• Zalo

Thế giới 24h: Trung Quốc kỷ niệm quốc khánh

Thế giớiChủ Nhật, 30/09/2012 06:30:00 +07:00Google News

(VTC News)- Triều Tiên tố Hàn Quốc ‘xâm phạm lãnh thổ’; Nga thử nghiệm ‘đồng phục tương lai’ cho quân đội;… là những tin đáng chú ý trong ngày 30/9.

(VTC News)- Triều Tiên tố Hàn Quốc ‘xâm phạm lãnh thổ’; Nga thử nghiệm ‘đồng phục tương lai’ cho quân đội;… là những tin đáng chú ý trong ngày 30/9.

Triều Tiên tố Hàn Quốc 'xâm phạm lãnh thổ'

Triều Tiên hôm qua cáo buộc Hàn Quốc xâm phạm lãnh thổ và "kích động" đụng độ quanh biên giới tranh chấp trên biển, nhằm thu hút sự ủng hộ cho đảng cầm quyền trước bầu cử tổng thống.

Phát ngôn viên của Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Triều Tiên tuyên bố "những kẻ hiếu chiến" từ Hàn Quốc đang "đưa tàu chiến tiến sâu vào vùng lãnh hải" của Triều Tiên hàng ngày.

>>Video Triều Tiên duyệt binh khoe vũ khí hạng nặng nhất

Những cột khói bốc lên từ một đảo tiền tiêu của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải, sau khi bị Triều Tiên nã pháo năm 2010 

Ông cũng nhắc lại vụ việc các tàu chiến Hàn Quốc gần đây nã súng cảnh cáo các tàu cá ở gần Đường Giới hạn Phía bắc, biên giới tranh chấp giữa hai nước trên biển Hoàng Hải, mà không có cảnh báo trước.

Triều Tiên khẳng định các tàu cá trên đến từ Trung Quốc. Theo đó, nước này cáo buộc bà Park Geun-Hye, ứng viên tổng thống của đảng cầm quyền Thế giới mới, và những chính trị gia khác đang lợi dụng vụ việc trên để đẩy mạnh chiến dịch tranh cử. Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 19/12 tới.

Nga thử nghiệm “đồng phục tương lai” cho quân đội

Một quan chức cấp cao của quân đội Nga ngày 29/9 cho biết “đồng phục binh sĩ tương lai” mang tên Ratnik đã được thử nghiệm thành công, mở đường cho việc đưa vào ứng dụng trong quân đội, theo RIA Novosti.

Ratnik (có nghĩa là “Chiến binh”), gồm hơn 40 bộ phận cấu thành, trong đó có vũ khí (súng ngắn), áo giáp, thiết bị liên lạc, thiết bị điều hướng, hệ thống cung cấp điện và hỗ trợ, thậm chí có cả miếng đệm đầu gối và khuỷu tay, chỉ huy Lục quân Nga tướng Vladimir Chirkin cho biết.

Đài phát thanh Ekho Moskvy đưa tin đồng phục này có thể được trang bị cho bộ binh, các nhà điều hành phóng tên lửa, xạ thủ súng máy, lính lái xe và lính trinh sát. Ngoài ra, đồng phục này được thiết kế khá nhẹ dù có chút biến đổi giữa đồng phục đông và hè.

>>Video Nga vô địch giải trực thăng thế giới

Đồng phục binh sĩ tương lai Ratnik trong cuộc thử nghiệm 

Ratnik đã được thử nghiệm trong cuộc tập trận Caucasus 2012 vừa qua. Các cuộc thử nghiệm sẽ vẫn được tiếp tục tại bãi thử nghiệm Alabino ở ngoại ô Moscow.

Trung Quốc kỷ niệm trọng thể 63 năm Quốc khánh


Tối 29/9, Trung Quốc đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949-1/10/2012) tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.

Tham dự có các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào; Thủ tướng Ôn Gia Bảo; Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc; Chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Giả Khánh Lâm; Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình... cùng hơn 1.200 quan khách trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã ôn lại lịch sử 63 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đặc biệt kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa năm 1978 đến nay.

>>Nữ ủy viên đầu tiên của Bộ Chính trị Trung Quốc là ai?

Cac nhà lãnh đạo Trung Quốc tham gia kỷ niệm quốc khánh nước này tại thủ đô Bắc Kinh 

Ông nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân các dân tộc đã đoàn kết, phấn đấu, diện mạo đất nước đã có những thay đổi to lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, sức mạnh tổng hợp của quốc gia và sự ảnh hưởng trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết trong năm 2012, sự nghiệp cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hóa Trung Quốc tiếp tục giành được những thành tựu mới. Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, những khó khăn phải đối mặt tăng lên rõ rệt, Trung Quốc cần đẩy mạnh cải cách trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và nhiều lĩnh vực khác.

Iran tố ngược Israel vụ sản xuất vũ khí hủy diệt

Truyền thông Tehran hôm 29/9 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi ‘coi nhẹ’ những lời chỉ trích và cảnh báo của Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu nhằm vào Iran tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Năm tuần qua.

Trong bài phát biểu của mình, ông Netanyahu nhấn mạnh việc ngăn chặn các chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran đang là vấn đề cấp thiết và cần được giải quyết, chậm nhất là vào mùa hè tới.

>>Video: Iran 'khoe' dàn vũ khí quân sự mới

Thủ tướng Israel vạch 'đường lằn đỏ' minh họa cho giới hạn sản xuất bom nguyên tử của Iran trong bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 28/9 

Đáp lại động thái này, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, ông Vahidi nói: “Nếu nói việc sở hữu bom nguyên tử là phá vỡ đường giới hạn đỏ thì Israel – nước sở hữu tới 10 đầu đạn hạt nhân và nhiều loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác thì chẳng phải đã ‘vượt rào’ từ rất lâu rồi hay sao?”.

Cũng theo ông Vahidi: “Nếu các nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây thực sự muốn ngăn chặn nguy cơ phá vỡ hòa bình trong khu vực và trên toàn thế giới, họ nên cắt đứt quan hệ cũng như tăng cường áp lực và các biện pháp trừng phạt cho tới khi nhà nước Do Thái nguy hiểm (ám chỉ Israel) chịu tiêu hủy hết kho vũ khí hủy diệt của họ.”

Bên cạnh đó, Thủ tướng Israel còn lên tiếng kêu gọi Mỹ vạch ra ‘đường lằn đỏ’ nhằm kiểm soát hành động của Iran cũng như làm cơ sở để can thiệp quốc tế trong trường hợp Tehran ‘dám vượt qua giới hạn’.

Bà Suu Kyi “có thể trở thành Tổng thống Myanmar” vào năm 2015

Trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ vừa qua, Tổng thống Mynamar U Thein Sein nói rằng thủ lĩnh đối lập Aung san Suu Kyi có thể trở thành Tổng thống Myanmar nếu như được người dân tín nhiệm bầu chọn.

Trong buổi trả lời phỏng vấn với chương trình Hardtalk của BBC, nhà lãnh đạo Myanmar nói rằng ông sẽ chấp nhận “rút lui” nếu như người dân bỏ phiếu cho bà San Suu Kyi, khôi nguyên của giải Nobel Hòa bình.

“Ý chí của người dân sẽ được tôn trọng, dù ai sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2015”, Tổng thống Thein Sein khẳng định.


Bà Suu Kyi  

Mặc dù vậy, ông Thein Sein cũng không che giấu cảm xúc thực của mình nếu viễn cảnh đó xảy ra.
 "Việc bà ấy (Suu Kyi) trở thành nhà lãnh đạo quốc gia phụ thuộc vào ý chí của người dân. Nếu người dân chấp nhận bà, thì tôi cũng sẽ phải chấp nhận bà", ông nói.

Ông cũng nhắc lại cam kết của mình đối với chương trình cải cách đất nước và cho biết đang cộng tác rất ăn ý với bà Suu Kyi, người đã thuyết phục Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với ông Thein Sein.
"Không có bất kỳ vấn đề nào giữa tôi và bà Aung San Suu Kyi. Chúng tôi đang làm việc cùng nhau rất hợp ý".

Nhật Bản phản đối báo Mỹ quảng cáo "Điếu Ngư"

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, Nhật Bản đã bày tỏ sự phản đối việc hai tờ báo Mỹ đăng bài quảng cáo, trong đó quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), vốn là tâm điểm của cuộc tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh, được gọi là lãnh thổ của Trung Quốc.

Đại sứ Nhật Bản tại Washington, Ichiro Fujisaki tuyên bố, quảng cáo như vậy chỉ mang tính một chiều.

Bài quảng cáo đăng trên hai tờ "Washington Post" và "New York Times" giới thiệu bức ảnh quần đảo Senkaku và khẳng định quần đảo này thuộc Trung Quốc.


Quảng cáo do China Daily mua trên tờ Washington Post  

Hiện quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang trong tình trạng căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ xung quanh chủ quyền đối với các đảo ở Biển Hoa Đông. Cả hai bên đều giữ lập trường cứng rắn về nguyên tắc và không có ý định nhượng bộ nhau.

Trước đó, tờ báo tiếng Anh chính thức của Trung Quốc là China Daily đã mua 2 trang giữa in màu của  tờ New York Times số ngày 29/9 - theo báo giá là 250.000 USD - để đăng quảng cáo "chủ quyền Điếu Ngư."

Đỗ Hường (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn