• Zalo

Thế giới 24h: Tàu Trung Quốc 'vây' đảo tranh chấp

Thế giớiThứ Sáu, 21/09/2012 04:35:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nga trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện đại; Vương Lập Quân sẽ bị tuyên án vào thứ 2 tới; tàu đổ bộ hải quân Singapore thăm Việt Nam;…

(VTC News) - Nga trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện đại; Vương Lập Quân sẽ bị tuyên án vào thứ 2 tới; tàu đổ bộ hải quân Singapore thăm Việt Nam;… là những tin đáng chú ý trong ngày 21/9.

Nga trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện đại

Đến ngày 21/9, quân chủng tên lửa chiến lược Nga đã hoàn thành tái trang bị hai loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện đại nhất Topol-M và Yars cho binh đoàn Teikov đóng tại tỉnh Ivanovo của nước này.

Binh đoàn tên lửa Tâycốp gồm hai trung đoàn được trang bị các dàn tên lửa Topol-M và hai trung đoàn được trang bị các dàn tên lửa Yars là những loại tên lửa đều thuộc thế hệ thứ năm.


Topol-M 

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Đại tá Vadim Koval, trong năm nay, các dàn tên lửa Yars cũng sẽ được trang bị tiếp cho hai binh đoàn Novosibir và Kozel đóng tại tỉnh Kaluga, còn tên lửa Topol-M sẽ được trang bị cho binh đoàn Tatishev đóng tại tỉnh Saratov.

Hai loại tên lửa Topol-M và Yars có tầm bắn trên 10.000 km, đều rất linh hoạt trong khi bay và có hệ thống dẫn đường tự động tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu.

Việc đưa các tên lửa Topol-M và Yars vào trực chiến sẽ giúp lực lượng tên lửa chiến lược Nga duy trì và củng cố tiềm năng răn đe hạt nhân của mình, đồng thời sẵn sàng vô hiệu hóa mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Tàu Trung Quốc, Đài Loan 'vây' Senkaku/Điếu Ngư

Một chiếc tàu của Đài Loan hôm nay nhập cùng nhóm hơn 10 tàu Trung Quốc tại vùng nước gần chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Một đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Xinhua 

Con tàu này được nhìn thấy ở cách Uotsurijima, đảo lớn nhất trong nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, khoảng 44 km.

AFP dẫn lời phát ngôn viên tuần duyên Nhật ở Okinawa cho hay đây là một con tàu của người dân. "Thông qua loa và thiết bị liên lạc không dây, chúng tôi đang cảnh báo con tàu không được đi vào vùng nước thuộc chủ quyền của chúng tôi", người phát ngôn này nói. Theo luật pháp quốc tế, các vùng nước chủ quyền được mở rộng lên tới 12 hải lý tính từ bờ biển.


Tuần duyên Nhật còn cho biết con tàu có đáp lại lời cảnh báo. Tuy nhiên, những biểu ngữ liên quan tới Senkaku/Điếu Ngư cũng được nhìn thấy trên boong tàu này.

Hiện có 13 tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc hoạt động quanh khu vực quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku, còn Trung Quốc đặt tên là Điếu Ngư. Tất cả những tàu này đều ở phía ngoài của khu vực được gọi là vùng tiếp giáp, tức là ngoài phạm vi 12 hải lý tính từ khu vực có tranh chấp.

Vương Lập Quân sẽ bị tuyên án vào thứ 2 tới

Phán quyết đối với cựu cảnh sát trưởng Vương Lập Quân, người bị buộc tội đào nhiệm và các tội danh khác trong vụ bê bối "quật ngã" chính trị gia cấp cao Bạc Hy Lai của Trung Quốc, sẽ được đưa ra vào ngày thứ hai tới, một quan chức tòa án cho hay.

Tuyên bố của tòa án cho biết, Vương Lập Quân “không có bất kỳ phản đối nào” đối với các cáo buộc đào nhiệm, lạm dụng quyền lực, nhận hối lộ và bẻ cong luật pháp vì tư lợi trong phiên tòa 2 ngày kết thúc vào hôm thứ ba vừa qua.


Vương Lập Quân (phải) và Bạc Hy Lai từng là cặp bài trùng ở Trùng Khánh 

Tân Hoa xã dẫn lời ông Vương tại tòa cho biết: “Tôi thừa nhận và thú nhận các tội do cơ quan công tố đưa ra và tôi rất hối hận”.
 
Người phát ngôn của tòa án nhân dân cấp trung Thành Đô cho hay “phán quyết về vụ ông Vương Lập Quân sẽ được công bố vào ngày 24/9 tới”.
 
Ông Vương gần như chắc chắn sẽ bị tuyên có tội đối với tất cả các cáo buộc và án phạt cao nhất có thể là tử hình.

Nhật Bản-Việt Nam hợp tác trong công nghệ vũ trụ

Trong khuôn khổ các hoạt động của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, ngày 20/9, tại trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã diễn ra Hội thảo “Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong Công nghệ Vũ trụ” do Trung tâm Vệ tinh Quốc gia trực thuộc VAST tổ chức.

Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã giới thiệu với các đại biểu về Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, đặc biệt là Dự án hợp tác xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Ông cho biết đây là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, những người đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ gặp mặt, trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm, tìm hiểu cơ hội và tiềm năng phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

>>Video Trung Quốc chuẩn bị phóng tàu vũ trụ có người lái

Ảnh: minh họa 

Các nhà khoa học, quản lý của Việt Nam và Nhật Bản đều nhất trí cho rằng, việc hợp tác trong lĩnh vực Công nghệ vũ trụ đã mở ra những cơ hội, tiềm năng mới cho phát triển khoa học, phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, cũng như nhiều cơ hội tìm hiểu đầu tư cho các công ty, doanh nghiệp Nhật Bản thuộc lĩnh vực công nghệ cao.

Đồng thời, từ dự án hợp tác phát triển công nghệ vũ trụ, nhiều nhân lực công nghệ cao sẽ được đào tạo bài bản trong môi trường chuyên nghiệp.

Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam triển khai thực hiện từ năm 2011 đến năm 2020. Đơn vị triển khai thực hiện và tiếp nhận dự án trọng điểm quốc gia này là Trung tâm Vệ tinh Quốc gia trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tàu đổ bộ hải quân Singapore thăm Việt Nam

Tàu đổ bộ cỡ lớn của hải quân Singapore chở theo 226 sĩ quan và thủy thủ đến Đà Nẵng hôm nay, bắt đầu các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa hai nước.

Tàu hải quân Persistence cập cảng Tiên Sa và sẽ ở thăm thành phố Đà Nẵng 6 ngày.

Tại lễ đón tàu, đại diện lãnh đạo Bộ quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam, đánh giá cao chuyến thăm của tàu Hải quân Singapore, nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Trong khuôn khổ của chuyến thăm, Hải quân Singapore sẽ tặng thiết bị, phụ tùng cho tàu đổ bộ của Hải quân Việt Nam; chào xã giao lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam; giao hữu bóng chuyển với Hải quân Việt Nam; tham quan danh thắng của thành phố Đà Nẵng.


Tàu đổ bộ 209 của Hải quân Singapore cập cảng Tiên Sa sáng nay 

Tàu Persistence được hạ thủy tháng 3/1999 và là một trong bốn tàu đổ bộ lớp Endurance của liên đội tàu 191 Hải quân Singapore. Loại tàu này có lượng giãn nước 8.500 tấn, kích thước 141x21x5m.

Tàu được thiết kế boong phóng máy bay đủ khả năng đáp ứng cho hai trực thăng hạng trung cất hạ cánh, hệ thống điện tử trang bị cho lớp Endurance gồm radar tìm kiếm, radar định vị, thiết bị ngắm quang, thiết bị đối phó trả đũa điện tử cùng thiết bị phóng mồi bẫy, hệ thống tên lửa hải đối không, pháo hạm siêu tốc…

Mỹ: Vụ tấn công lãnh sự quán ở Libya là hành động khủng bố


Đây chính là tuyên bố mới nhất của Washington liên quan đến vụ lãnh sự quán nước này tại Benghazi bị tấn công khiến đại sứ Chris Stevens cùng 3 nhân viên ngoại giao thiệt mạng. Hiện FBI đang tiếp tục điều tra truy tìm thủ phạm.

