Ngoài giờ lên lớp, thầy Nưng còn làm 20 công mía để nuôi hai con ăn học. Năm 2012, khi đào đất vô chân mía, thầy Nưng chợt lóe lên suy nghĩ tại sao không tự chế tạo ra máy làm thay con người. Sau đó, thầy Nưng bắt tay vào nghiên cứu.
Nhưng do không đủ tiền mua vật liệu, thầy Nưng phải lặn lội đến các cơ sở bán phế liệu tìm mua sắt vụn. Gần một tháng mày mò, cuối cùng chiếc máy vô chân ấm mía cũng hoàn thành vào cuối năm 2014. Máy vô chân ấm mía của thầy Nưng còn được nông dân đặt cho cái tên: máy "3 trong 1".
Sau khi đến xem sản phẩm, lãnh đạo Liên đoàn Lao động huyện Cù Lao Dung động viên thầy Nưng đưa sản phẩm dự thi. Ngay trong lần dự thi đầu tiên, máy chế tạo của thầy đoạt giải nhất vào năm 2016.
Theo thầy Nưng, thời gian sinh trưởng của cây mía khoảng 12 tháng, cần phải trải qua 3 lần vô đất chân mía (vô chân phả, vô chân ấm và vô chân đạp). "Đối với cây mía, khâu vô đất chân rất quan trọng, giúp cây giữ độ ẩm, phát triển tốt.
Riêng vùng đất ở Cù Lao Dung nhiều phù sa và mềm nên khi mía phát triển dễ đổ ngã, giảm năng suất, giảm trữ đường, do vậy cần vô chân đạp, trong khi chiếc máy đầu tay chưa có chức năng đó" - thầy Nưng cho hay.
Bình luận