Nghị quyết 112 của Chính phủ quyết định “Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân trong thời gian qua.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời PV VTC News sáng 8/11, luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân sẽ giải quyết được các vấn đề tồn tại trong nhiều năm qua, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và có thể hạn chế tiêu cực.
Luật sư Út phân tích quyết định này sẽ xoá bỏ những rào cản thuộc quyền cơ bản của con người như quyền lựa chọn nơi cư trú, quyền sở hữu tài sản, quyền được học hành của trẻ em...
“Có nhiều người chỉ vì không có hộ khẩu thường trú tại địa phương mà không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở địa phương đó, thậm chí họ bị thu hồi đất mà không hề được bồi thường vì không có hộ khẩu tại nơi đó, nhất là các loại đất thuộc đất nông nghiệp.
Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM..., người không có hộ khẩu thường trú tại địa phương sẽ không được đứng tên nhà ở, muốn nhập hộ khẩu thì yêu cầu phải có nhà ở, đứng tên hợp pháp. Đây thực sự là cuộc đánh đố mà người dân luôn chịu phần thua thiệt, mất đi quyền sở hữu hợp pháp của mình”, luật sư Út nói.
Luật sư cũng chỉ ra những bất cập khác liên quan đến sổ hộ khẩu như: Cha mẹ có hộ khẩu nơi này, làm ăn ở nơi khác, đem theo con nhỏ, đến tuổi con đi học thì yêu cầu phải có hộ khẩu tại địa phương mới được nhập học, nhiều người chỉ còn cách đưa hối lộ hoặc đem con về nhập học tại nơi đăng kí hộ khẩu để con được đi học; cũng có nhiều quy định về tuyển sinh, hoặc tuyển dụng công chức, viên chức, nhà nước đòi hỏi phải có hộ khẩu tại địa phương, việc này đã loại trừ quyền cơ bản của công dân, khiến cho các thí sinh, các ứng viên tiềm năng đã bị loại ngay từ vòng đầu chỉ vì cái hộ khẩu.
“Như vậy, rõ ràng việc xoá bỏ hộ khẩu hứa hẹn sẽ bỏ đi một thủ tục hành chính nhà nước khắc nghiệt, làm giảm các cơ hội tiêu cực nhờ vào đặc quyền ban phát của một lớp cán bộ, tạo cho các công dân được bình đẳng với nhau hơn trước các quyền lợi cơ bản”, luật sư Út khẳng định.
Luật sư Phạm Công Út cũng cho rằng, việc bỏ chứng minh nhân dân chỉ là thay thế bằng hình thức thẻ căn cước công dân, nhưng trong căn cước công dân sẽ tích hợp nhiều thông tin cá nhân, đặc biệt là mã số định danh của mỗi người sẽ theo cá nhân công dân đó suốt đời mà không cần phải đổi 15 năm một lần như chứng minh nhân dân.
Về rủi ro khi áp dụng thẻ căn cước, luật sư khẳng định sẽ không có hoặc rất ít rủi ro xảy ra.
“Vì trong thẻ căn cước, ngoài số định danh cá nhân còn tích hợp đầy đủ thông tin định danh cá nhân, sẽ làm giảm hiện tượng làm giả căn cước vì dấu vân tay vốn đã được số hoá để định danh trong hệ thống tàng thư quốc gia.
Nếu cần kiểm tra, có thể chỉ bằng một cú nhấp chuột là cơ quan có thẩm quyền sẽ phát hiện ra ngay thẻ căn cước đó là giả hay thật, và người sử dụng thẻ căn cước ấy là ai”, luật sư cho hay.
Luật sư cũng cho rằng việc thay sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân bằng thẻ căn cước sẽ giúp giảm bớt một số tiêu cực trong công tác cán bộ.
“Tôi hy vọng quyết định này không chỉ giúp ngăn chặn hữu hiệu tệ nạn tham nhũng, sự phiền hà, gây khó dễ của cán bộ quản lý hộ khẩu mà còn góp phần làm giảm đáng kể lượng cán bộ dư thừa từ các bộ phận này”, luật sư chia sẻ.
Video: Người dân cần làm gì khi bỏ sổ hộ khẩu
Trước đó, như tin VTC News đã đưa tin, ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an.
Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Việc triển khai thực hiện phương án này, Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bình luận