Như vậy sau nhiều ngày khẳng định vụ việc này chỉ là hành động bột phát trong đợt biểu tình phản đối bộ phim nhạo báng đạo Hồi của người Libya, chính phủ Mỹ đã chính thức thừa nhận đây là hành động khủng bố.

>>Video: Mỹ đóng cửa sứ quán, rút nhân viên khỏi Syria

Lãnh sự quán Mỹ tại Lybia bị tấn công 

Trong khi đó Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố sẽ tiến hành một đợt rà soát chính thức đối với công tác an ninh tại lãnh sự này.

Phát biểu trước báo giới ngày 20/9, người phát ngôn Nhà trắng Jay Carney tuyên bố: “Những gì xảy ra tại Benghazi đã đủ để nói lên rằng đó là một hành động tấn công khủng bố”.

Trước đó, trong buổi điều trần hôm 19/9 tại đồi Capitol Hill, giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia của Mỹ Matthew Olsen chính là quan chức chính phủ đầu tiên gọi vụ tấn công này là hành động khủng bố. Ông Carney nhận định có thể Al-Qaeda đứng sau vụ việc này.

Dù vậy thì phát biểu của ông Carney được xem như chỉ nhằm điều chỉnh về câu chữ các quan chức Mỹ dùng để miêu tả vụ việc chứ không cho thấy Washington đã tìm thấy manh mối nào mới. Hiện vụ việc vẫn đang được FBI tiến hành điều tra.

Nga tính bỏ “giờ mùa Hè vĩnh viễn”

Các nghị sĩ Nga đang lên một dự thảo kiến nghị hủy bỏ quy định “giờ mùa Hè vĩnh viễn” được ông Medvedev ban hành hồi năm ngoái khi ông còn ở cương vị tổng thống.

Năm 2011, Tổng thống khi đó Dmitry Medvedev đã ban hành quyết định về việc bãi bỏ giờ mùa đông ở Nga và thực hiện “giờ mùa Hè” vĩnh viễn.

Ông Medvedev cho rằng việc điều chỉnh đồng hồ hai lần hàng năm mặc dù có lợi về mặt kinh tế, nhưng lại ảnh hưởng đến sinh lý và gây hại cho sức khỏe của người dân.

Đồng thời, ông Medvedev cũng quyết định cắt giảm hệ thống múi giờ từ 11 xuống còn 9 múi giờ nhằm điều hành kinh tế hiệu quả và thuận lợi hơn.

>>Video Nga vô địch giải trực thăng thế giới

Nga sẽ trở lại hệ thống 11 múi giờ và điều chỉnh giờ vào mùa Đông như cũ? 

Tuy nhiên, sau hơn một năm áp dụng, nhiều người Nga phàn nàn họ thậm chí còn được hưởng ít ánh sáng ban ngày hơn và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi do luôn thức dậy trong… bóng đêm.

Sau khi thực hiện quyết định của cựu tổng thống Medvedev năm ngoái, Nga gần như là nước duy nhất ở Bắc Âu không điều chỉnh giờ muộn lại một tiếng vào mùa Đông.
 
Hiện có nhiều ý kiến đề xuất thay đổi quyết định này và một dự luật mới đang được Hạ viện Nga soạn thảo.
 
Người đứng đầu Ủy ban y tế của Hạ viện Nga, Sergei Kalashnikov cho biết đang thúc đẩy một dự thảo nhằm khôi phục lại hệ thống 11 múi giờ và điều chỉnh giờ muộn lên vào mùa Đông.

Ông này cho biết, dự thảo có thể được chấp thuận để việc điều chỉnh thực hiện ngay trong mùa Thu này.

Khánh Thục (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn