Những ngày qua, câu chuyện về thầy giáo người nước ngoài cầm tấm bảng “Không có công việc, giúp tiền mua thức ăn. Cảm ơn!” đứng tại ngã tư đường Võ Văn Kiệt - Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM) đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Sau khi được một tài khoản cá nhân đăng tải lên Facebook, hình ảnh được chia sẻ rộng rãi lên nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội.
Số đông bày tỏ sự cảm thông và muốn chia sẻ với hoàn cảnh của thầy giáo. Song, có một số ý kiến trái chiều rằng liệu có nên đặt lòng tốt vào những trường hợp 'ăn theo' dịch bệnh để trục lợi?
Để làm rõ những ý kiến trên, PV VTC News tìm đến nhà trọ của người thầy này.
Gặp chúng tôi, thầy J.D. cho biết, ông đến Việt Nam năm 2003, làm việc tại TP.HCM trong 6 năm rồi trở về nước. Năm 2015, ông quay trở lại Việt Nam làm giáo viên tiếng Anh cho các trung tâm ngoại ngữ.
Nói về nguyên nhân khiến ông phải cầm bảng ra đứng đường xin sự trợ giúp của mọi người, ông cho biết: "Do dịch COVID-19 phức tạp, các trường học và trung tâm phải tạm ngừng hoạt động, từ đó đến nay tôi thất nghiệp 3 tháng. Tiền trở về nước không có, tiền phòng trọ (6 triệu đồng/tháng) và tiền visa (3 triệu đồng/4 tháng) khiến tôi khó khăn. Đến gần đây thì tiền ăn cũng không có, nên tôi phải đi xin".
Thầy J.D. chỉ chia sẻ ngắn gọn với PV và từ chối "tiếp" mọi người với lý do "đã nhận được trợ giúp quá nhiều".
Chia sẻ với PV VTC News, anh Lê Phong (ngụ quận 8, TP.HCM) - người đầu tiên đăng tải hình ảnh của thầy J.D. lên Facebook cho biết, hôm nay (14/4), thầy J.D. đã gửi cho anh 36,3 triệu đồng, nhờ anh gửi lại cho những hoàn cảnh khó khăn khác. Đây là số tiền mọi người cho thầy kể từ lúc tấm hình được đăng tải.
"Thầy nhắn với mình: "Sau bức ảnh Mr Le chụp nhiều người đã đến tận nhà ủng hộ. Bây giờ tôi đã ổn, có việc làm. Tôi chỉ nhận đủ phần nhỏ thực phẩm và ít tiền. Số còn lại xin gửi Mr Lê cho người khác.
Mình hỏi, nhiều ý kiến cho rằng không cổ vũ chuyện thất nghiệp là phải ăn xin? Thầy J.D. nói: "Để quyết định ra đường xin tiền phải vứt đi sĩ diện của một người dạy học". Mình thấy, với số tiền thuê nhà 6 triệu đồng/tháng và phí visa 4 triệu/3 tháng thì thất nghiệp 3 tháng không có sự lựa chọn nào khác", anh Lê Phong nói.
Cũng theo anh Phong, hàng xóm nhà thầy J.D. cho biết, ngày 2/4, thầy J.D. ra đầu hẻm mượn 100 nghìn đồng để mua ít thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt, hứa qua mùa dịch sẽ trả lại. Tuy nhiên, ngày hôm sau đã trả đủ.
"Việc đi xin tiền, mỗi tuần thầy đi 1-2 lần, mỗi lần xin vừa đủ 200 nghìn đồng về nhà mua cá hộp, bánh mì để ăn, không xin hơn. Lần này, được ủng hộ 48,3 triệu đồng, ông xin được giữ lại 12 triệu đồng để đóng 2 tháng tiền nhà còn thiếu, 36,3 còn lại ông nhờ tôi chuyển đến những người nghèo hơn", anh Phong nói.
Video: Muôn kiểu mưu sinh của giáo viên mầm non thời COVID-19
Bình luận