(VTC News) - Một tiểu thương ở Hà Nội tiết lộ, khi mua rau, các thương lái thường đưa cho chị những sợi dây bằng nilong có in chữ “Rau sạch Vân Nội” và buộc kèm với rau của chị bán.
Cánh đồng trồng rau an toàn. |
Từ cầu Thanh Trì rẽ phải, xuôi theo đê tả Hồng vềxã Văn Đức, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, chúng ta sẽ bắt gặp những cánh đồng bạt ngàn rau an toàn, hay còn gọi là rau VietGap (Vietnamese Good Agricultural Practices - áp dụng các biện pháp sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm sạch và an toàn). Là xã ngoài bãi, không có đất lúa, 100% hộ dân Văn Đức sống nhờ thâm canh, luân canh, tăng vụ rau màu và chăn nuôi với 250 ha rau hàng hóa.
Đang là mùa thu hoạch rau bắp cải, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền có mặt tại ruộng từ sớm. Với diện tích 1 mẫu rau sản xuất theo mô hình VietGap, một mình chị có thể đảm nhận khá suôn sẻ. Tất cả quy trình sản xuất từ khâu trồng đến chăm bón chị đều được các kỹ sư nông nghiệp giám sát.
Sau mỗi ngày làm việc, công việc của chị cũng như bà con nông dân sản xuất theo quy trình VietGap là ghi chép sổ nhật ký đồng ruộng - khái niệm mà lần đầu tiên người nông dân vốn quen với canh tác truyền thống cần phải biết.
Theo tiêu chuẩn VietGap, đất ở vùng trồng rau phải lựa chọn để không bị ảnh hưởng xấu của chất thải công nghiệp, hoặc các chất ô nhiễm. Sau một vụ sản xuất, đất phải được phơi 2-3 ngày sau đó phải được xới tơi để trồng tiếp. Về phân bón chỉ cho phép dùng phân hữu cơ như phân xanh, phân chuồng đã được ủ mục, tuyệt đối không được dùng các loại phân hữu cơ còn tươi.
Việc bón phân kết thúc trước khi thu hoạch 15-20 ngày. Ngay nước tưới cũng phải dùng nước giếng khoan sạch. Việc chọn giống sạch bệnh và phải được trồng trong nhà lưới cũng là những điều kiện bắt buộc.
Chị Huyền là một trong rất nhiều người nông dân của xã Văn Đức được hưởng lợi dự án sản xuất rau an toàn do TP Hà Nội làm thí điểm tại đây. Từ vài năm trước, nhận thấy đất ở xã Văn Đức có thành phần cơ giới nhẹ, chủ yếu là đất cát pha hoặc thịt nhẹ rất thích hợp với các cây rau màu,Hà Nội đã đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất rau an toàn tập trung với tổng mức đầu tư khoảng 53 tỷ đồng bao gồm cải tạo, nâng cấp và xây dựng trên 7.000 kênh tưới tiêu, xây dựng khoảng 92 hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ nhiệm HTX Văn Đức, hiện xã có 25ha rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGap và 225ha còn lại sản xuất theo tiêu chuẩn rau an toàn. Các lớp tập huấn quy trình trồng rau an toàn được mở từ năm 2004, đến nay 100% người dân trong xã đều đã trải qua ít nhất là một lần tập huấn về quy trình này.
Từ vài năm nay, Văn Đức cũng được Công ty TNHH Hương Cảnh đầu tư xây dựng nhà sơ chế và ký hợp đồng bao tiêu rau thường xuyên cho 25 ha rau theo tiêu chuẩn VietGap. Bên cạnh đó, rau an toàn của Văn Đức cũng được Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội và Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ. Đây là những điều kiện thuận lợi để Văn Đức phát triển mô hình trồng rau sạch.
Còn tại TP HCM, toàn xã Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn có 243 ha với 230 hộ sản xuất rau an toàn. Trong đó có 40 ha với 11 hộ sản xuất ổn định quanh năm theo tiêu chuẩn VietGap. Hiện tổ chức VietGap đang xét 11 hộ còn lại để công nhận.
Còn lại là các loại rau gia vị và củ quả khác. Một vụ, nông dân có thể trồng xen kẽ các loại rau khác nhau. Một năm sản xuất được 8 vụ, lợi nhuận thu được trung bình 30 triệu 1 ha một vụ. Theo ông Tống Văn Mậu- người dân ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, canh tác bằng mô hình VietGap mất nhiều thời gian hơn, người nông dân phải ghi chép tỉ mỉ về cách thức trồng cấy, cách chăm bón cũng như chủng loại thuốc trừ sâu, phân bón khác với truyền thống. Thế nhưng do được HTX lo đầu ra nên đời sống rất ổn định.
