Thấy gì từ chuyến du đấu của quân bầu Đức?

Thể thaoThứ Hai, 25/03/2013 08:25:00 +07:00

Thông tin về các kết quả thành công của đội bóng trẻ Học viện HAGL - Arsenal tại giải giao hữu Sanix Cup 2013 khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam nức lòng.


Thông tin về các kết quả thành công của đội bóng trẻ Học viện HAGL - Arsenal tại giải giao hữu Sanix Cup 2013 khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam nức lòng.


Tuy nhiên, trong niềm vui, có lẽ cũng cần tỉnh táo nhìn nhận về tính chất của giải đấu này để thấy rằng, ngoài những gì mà đội bóng từ Pleiku thể hiện, vẫn còn nhiều bài học khác lớn hơn cho bóng đá Việt Nam.


Vì sao chúng ta vui với các kết quả của U17 HAGL, là vì đội bóng này đã thắng nhiều đội mạnh ở một giải đấu được đánh giá là đội nào cũng mạnh đến từ nhiều quốc gia. Ấy vậy mà giải đấu quốc tế ấy lại được tổ chức theo kiểu của một festival bóng đá. Sinh hoạt tập thể, ngày đá 2 buổi, cắm trại ngay trên sân tập và thể thức thi đấu được tiến hành theo mô - tuýt không có đội thua, chỉ là phân định thứ hạng để đoạt giải.

Chơi bóng trước hết phải vì niềm vui

Nói như vậy không có nghĩa đây là giải đấu “chơi cho vui”. Tất cả đều được thực hiện đúng chuẩn quốc tế và giới truyền thông Nhật Bản cũng rầm rộ đưa tin về sự kiện. Xét ở qui mô tổ chức, đấy là một giải quốc tế hoàn chỉnh. Nhưng cách thức tổ chức, thật sự đã khiến chúng ta phải nghiêng mình thán phục và hi vọng, các nhà điều hành bóng đá tại VFF, VPF hãy xem đấy là một bài học lớn.

Bài học thứ nhất: Hãy để mọi thứ thật tự nhiên. Từ sân bóng cho đến cách thức tham gia thi đấu, như đã nói ở trên, đều gần gũi và phù hợp với các cầu thủ trẻ. Sân bóng nằm giữa thiên nhiên và các em được sinh hoạt đúng với lứa tuổi của mình.

Trong không gian ấy, các em đã được chơi bóng thực thụ và khó mà tư tưởng thắng - thua len vào đầu. Trong khi đó ở Việt Nam thì sao, cứ mỗi lần tổ chức giải đấu hạng U là kiểu gì cũng rầm rộ, qui mô chẳng khác nào giải bóng đá dành cho người lớn.

Trong khi đó, ở lứa tuổi từ U17 trở xuống, niềm vui chơi bóng của các cầu thủ trẻ là mục tiêu tối thượng của bất kỳ nhà tổ chức nào. Niềm đam mê với bóng đá đến từ những niềm vui trên sân cỏ từ lứa tuổi này chứ đâu.


Sanix Cup là sân chơi đúng nghĩa giao lưu

Bài học thứ hai: Đừng “đao to, búa lớn”. Hãy xem cách tổ chức của Sanix Cup. Qui mô quốc tế ấy chứ nhưng chi phí rất gọn nhẹ. Tóm lại, các đội đến là để ăn - ngủ - thi đấu hết sức chuyên tâm. Tại Việt Nam, nếu để tổ chức đơn giản như vậy, Học viện Hàm Rồng của HAGL dư sức thực hiện.

Nghĩa là nếu chúng ta đặt mọi thứ đúng vị trí của nó, thì hằng năm, VFF có thể tổ chức vài chục giải như thế này để tha hồ tim kiếm nhân tài mà vẫn bảo đảm sự phát triển của thế hệ trẻ.


Như ở Việt Nam, đã làm giải thì kiểu gì cũng phải đá vòng loại rồi đến VCK rất qui mô. Người ta chuẩn bị dự các giải U11, U13, U15 vô cùng vất vả, rồi kiểu gì cũng phải hứa hẹn thành tích để rồi phát sinh chuyện “sinh nhầm tuổi”.

Sức ép từ các nhà tổ chức càng lớn thì gánh nặng thành tích đè lên vai cầu thủ trẻ càng nhiều. Từ bé, cầu thủ Việt Nam đã phải làm quen với kiểu toan tính thắng - thua và trải nghiệm quá sớm với bầu không khí hâm mộ một cách không cần thiết. Trên thực tế, không ai bảo đảm một cầu thủ chơi tốt từ lứa U15, U17 có thể trở thành tài năng khi lớn.


HAGL Arsenal JMG giành vị trí thứ 6 tại Sanix Cup

Lỗ hổng lớn nhất của bóng đá Việt Nam là hệ thống đào tạo trẻ. Còn lỗ hổng lớn nhất của hệ thống trẻ là thiếu những sân chơi đúng tầm. Khi bóng đá học đường kém phát triển, và người ta đào tạo lẫn tổ chức thi đấu theo kiểu “nuôi gà chọi” thì thật khó để hình thành những thế hệ được nuôi dưỡng bằng đam mê chơi bóng thuần khiết.

Đấy chính là bài học lớn nhất từ Fukuoka chứ không phải là thành tích của HAGL đến đâu. Nếu chúng ta đã định hướng sẽ học bóng đá Nhật Bản, hãy bắt đầu từ  Fukuoka chứ đừng vội nhìn đến J-League. Mà để làm được điều đó, liệu chúng ta có dám mất 10 năm để bắt đầu lại từ một nơi như học viện tại Hàm Rồng - Pleiku?


Theo SGGP

Bình luận
vtcnews.vn