Những chiến thắng đến ở phút chót luôn mang đến cảm xúc đặc biệt. 10 năm trước, pha đánh đầu ngược của Lê Công Vinh ở phút 89 mang về chức vô địch AFF Cup lịch sử cho bóng đá Việt Nam. Trước đó, đội bóng của HLV Henrique Calisto đã thắng 2-1 trong trận lượt đi ngay trên sân của Thái Lan. Giả dụ chúng ta vô địch AFF Cup không phải bằng bàn thắng đến ở phút chót, dân tộc Việt Nam vẫn vui thôi, nhưng chưa chắc niềm vui đã vỡ òa và hạnh phúc như vậy.
Niềm vui chỉ đạt đến tột đỉnh nếu nó bị kìm nén quá lâu. Mùa World Cup năm nay, tâm trạng người hâm mộ Việt Nam đã bị "bóp nghẹt" và kìm nén hệt như hàng vạn khán giả có mặt trên sân Mỹ Đình 10 năm trước. Chúng ta lại có một chiến thắng ngoạn mục nữa, song không phải trên sân cỏ, mà là trên bàn đàm phán. Đó là chiến thắng ở phút cuối cùng về khái niệm mông lung mang tên "bản quyền World Cup".
Cũng như bàn thắng của Công Vinh năm nào, chiến thắng phút 89 của bản quyền World Cup năm nay khiến hàng chục triệu người hạnh phúc bởi nó chỉ diễn ra khi cả thế giới (trừ Việt Nam) đã có thể yên tâm xem World Cup qua màn ảnh nhỏ. Lần đầu tiên trong lịch sử, người hâm mộ phải "kháo nhau" câu hỏi: "Liệu năm nay có được xem World Cup qua TV không?".
Nói là lần đầu tiên bởi 10 kỳ World Cup liên tiếp trước đó, VTV đều phát sóng trực tiếp để phục vụ khán giả. Các giải đấu hàng đầu châu Âu như Ngoại hạng Anh, Serie A, Ligue 1, La Liga, Champions League, Europa League đến hàng đầu thế giới như World Cup, EURO đều hiện diện trên máy thu hình, không kênh này thì kênh khác. Điều đó hiển nhiên tới mức khán giả luôn nghĩ rằng: không cần biết giải đấu nào sẽ diễn ra, chỉ cần là giải tiếng tăm, "ông" VTV sẽ... chiếu tất để phục vụ công chúng.
Với suy nghĩ chân phương như vậy, không nhiều người ý thức được những khái niệm về bản quyền truyền hình, quảng cáo hay quyền lợi hình ảnh giữa các đối tác cho đến trước cuộc chiến phút 89 năm nay. Thực ra, biết nhiều để làm gì, vì có để xem... là được rồi. Tuy nhiên, khi bóng đá chuyển sang thời đại thương mại và truyền hình phải chạy theo xu hướng tất yếu, không còn điều gì có thể coi là điều hiển nhiên nữa.
Chiến thắng phút chót của VTV sẽ khiến nhiều người phải thay đổi quan điểm. "Xem World Cup qua TV" không còn là mệnh đề đương nhiên. Những giây phút "toát mồ hôi" chờ đợi bản quyền này sẽ được tái hiện 4 năm nữa khi VTV phải đấu tranh để mua bản quyền World Cup 2022, hay sớm hơn là năm 2020 khi bản quyền EURO 2020 cũng không phải thứ muốn là được.
Tư duy phục vụ giờ phải chuyển sang tư duy dịch vụ - điều mà thế giới đã làm trước hàng thập kỷ với các kênh bóng đá chuyên biệt với nhiều phân khúc giá cả khác nhau. Nói cách khác, trong hiện tại và tương lai, người hâm mộ phải bỏ tiền nếu muốn thưởng thức các giải bóng đá đỉnh cao, không riêng gì World Cup. Qua rồi cái thời được xem bóng đá là chuyện hiển nhiên, cứ có máy thu hình là bắt được tất cả các trận.
Bóng đá bây giờ là "chiếc bánh" trong cuộc chiến thương trường khi thời đại dịch vụ lên ngôi. Thứ gì "ra tiền" mới làm, chứ không ai bỏ tiền để làm miễn phí. Phát biểu "90% VTV chịu lỗ nếu làm World Cup" đã nói lên tất cả, và nó không đáng phải nhận... hàng tấn "gạch đá" từ phía khán giả. Bóng đá hay bất cứ ngành dịch vụ nào khác, chỉ được vận hành khi có cung - cầu và hai bên đáp ứng đủ điều kiện của nhau.
Không có chuyện "xem bóng đá là quyền lợi sát sườn" như tư duy kiểu cũ. Ai trả tiền cho những người mang bóng đá về cho công chúng?
40 năm qua, từ thời bao cấp khó khăn đến khi mở cửa kinh tế thị trường, ngay cả những lúc gian truân nhất, VTV luôn mang World Cup về với Việt Nam. Trong tương lai, đài Truyền hình Việt Nam chắc chắn sẽ làm mọi cách để tiếp tục có bản quyền những giải đấu lớn. Nhưng xin hiểu cho, đấy không phải là phận sự. Đấy là bài toán kinh doanh, lời lỗ, là lí do khán giả không còn được xem Ngoại hạng Anh hay Champions League theo cách miễn phí đúng nghĩa từ VTV.
Sau cơn nắng hạn của sự đợi chờ, bản quyền World Cup cập bến Việt Nam cứ như một cơn mưa rào. Cơn mưa giải tỏa những ngày oi bức, và đánh thức sự thay đổi trong tư duy phục vụ hay dịch vụ của công chúng sau này.
Bình luận