Mua rau an toàn ở đâu?
Ít ai biết được rằng cái khó của người dân vùng trồng rau an toàn lại chính là khâu tiêu thụ trong khi nhu cầu thì rất lớn.
Hiện Hà Nội mới có trên 3.200ha rau an toàn được trồng ở nhiều vùng sản xuất tập trung như Chương Mỹ, Đông Anh, Thanh Trì..., đáp ứng hơn 20% nhu cầu tiêu thụ rau của người dân trên địa bàn. Không chỉ rau an toàn, hiện toàn bộ diện tích đất trồng rau của Hà Nội cũng mới cung cấp được hơn 60% nhu cầu về rau xanh cho người tiêu dùng Thủ đô.
Vì vậy, không thể nói rau xanh ở Hà Nội đã thừa hoặc “ế” được. Thế nhưng, thực tế lại xảy ra như một nghịch lý: rau an toàn chưa đủ đáp ứng nhu cầu, song người trồng rau vẫn gặp khó khăn do giá quá rẻ, tốc độ tiêu thụ chậm khi rau vào mùa thu hoạch rộ liên tục. Đây cũng là băn khoăn của chị Nguyễn Thị Thanh Huyền ở xã Văn Đức trong những ngày thu hoạch rộ lứa bắp cải.
Ông Nguyễn Hồng Anh, Chi cục phó chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Trước đây các hệ thống rau an toàn tập trung chủ yếu ở các cửa hàng nội thành. Tuy nhiên cách làm này cũng đang gặp một số khó khăn như giá thành các cửa hàng thuê quá cao, rau ở vùng trồng rau an toàn bị đánh đồng với các vùng khác mà không có sự kiểm định...
Tại TP.HCM, khâu tiêu thụ cũng không khá hơn. Hiện nayhợp tác xã trồng rau Ngã Ba Giồng, huyện Hóc Môn chỉ tiêu thụ được từ 3 đến 5 tấn một ngày khi đưa vào các siêu thị, số còn lại phải đưa ra các chợ đầu mối. Và ở chợ thì chẳng ai có thể phân biệt được rau trồng theo tiêu chuẩn sạch và rau thường. Như vậy nông dân trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap lại chịu thiệt thòi khi giá bán rau thấp, mà người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi.
Vàng thau lẫn lộn
Mặc dù được đưa vào các siêu thị và gắn mác rau sạch, tuy nhiên hầu hết người tiêu dùng đều không thể khẳng định rau có thực sự an toàn hay không. Do rau an toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap có giá thành cao hơn nên nhiều nhà phân phối hay siêu thị đã nhập nhằng đánh lận con đen khi chấp nhận nhập những loại rau mà chỉ nhìn vào nhãn mác.
Một tiểu thương ở Hà Nội tiết lộ, khi mua rau, các thương lái thường đưa cho chị những sợi dây bằng nilong có in chữ “Rau sạch Vân Nội” và buộc kèm với rau của chị bán. Chị còn khẳng định, bây giờ khó có thể phân biệt được rau sạch hay không sạch tại các siêu thị vì phương pháp trồng khá giống nhau và họ vẫn mua rau của chị và đưa vào các siêu thị.
Công ty TNHH Hương Cảnh, doanh nghiệp đầu tư vào mô hình sản xuất rau an toàn VietGap tại xã Văn Đức hiện đang cung cấp cho nhiều cửa hàng trong chuỗi siêu thị Hapro, Fivimart và 3 cửa hàng ở quận Hà Đông. Tới đây, Công ty sẽ đẩy mạnh việc bán rau ở siêu thị Metro, CoopMart và nhiều bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội. Nhưng đó cũng chỉ là kênh phân phối rất nhỏ so với nhu cầu hiện nay.
Cái sạch đang được đầu tư mạnh
Theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn từ 2011- 2013, Bộ thực hiện dự án “Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap” tại 9 địa phương gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk.
Tổng kinh phí của dự án là 9 tỷ đồng với mục tiêu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe cho người tiêu dùng; góp phần hình thành vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trong việc tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Đồng thời từng bước hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất từ quản lý, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, trong thời gian 3 năm thực hiện Dự án (2011-2013), sẽ xây dựng 9 mô hình tại 9 tỉnh/thành trình diễn ứng dụng VietGap để sản xuất được 7 loại rau an toàn chủ lực trên quy mô 675ha.
Hải Hà
Bình luận