• Zalo

Thầy tâm lý điển trai lý giải cảnh tình tứ trong lớp

Giáo dụcThứ Bảy, 08/12/2012 06:30:00 +07:00Google News

(VTC News)- “Tình yêu là tình cảm riêng tư, đã là riêng tư mà mang ra nơi vừa công cộng, nhất là nơi để rèn luyện tư cách như lớp học, sẽ trở nên phản cảm".

(VTC News) - “Tình yêu là tình cảm riêng tư, đã là riêng tư mà mang ra nơi vừa công cộng, nhất là nơi để rèn luyện tư cách như lớp học, sẽ trở nên phản cảm" - Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ.

VTC News liên tục phản ánh tình trạng học sinh, sinh viên dùng giảng đường, sân trường làm nơi hò hẹn, thậm chí thể hiện những cử chỉ thân mật thái quá, khiến bạn bè, thầy cô giáo phải đỏ mặt. Song, không phải ai cũng đủ can đảm để nhắc khéo, nói thẳng. Phần lớn chọn giải pháp quay đi mặc dù rất ức chế.

Xung quanh hành vi thiếu ý thức này, VTC News đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý giáo dục, Đại học sư phạm TP.HCM. ThS Hiếu cho rằng, đã đến lúc nhà trường cần có “luật” để nhắc nhở người học biết điều này. Thầy cô cần nhắc nhở để học sinh ý thức được điều này, cộng đồng cần “dư luận” để lên án những cảnh phản cảm này.


Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý giáo dục, Đại học sư phạm TP.HCM. 
- Việc học sinh phổ thông có những hành động thân mật, tình tứ ngay trong lớp học đang khiến cho nhà trường và gia đình “đau đầu”. Theo anh tư tưởng và suy nghĩ thoáng này xuất phát từ đâu?


Về nguyên nhân bên trong, yêu nhau và bày tỏ tình cảm là một nhu cầu tự nhiên của con người, đặc biệt rất “nóng bỏng” ở những đôi lứa yêu nhau.

Về nguyên nhân bên ngoài, những cảnh tình tứ vô tư nơi công cộng trên phim ảnh du nhập, cộng với tư tưởng “cuộc cách mạng tự do tình dục” đang thấm vào tư tưởng nhiều bạn trẻ do ảnh hưởng từ văn hóa nước ngoài đã khiến nhiều bạn xem việc thân mật nơi đông người, trong đó có lớp học trở nên bình thường.

- Là một chuyên gia tâm lý thường xuyên tư vấn về tình cảm cho lứa tuổi học sinh, anh nghĩ gì về điều này?

Tình yêu là tình cảm riêng tư, đã là riêng tư mà mang ra nơi vừa công cộng, vừa là nơi để rèn luyện tư cách như lớp học, tất nhiên sẽ trở nên phản cảm.

- Đây là hành vi không đẹp và không phù hợp với lứa tuổi học trò, nhưng chúng ta phải làm cách nào để các em có thể nhận thức được điều này và có những biểu hiện đúng mực hơn?

Chưa tính đến việc học sinh phổ thông có nên yêu hay chưa, chỉ xét đến sự biểu hiện tình cảm nơi lớp học cũng đủ thấy không ổn rồi.

Nếu đã sống trong tập thể, những hành vi của đôi bạn cũng phải mang tính công cộng cho phù hợp với môi trường xung quanh.


 

Nhiều bạn còn quan niệm, đến tuổi mười lăm mười sáu mà chưa quan hệ thì là “cù lần”, “hai lúa”! Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm lệch lạc của một bộ phận các bạn trẻ thôi.

Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
 
Nhà trường cần có “luật” để nhắc nhở người học biết điều này, thầy cô cần nhắc nhở để học sinh ý thức được điều này, cộng đồng cần “dư luận” để lên án những cảnh phản cảm này.


- Anh có thể chia sẻ rõ hơn về các biện pháp này không?

Luật” – tức nội quy – là điều cần làm trước tiên để đưa ra tiếng chuông cảnh tỉnh. Tuy nhiên, nó chỉ mang tính chế tài, bắt buộc.

Về lâu dài, thầy cô cần giáo dục về mặt đạo đức để các em tự ý thức về hành vi thể hiện tình cảm nơi công cộng của mình và tự kiểm soát mà không cần “luật”.

Còn dư luận xã hội trong lớp học, trong nhà trường và ngoài xã hội sẽ là “cái roi” xuất hiện khi cần để đảm bảo răn đe những hành vi lệch lạc.

- Nhiều học sinh cho rằng chuyện đó là bình thường, bạn nào cũng làm vậy, mình không làm vậy còn bị gọi là “quê”. Phải chăng, việc có bạn trai và tình tứ với bạn trai trong lớp hiện nay đang trở thành một tiêu chí thể hiện sự “sành điệu” của các bạn trẻ?

Nhiều bạn còn quan niệm, đến tuổi mười lăm mười sáu mà chưa quan hệ thì là “cù lần”, “hai lúa”! Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm lệch lạc của một bộ phận các bạn trẻ thôi.

Những cặp đôi tình tứ ngay trong lớp học (Ảnh: Nhung Vũ) 

Tôi cũng muốn nhắn gửi đến các bạn này rằng: chúng ta thấy hình ảnh đôi bạn trẻ cùng đi dạo dưới hàng cây, cùng ngồi căngtin với ly chè kem, đọc nhau nghe quyển sách, kể nhau nghe những câu chuyện đời thường, cùng đồng điệu theo tiếng nhạc từ chiếc tai nghe đeo chung… là những hình ảnh rất dễ thương.


Thậm chí thỉnh thoảng có “lỡ chạm” nhau vài giây thì cũng là điều dễ dàng thông cảm. Tuy nhiên, hai người ngồi trong lớp mà rút ngắn khoảng cách đến mức như “ếch cặp mùa mưa”, khóa môi nhau âu yếm hay tay chân “cày xới” thì ắt hẳn đó là những hành động quá “khiêu khích”, không phù hợp trước mắt mọi người ngoài đường phố, huống hồ gì là lớp học.

Xin cảm ơn anh!


Bạn đọc chia sẻ về những cảnh nhức mắt trong lớp học xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!




Phạm Thịnh(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn