• Zalo

'Thầy giáo đánh cắp đề thi gạ tình 7 nữ sinh lớp 12 có vấn đề về nhân cách’

Kinh nghiệm sốngThứ Tư, 13/01/2016 03:06:00 +07:00Google News

Chuyên gia giáo dục cho rằng thầy giáo đánh cắp đề thi để gạ tình 7 nữ sinh lớp 12 rõ ràng có vấn đề về nhân cách.

(VTC News) - Chuyên gia giáo dục cho rằng thầy giáo đánh cắp đề thi để gạ tình 7 nữ sinh lớp 12 rõ ràng có vấn đề về nhân cách.

Trong ngày qua dư luận đang xôn xao việc một thầy giáo Trường THPT Ngọc Hiển, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đánh cắp đề thi học kỳ để gạ tình 7 nữ sinh lớp 12 đang khiến dư luận xôn xao. VTC News đã trao đổi với TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội)
TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) 
- Là một giáo viên, chuyên gia giáo dục thì bà nghĩ gì về hành vi của thầy giáo Đ (THPT Ngọc Hiển, Cà Mau)?

Theo tôi nghĩ, thầy giáo này thật sự có vấn đề. Điều này có thể lý giải từ nhiều nguyên nhân nhưng không thể thiếu nguyên nhân ức chế trong cuộc sống và nghề nghiệp.

Thầy giáo đã vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Vì thế, chắc chắn thầy giáo cần phải chịu những hình thức kỷ luật để trả giá cho hành vi mình đã gây ra.

- Phải chăng đạo đức nghề nghiệp đang bị coi nhẹ?

Theo tôi nghĩ, chúng ta không nên lấy sai lầm của một vài cá nhân để đánh đồng nhận xét cho nhân lực của cả một ngành nghề.

Trong số một triệu giáo viên trên cả nước, có một hai trường hợp như vậy thì không thể nói toàn bộ các giáo viên đều có vấn đề về đạo đức nghề nghiệp.
THPT Ngọc Hiển (Cà Mau) nơi xảy ra sự việc
THPT Ngọc Hiển (Cà Mau) nơi xảy ra sự việc 
- Theo bà, vì đâu một người thầy giáo được đánh giá là đầy nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc lại có những hành động bồng bột như vậy?

Chúng ta hãy cùng xem xét lại môi trường làm việc của thầy giáo này. Chúng ta biết rằng, giáo viên hiện nay được nhốt chung với học sinh trong 4 bức tường suốt thời gian 9 tháng.

Một năm các em được đi tham quan độ 1, 2 lần, cũng là lúc thầy cô giáo được ra khỏi khuôn viên cổng trường.

Với môi trường tập trung, ít được ra ngoài để giải tỏa, làm việc nặng tính hình thức, o ép nhau về bài giảng, về thành tích, có nơi lại bất cân bằng về giới tính (nhiều nữ hơn nam),…. chắc chắn nhiều giáo viên mắc các vấn đề về tâm lý mà không biết và không giải quyết được.

Nếu giáo viên nào gặp khúc cuộc sống khó khăn hoặc mệt mỏi sẽ dễ bị ức chế dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát.

- Hình thức xử lý kỷ luật đuổi việc đối với thầy giáo này liệu có thích đáng?

Đương nhiên, một người có vấn đề về nhân cách thì không thể đứng lớp được rồi.

Tuy ngành giáo còn nhiều khó khăn, môi trường làm việc nhiều vấn đề, nhưng vượt qua khó khăn để làm tốt công việc của mình là nhiệm vụ của tất cả mọi người, không chỉ ngành giáo.

Là giáo viên, nghĩa là người mà học sinh sẽ theo đó mà học hỏi, phấn đấu mà lại có hành vi cư xử không ổn, gây hại cho học sinh thì đương nhiên không thể tiếp tục đứng lớp.

Vì thế, tôi cho rằng hình thức kỉ luật đó là phù hợp. Thậm chí, nếu hành vi gạ tình có nhiều hậu quả xấu, thầy giáo này cần được xử lý trước các cơ quan thi hành pháp luật.
Trước đây, rất nhiều vụ việc thầy giáo gạ tình đổi điểm với nữ sinh đã được phát giác khiến dư luận rất bất bình (Ảnh minh họa)
Trước đây, rất nhiều vụ việc thầy giáo gạ tình đổi điểm với nữ sinh đã được phát giác khiến dư luận rất bất bình (Ảnh minh họa) 
- Không chỉ bây giờ, trước đây nhiều nữ sinh cũng đã bị thầy giáo “gạ tình” để đổi điểm. Trong đó, nhiều trường hợp xấu đã xảy ra khi nữ sinh bị hãm hiếp, xâm hại. Theo bà, cần làm gì để học sinh có thể tự bảo vệ mình trước những lời “gạ tình” đến từ chính những thầy giáo?

Mọi học sinh đều phải được học về các cách ứng phó với các tình huống nguy hiểm xảy ra mà xâm hại là một trong những bài học tối quan trọng.

Nội dung này gần như không có trong các bài học của các em trong trường. Vì thế, đã nhiều năm nay, tôi kiến nghị các cấp quản lý phải cho những nội dung này vào dạy cho các em ngay từ cấp tiểu học.

Còn hiện nay, nếu chương trình chưa có, các em cần phải tự trang bị cho mình kiến thức và kĩ năng.

Theo tôi biết, các chương trình truyền hình và sách báo đã đề cập rất nhiều đến các cách thoát hiểm. Các em có thể tham khảo để có hướng xử lý cho từng trường hợp cụ thể.

- Phải chăng, qua sự việc này, những nhà quản lý giáo dục cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho chính các giáo viên chứ không chỉ là đối với học sinh?

Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh là điều cần thiết. Còn với giáo viên cũng như phụ huynh và mọi người lớn trong xã hội thì việc cần thiết là phải xiết chặt hơn nữa về luật pháp.

Nếu mọi điều luật đều được thi hành nghiêm túc thì những vụ việc đau lòng sẽ hạn chế xảy ra.

Xin cảm ơn bà!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn