Thế giới năm qua chứng kiến hàng loạt các biến động: Mỹ - Nga thay nhau rút khỏi INF, căng thẳng gia tăng ở Vùng Vịnh, biểu tình ở Hong Kong, Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn ở Biển Đông.
Bức tranh 2019 được gột lên bằng những gam màu rối rắm: Các quan hệ quốc tế bị sắp xếp lại. Bất ổn cục bộ xảy ra trên khắp thế giới. Các nước lớn tìm cách định hình lại trật tự thế giới theo lợi ích của riêng mình.
Đây sẽ là những tiền đề tạo nên một thế giới nhiều biến động nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát trong năm tới.
Kinh tế là vấn đề nổi trội nhưng khó dự đoán
Theo TS Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, chuyên gia kỳ cựu về các vấn đề quốc tế, kinh tế sẽ là vấn đề khó dự đoán nhất trong năm 2020, khi Mỹ-Trung tiếp tục đối đầu về thương mại.
Bắc Kinh và Washington trong năm qua dắt nhau qua nhiều vòng đàm phán con thoi, đáp trả lẫn nhau bằng những lần áp thuế mới. Thỏa thuận theo như Mỹ là đạt tới 95% vào tháng 5/2019 được thay thế bằng thỏa thuận hạn chế được ký kết cách đây vài ngày.
TS Trường nhận định, ông Trump muốn tiến tới một số kết quả làm giảm tác hại của thương chiến đang đè lên nông dân Mỹ để giành lấy những lá phiếu quan trọng trong bầu cử năm 2020 cũng như xoa dịu các nhà đầu tư Mỹ sau một năm quá nhiều biến động.
2019 là một năm “đau đẻ”, “bị ép đẻ non” của Trung Quốc khi Bắc Kinh bị Washington ép thực hiện điều chỉnh tái cơ cấu kinh tế, tăng sức mua. Nó cũng cho thấy Trung Quốc dù chống lại Mỹ nhưng chưa sẵn sàng đối đầu. Thực trạng này có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2020 nếu Bắc Kinh vẫn chủ quan trong việc đánh giá quyết tâm “kiềm tỏa Trung Quốc” trong chính giới Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo thương chiến với Trung Quốc đang đẩy Mỹ tới bờ vực suy thoái, nhưng thỏa thuận mới đây đang làm giảm nguy cơ về kịch bản tồi tệ này.
Bên cạnh các vấn đề kinh tế, sự đối đầu giữa 2 cường quốc bộc lộ rõ ràng trên hàng loạt các lĩnh vực khác như công nghệ, quân sự trong năm 2019 và sẽ tiếp tục trở thành vấn đề nổi cộm của thế giới trong năm 2020.
Bầu cử Mỹ định hình quan hệ quốc tế
Sự kiện “đinh” của thế giới trong năm tới chắc chắn sẽ là bầu cử Mỹ. Các diễn biến của nó sẽ là kim chỉ nam định hình lại hàng loạt các quan hệ quốc tế. Do đó, các chính sách của chính quyền Trump trong năm tới sẽ nhuốm màu bầu cử.
Cũng như những kỳ trước, bầu cử Mỹ năm nay tiềm ẩn những bất ngờ bởi các bom tấn thường được tung ra vào thời điểm cách không xa ngày bỏ phiếu.
Cuộc cạnh tranh được dự đoán sẽ là cuộc đua song mã giữa Tổng thống Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Mỗi người đều đang nắm những lợi thế riêng cũng như những yếu điểm để đối thủ khai thác.
Trung Quốc đương nhiên muốn ông Biden “lên ngôi”, trong khi Nga sẽ rất hài lòng nếu ông Trump tại vị thêm 1 nhiệm kỳ.
Việc “ngai vương” trong Nhà Trắng có bị soán hay không sẽ ảnh hưởng lớn tới quan hệ Washington và Matxcơva, nhưng không làm suy chuyển cuộc đối đầu đang ở ngưỡng chiến tranh “nửa nóng, nửa lạnh” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nó cũng sẽ không làm suy suyển tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải, “phá bĩnh” các hành động ngày càng ngông cuồng, ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Biển Đông sẽ vẫn “nóng”
Trung Quốc trong năm qua tăng cường khiêu khích, tạo sức ép ở Biển Đông. Điều này cho thấy họ đang rất nóng ruột về vấn đề khai thác dầu ở vùng biển này. Vậy nên trong năm tới, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường sức ép trên thực địa, “túc tắc” hiện thực hóa mong muốn khống chế Biển Đông, không để các nước thực hiện quyền lợi trong lãnh thổ của chính họ.
Nhưng dã tâm này sẽ vấp phải rào cản lớn từ nỗ lực phối hợp với Mỹ, kiểm tỏa Trung Quốc ở Biển Đông của các nước Anh, Pháp, Canada, Australia cũng như sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Một điểm đáng chú ý trong năm 2020 là Việt Nam sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN.
“Điều này hứa hẹn sẽ mang lại những đột phá, khởi sắc cho một số vấn đề liên quan trực tiếp tới Biển Đông, hòa bình, ổn định trong khu vực Đông Nam Á”, TS Trường nhận định.
“Thùng thuốc súng” Trung Đông
Một khu vực khác được dự đoán có thể trở thành “thùng thuốc súng” trong năm 2020 là Trung Đông. Năm 2019 chứng kiến hàng loạt các biến động từ Vùng Vịnh, mà nổi bật là quyết định rút lại lệnh tấn công vào phút chót của Tổng thống Trump với Iran. Đầu năm 2020, căng thẳng Mỹ-Iran cũng bị đẩy lên cao trào sau vụ Mỹ không kích tiêu diệt Tướng Soleimani và Iran đáp trả bằng loạt tên lửa nã vào căn cứ Mỹ ở Iraq.
Iran trong năm qua luôn khăng khăng khẳng định sẽ không đàm phán trừ khi Mỹ thay đổi cách tiếp cận và thái độ. Tuy nhiên, sự ra đi của ông John Bolton, người theo đuổi quan điểm cứng rắn với Tehran, được giới quan sát kỳ vọng có thể sẽ đem lại một làn gió mới trong quan hệ giữa 2 nước. Mặc dù vậy, lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran sau vụ Iran không kích 2 căn cứ Mỹ ở Iraq, trả thù cho Tướng Soleimani cũng như những lời đe dọa mà 2 bên dành cho nhau khiến quan hệ Tehran và Washington trong năm tới trở nên khó đoán định.
Giống như với Trung Quốc, quan hệ giữa Mỹ và Iran cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cuộc bầu cử Mỹ 2020. Bên cạnh cuộc đối đầu với Mỹ, Iran cũng sẽ phải căng sức trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở Trung Đông sau cuộc chiến chống IS cùng với các đối thủ “truyền kiếp” là Ả-rập Xê-út, Iraq.
Nơi thu hút mọi ánh mắt
Triều Tiên như thường lệ vẫn là nam châm thu hút mọi ánh nhìn. Năm vừa qua chứng kiến 2 cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhưng gần như không có gì khởi sắc.
Theo TS Nguyễn Ngọc Trường, sẽ có thêm những cuộc gặp bất ngờ giữa nguyên thủ Mỹ - Triều trong năm 2020 nhưng sẽ không có chuyện phi hạt nhân hóa bởi lập trường 2 bên còn quá khác biệt.
Mỹ vẫn sẽ cố giữ cho bán đảo Triều Tiên trong tình trạng ổn định, “nhắm mắt làm ngơ” trước các vụ thử vũ khí, tên lửa thường của Bình Nhưỡng, miễn là không nâng cấp thành thử tên lửa đạn đạo hay hạt nhân. Năm tới sẽ không có những thỏa hiệp đáng kể, có chăng chỉ là các thỏa thuận cục bộ như thiết lập văn phòng liên lạc…
Anh - châu Âu, hậu “ly hôn” vẫn còn mờ mịt
Một mối quan tâm khác của thế giới trong năm tới sẽ là cách châu Âu và Anh xử lý vụ ly hôn “rối như canh hẹ” kéo dài nhiều năm qua.
Sau chiến thắng vang dội của đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson, kịch bản Anh rời liên minh châu vào ngày 31/1/2020 gần như không thể đảo ngược.
Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là chính phủ Anh dự kiến sẽ hoàn tất các đàm phán về quan hệ tương lai với EU, trong đó bao gồm cả các vấn đề thương mại, chính trị, an ninh trong vòng 11 tháng, để Anh dứt điểm quá khứ với EU khi thời hạn quá độ kết thúc vào ngày 31/12/2020.
Mặc dù vậy, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng thời hạn đàm phán 11 tháng là gần như bất khả thi bởi đây không đơn thuần là một thoả thuận về thương mại, mà còn mang cả những yếu tố địa chính trị, làm nên khuôn khổ cho mối quan hệ vốn rất phức tạp giữa Anh và EU.
Venezuela: “Thử lửa” chính quyền Maduro
Sang tới Nam Mỹ, tình hình Venezuela tiếp tục nổi lên là tâm điểm của khu vực.
Năm 2019 chứng kiến bước ngoặt chính trị tại Caracas khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời. Thế giới chia rẽ khi chọn đứng về Guaido hay Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro.
Đảo chính xảy ra ở quốc gia Nam Mỹ nhưng nhanh chóng chết yểu khiến cho cuộc khủng hoảng ở Caracas vẫn chưa tìm thấy lối ra.
Vấn đề nội bộ của Venezuela trong năm 2020 sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng “đề kháng” của chính quyền Maduro. Nhưng nếu nền kinh tế của Venezuela ngày càng sa sút và vẫn không có dấu hiệu vực dậy, khả năng đứng vững của ông Maduro và phe cánh của mình là rất khó khăn.
Tất nhiên, thế giới trong năm 2020 hoàn toàn có thể xảy ra những biến động hoặc thậm chí là những “sang chấn” vượt ngoài mọi đoán định.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Trường, thế giới dù có bất ổn cục bộ nhưng vẫn sẽ duy trì hòa bình, ổn định toàn cục.
“Với tôi, 2020 sẽ là một năm ít hy vọng, lạc quan thận trọng”, ông Nguyễn Ngọc Trường chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Phần Lan (2002 - 2006), Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Ngoại giao, Bộ Ngoại giao (2000 - 2002) và Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Quan hệ Quốc tế và Tuần báo Quốc tế (1989 - 1996) - Nay là Báo Thế giới & Việt Nam.
Bình luận