộng 15,2 m, cao 13,8 m. Sau khi hạ thủy, tàu neo đậu tại vùng biển gần cảng Dương Phố thuộc tỉnh Hải Nam.
Quần đảo Trường Sa của Việt Nam |
Tàu “Quỳnh Tam Á F-8138” có đủ chức năng đánh bắt trên biển, gia công thô và tinh, cắt lát sấy khô, ướp lạnh, ... đồng thời đảm bảo đầy đủ dịch vụ hậu cần cho các tàu cá tác nghiệp ở Trường Sa. Đây là tàu ngư nghiệp lớn nhất ở Nam Hải hiện nay được đưa đến Trường Sa sau tàu hậu cần 3.000 tấn đã được điều đến vùng biển này hôm 12/7.
Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”
Tàu tuần tra Trung Quốc diễn tập với Mỹ
Hải Tuần 31, một trong những tàu tuần tra hàng hải lớn nhất Trung Quốc, hôm nay lên đường sang thăm Mỹ lần đầu tiên để tham gia hoạt động diễn tập chung.
Rời cảng Thượng Hải lúc 10h30 giờ địa phương, Hải Tuần (Haixun) 31 dự kiến cập cảng Hawaii vào ngày 4/9 tới. Theo China Daily, tàu sẽ lưu lại đây 5 ngày để tham gia với Tuần duyên Mỹ vào một loạt cuộc diễn tập hàng hải chung, trong đó có diễn tập tìm kiếm, cứu hộ. Những vấn đề như quản lý an toàn hàng hải Trung-Mỹ, an toàn giao thông đường thủy và cứu trợ thiên tai cũng sẽ được hai bên thảo luận.
Tàu tuần tra hàng hải Haixun 31 của Trung Quốc |
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi cử một tàu tuần tra hàng hải sang Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi gửi các trực thăng trên tàu tuần tra trong một chuyến đi dài ngày", ông Cao Desheng, phó ban giao thông đường thủy thuộc Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết. Ông nói thêm rằng các trực thăng này sẽ được sử dụng trong cuộc diễn tập tìm kiếm, cứu hộ trên biển.
Gene Maestas, phụ trách quan hệ công chúng của đội Tuần duyên số 14 đóng tại Hawaii, thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ, xác nhận chuyến thăm và diễn tập sắp tới của tàu Trung Quốc.
Đỗ Hường (tổng hợp)
Bình luận