• Zalo

Thế giới 24h: Dân Triều Tiên căm phẫn chú Kim Jong-un

Thế giớiThứ Ba, 10/12/2013 05:16:00 +07:00Google News

(VTC News) - Dân Triều Tiên ‘căm phẫn’ với chú Kim Jong-un, Trung Quốc không phản đối vùng phòng không Hàn Quốc là những tin đáng chú ý ngày 10/12.

(VTC News) - Dân Triều Tiên ‘căm phẫn’ với chú Kim Jong-un, Trung Quốc không phản đối vùng phòng không Hàn Quốc là những tin đáng chú ý ngày 10/12.

Dân Triều Tiên căm phẫn với chú Kim Jong-un

Ngày 10/12, truyền thông Triều Tiên đã đồng loạt thông tin rầm rộ ủng hộ việc nhà lãnh đạo Kim Jong-Un cách chức người chú của mình là Chang Song-Thaek, người từng được coi là nhân vật số 2 trong chính quyền Bình Nhưỡng.

Truyền hình nhà nước Triều Tiên cũng phát đi tấm ảnh cho thấy ông Chang bị hai nhân viên công lực lôi khỏi hàng ghế dành cho các quan chức cao cấp trong một cuộc họp, hình ảnh công khai hiếm có về một lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên.

Báo giới Triều Tiên lên tiếng chỉ trích ông Chang Song-thaek
Tờ Rodong Shinmun, cơ quan của Đảng Lao động Triều Tiên đăng ý kiến của một số người dân, thể hiện sự phẫn nộ đối với hành vi “tham nhũng và sa đọa” của ông Jang. Một số ý kiến còn đòi “thiêu chết” hoặc “cắt cổ” ông Jang. Tờ này dẫn lời một công nhân mô tả hành vi của ông Jang còn “tệ hơn cả loài súc vật.”

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA nói ông Jang là một kẻ trụy lạc, suy đồi và tham nhũng tìm cách áp đặt quyền lực cá nhân lên Đảng Lao động Triều Tiên. KCNA nói ông Chang  bị cách mọi chức vụ đảng và nhà nước vì vi phạm pháp luật và cầm đầu “bè lũ phản cách mạng”. Hãng tin này cho biết quyết định cách chức và khai trừ ông Chang được đưa ra ngày 8/12 trong một cuộc họp cấp cao của Đảng Lao động có ông Kim chủ trì.

Thủ tướng Thái Lan cầu xin người biểu tình

Hôm nay 10/12, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã gần như trào nước mắt khi khẩn cầu người biểu tình rời khỏi đường phố và ủng hộ cuộc bầu cử sắp tới. Nữ thủ tướng 46 tuổi đã có một bài phát biểu nhiều cảm xúc trong cuộc họp nội các tại một trụ sở quân đội ở thủ đô Bangkok.
thủ tướng thái lan
Thủ tướng Thái Lan nghẹn ngào khi phát biểu cầu xin người biểu tình
"Giờ đây quốc hội đã giải tán, tôi mong muốn người biểu tình ngừng lại và tiến tới bầu cử” – bà Yingluck nói với báo giới trên đường bước vào phòng họp. Thủ tướng tạm quyền Thái Lan cho biết đã thỏa hiệp trong phạm vi có thể và mong muốn sẽ được đối xử một cách công bằng.

Sáng 9/12, bà Yingluck đã tuyên bố giải tán quốc hội. Đề xuất này được Quốc vương thông qua vào tối cùng ngày. Tuy nhiên lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban cho rằng điều đó là chưa đủ, ông yêu cầu trong vòng 24 giờ (tính từ tối 9/12), bà Yingluck và nội các phải từ chức. Song bà Yingluck bác bỏ yêu cầu này và khẳng định sẽ tiếp tục nhiệm vụ trong vai trò thủ tướng tạm quyền cho tới ngày bầu cử sắp tới vào 2/2/2014.

Trung Quốc không phản đối vùng phòng không Hàn Quốc

Ngày 9/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự đáng tiếc trước việc Hàn Quốc mở rộng vùng phòng không bao trùm quần đảo tranh chấp giữa hai nước, nhưng không tỏ thái độ phản đối hay giận dữ. 

"Trung Quốc lấy làm tiếc trước quyết định mở rộng vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Hàn Quốc", AFP dẫn lời ông Hồng Lỗi, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc. "Trung Quốc sẽ duy trì đối thoại với Hàn Quốc, trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi".
Vùng phòng không mới mở rộng của Hàn Quốc
Ông Hồng cũng kêu gọi Seoul nên xử lý các vấn đề liên quan với thái độ thận trọng, phù hợp và chỉ ra rằng ADIZ của Hàn Quốc bao trùm đảo Tô Nham/Ieodo tranh chấp.

Phản hồi chính thức này của Bắc Kinh được đưa ra một ngày sau khi Seoul hôm 8/12 tuyên bố mở rộng ADIZ chồng lấn với vùng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố tháng trước và bao trùm bãi đá Tô Nham/Ieodo tranh chấp giữa hai nước.

Trung, Hàn theo sát việc cách chức ở Triều Tiên


Trước thông tin Triều Tiên cách chức Chang Song-thaek, Tân Hoa dẫn lời Hồng Lỗi - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Là quốc gia láng giềng thân thiết, Trung Quốc hy vọng Triều Tiên tiếp tục duy trì ổn định quốc gia, phát triển kinh tế và mang lại hạnh phúc cho người dân. Trung Quốc cam kết tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ truyền thống và hợp tác với Triều Tiên".
kim jong un chang song thaek
Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin thông báo về việc người chú quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên bị mất chức 
Trong khi đó, Hàn Quốc tiếp tục theo dõi sát tình hình nội bộ Triều Tiên. "Việc trục xuất Jang Song-thaek đã được xác nhận chính thức. Kể từ bây giờ, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra những dự đoán cụ thể cho tương lai", ông Kim Eui-Do, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nói. "Chúng tôi sẽ theo dõi sát vấn đề nội bộ của Triều Tiên, các mối quan hệ ngoại giao cùng nhiều yếu tố khác".

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết sẽ chú ý đến khả năng diễn ra các buổi tập trận, thường được tổ chức vào mùa đông, của quân đội Triều Tiên trong thời gian tới.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc hôm qua cho biết Mỹ tiếp tục giữ im lặng sau khi Triều Tiên lên tiếng xác nhận việc cách chức ông Chang. "Chúng tôi đã xem các báo cáo. Tuy nhiên, chúng tôi không có bình luận nào cả", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Tin tặc Trung Quốc tấn công máy tính các ngoại trưởng châu Âu


Các tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập máy tính của năm bộ trưởng ngoại giao các nước châu Âu, trước hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước có nền kinh tế lớn (G20) hồi tháng 9/2013.

Nhóm tin tặc này gửi email có đính kèm file đã nhiễm vi rút mang tên “những quyền lựa chọn của quân đội Mỹ ở Syria” đến các máy tính trên. Khi người sử dụng mở các file này, vô tình đã tải những mã độc về máy tính cá nhân của mình.
tin tặc
Tin tặc Trung Quốc tấn công máy tính các ngoại trưởng tham gia hội nghị G20 
Reuters dẫn lời nhà nghiên cứu công ty FireEye - ông Nart Villeneuve cho biết nhóm tin tặc này đã kịp ăn cắp dữ liệu trên máy tính của một số bộ trưởng ngoại giao châu Âu, công ty này không cho biết chính xác máy tính của  bộ trưởng ngoại giao nước nào bi tấn công, công ty này cũng đã thông báo vụ việc cho Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Nhóm nghiên cứu của ông Villeneuve đưa ra kết luận nhóm tin tặc này sử dụng để kiểm tra các mã độc đã gửi đi đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Song, ông Villeneuve cho biết chưa có bằng chứng nào cho thấy nhóm tin tặc này có mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc.

Phiến quân Syria bắt cóc nhà báo Tây Ban Nha

Ngày 10/12, báo El Mundo của Tây Ban Nha cho biết trên website của mình rằng, phóng viên của họ là Javier Espinosa và nhiếp ảnh gia tự do Ricardo Garcia Vilanova đã bị bắt cóc vào ngày 16/9 tại tỉnh Raqqa và bị giam giữ kể từ đó. Họ bị bắt giữ tại một trạm kiểm soát gần biên giới với Thổ Nhỹ Kỳ trong khi đang cố gắng rời khỏi Syria sau 2 tuần công tác.
Phóng viên Javier Espinosa của báo El Mundo, một trong 2 phóng viên bị bắt cóc ở Syria hôm 16/9 
Tờ báo cũng cho biết, các nhà báo của họ cùng 4 thành viên của tổ chức gọi là “quân đội tự do Syria” (FSA) đã bị các chiến binh thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Levant (ISIL) bắt giữ. Các chiến binh FSA đã được thả tự do sau đó.

Tờ báo có viết: “Espinosa và Vilanova đã chia sẻ những khó khăn, vất vả trong quá trình đưa tin về cuộc xung đột tại Syria, nơi có nhiều khó khăn và đôi khi phải đối mặt với nhiều thử thách”.

Trước đó, ngày 5/12, Tổ chức Phóng viên không biên giới cho biết, một người quay phim Iraq đã bị bắt cóc bởi các chiến binh ISIL khi đang rời khỏi Syria và bị giết chết tại tỉnh Idlib. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Syria diễn ra, nhiều nhà báo đã bị bắt cóc tại nước này.

Tùy Phong (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn