Theo tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân, để thỉnh được chân kinh, thầy trò Đường Tăng phải vượt quãng đường 10 vạn 8 nghìn dặm từ Đại Đường đông thổ đến nước Tây Trúc, kinh qua 81 khổ nạn, phải đối mặt và chiến đấu với đủ loại yêu quái.
Theo các nhà nghiên cứu, Tây Trúc được nói đến trong Tây du ký hiện tại thuộc lãnh thổ Pakistan, thời cổ đại thuộc về vương quốc Maurya, một trong những thế lực hùng mạnh ở lục địa Ấn Độ. Một trong những vị hoàng đế nổi tiếng nhất của nó là Ashoka (A Dục vương), một người dùng đạo Phật và có công rất lớn trong việc truyền bá, phát triển tôn giáo này trong khu vực.
Thị trấn nhỏ tên gọi là Taxila nằm cách thủ đô Islamabad của Pakistan hơn 30 km về phía Bắc hiện tại có nhiều di tích quan trọng của Phật giáo với niên đại trên 3.000 năm. Taxila phát triển đến đỉnh cao dưới thời Ashoka đại đế. Trong thiên niên kỷ thứ nhất, Taxila không chỉ là trung tâm Phật học mà còn trở thành một trong 3 trung tâm quan trọng về thương mại, văn hóa và học thuật của vùng Ấn Độ cổ đại. Năm 1980, Taxila được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Tại đây hiện có viện bảo tàng lưu giữ và trưng bày các di vật khảo cổ về một thời vàng son của Phật giáo.
Thời hiện đại, địa danh Taxila nổi tiếng là nơi Đường Huyền Trang - vị cao tăng Trung Quốc, nguyên mẫu nhân vật Đường Tăng trong tiểu thuyết Tây du ký, đến tu học vào thế kỷ thứ 7. Để đến được đây, ông đã phải đi qua các vùng Tân Cương, Afganistan, Nepal, Ấn Độ… Ông ở Taxila hàng chục năm cho đến khi trở lại Trung Quốc cùng với khi kinh sách quý giá gồm 600 bộ bằng tiếng Phạn. Pháp sư Đường Huyền Trang sau đó còn dành ra gần 2 thập kỷ nữa để dịch 74 bộ trong số đó sang tiếng Hán.
Hỏa Diệm Sơn nằm ở đâu?
Một địa danh nổi tiếng khác của Tây du ký là Hỏa Diệm Sơn. Trong truyện, cả vùng núi non rừng rực lửa này được hình thành do Tôn Ngộ Không đạp đổ lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân sau nhiều ngày bị nung trong lò này, khiến lửa rơi xuống trần. Khi 4 thầy trò đi thỉnh kinh qua đây, họ phải trải qua nhiều gian khổ mới mượn được quạt của Bà La Sát dập lửa.
Trên thực tế, Hỏa Diệm Sơn thuộc dãy Thiên Sơn, Tân Cương, Trung Quốc. Nó nằm gần rìa phía bắc của sa mạc Taklamakan và ở phía đông của thành phố Turpan, thuộc phần phía bắc của con đường tơ lụa cổ đại. Dãy núi dài khoảng 100 km, rộng 5-10 km. Phía đông Hỏa Diệm Sơn bắt đầu từ Lưu Sa Hà (trong Tây du ký là con sông mà Sa Tăng chiếm đóng trước khi gặp Đường Tăng và các sư huynh).
Độ cao trung bình của Hỏa Diệm Sơn là 500 m, một số đỉnh cao trên 800 m. Khí hậu tại đây rất khắc nghiệt, vào mùa hè là nơi nóng nhất Trung Quốc, nhiệt độ thường xuyên đạt 50 độ C, nhiệt độ bề mặt có lúc cao đến trên 70 độ C.
Người dân địa phương gọi Hỏa Diệm Sơn là "Kiziltag", có nghĩa là "Núi Đỏ". Đây là một vùng núi sa thạch màu đỏ cằn cỗi và bị xói mòn. Các rãnh có hình thù độc đáo, đầy ấn tượng của Hỏa Diệm Sơn được tạo thành do sự xói mòn của nền đá sa thạch đỏ. Vào những thời điểm nhất định trong ngày, những đường rãnh màu đỏ này tạo cho dãy núi trông như đang bùng cháy.
Hỏa Diệm Sơn trong thực tếNgọn lửa của Hỏa Diệm Sơn bắt nguồn từ những đám cháy tự phát ở các mỏ than nơi đây, dưới tác động của khí hậu cực khô và nhiệt độ bề mặt quá cao. Thời nhà Thanh, người ta đã phát hiện sự tồn tại của rất nhiều mỏ than ở Tân Cương và ngọn lửa đã cháy trong hơn 100 năm, đến tận năm 1983, chính phủ Trung Quốc mới bắt đầu dập lửa.
Sau 12 năm áp dụng nhiều biện pháp dựa trên nguyên lý cô lập oxy, Trung Quốc đã dập tắt được hơn 40 khu vực cháy.
Hiện nay, Hỏa Diệm Sơn không còn ngùn ngụt lửa mà đã là một điểm du lịch nổi tiếng ở Tân Cương. Năm 2011, Ủy ban Đánh giá chất lượng danh lam thắng cảnh du lịch Trung Quốc phê duyệt để thắng cảnh này trở thành là điểm du lịch quốc gia cấp 4A.
Hình tượng thầy trò Đường Tăng ở khu danh thắng Hỏa Diệm Sơn.Khu du lịch Hỏa Diệm Sơn được chia thành hai khu vực tham quan: Dưới lòng đất và trên mặt đất, xung quanh có các bức chạm khắc cảnh trong Tây du ký.
Bình luận