Sau bài viết "Nghề khác được làm thêm nhưng giáo viên không được dạy thêm" đăng tải trên VTC News, nhiều độc giả đưa ý kiến ủng hộ quan điểm này. Trong đó, họ dẫn chứng bác sĩ mở phòng khám tư và lập luận giáo viên cũng nên được hưởng đặc quyền như vậy.
Nhưng tôi lại cho rằng, sự so sánh đó là khập khiễng. Là phụ huynh tôi không phản đối thầy cô dạy thêm để có thu nhập, nhưng tôi phản đối ép buộc học sinh chính khóa học thêm.
Thứ nhất, bác sĩ mở phòng khám tư sau khi đã hoàn thành công tác tại bệnh viện. Họ chữa bệnh cho những người có nhu cầu. Đối tượng bệnh nhân trong bệnh viện và bệnh nhân phòng khám là khác nhau, rất minh bạch.
Hiện chưa ghi nhận trường hợp bác sĩ ép buộc bệnh nhân đang chữa chạy tại bệnh viện phải đi khám ở cơ sở do họ mở. Do vậy bác sĩ mở phòng khám tư hoàn toàn xuất phát từ thỏa thuận tự nguyện của hai bên, bác sĩ và người bệnh. Có lẽ vì thế mà xã hội không phản đối chuyện này.
Trong khi đó, giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa là cùng dạy một đối tượng. Sáng hay chiều các em học một thầy cô. Như vậy tính công khai và minh bạch không có. Dễ hiểu, với học sinh chính khóa, thầy cô có lợi thế trong việc ép buộc các em phải đi học thêm.
Thậm chí, một số giáo viên “ém” kiến thức để dạy thêm tại nhà. Chẳng khác nào học trò phải trả 2 lần tiền cho cùng một đơn vị kiến thức. Thực tế trên báo chí phản ánh nhiều câu chuyện học trò tự tử, trầm cảm, bị giáo viên trù dập do không đi học thêm. Những trường hợp này đều là học sinh chính khóa.
Thứ hai, hoạt động mở phòng khám là kinh doanh có điều kiện, tổ chức, quản lý theo Luật Doanh nghiệp và phải đóng thuế. Còn các lớp dạy thêm của giáo viên đa số được mở “chui” tại nhà, không theo bất kỳ quy định nào. Bản thân giáo viên dạy thêm không phải đóng thuế nên thu lợi nhuận rất lớn.
Do vậy việc thầy cô than phiền, vì sao bác sĩ được mở phòng khám mà họ không được dạy thêm, theo tôi là vô lý, khập khiễng.
Tôi mong thầy cô hiểu và nhìn nhận đúng vấn đề. Xã hội không phản đối chuyện giáo viên dạy thêm nếu điều đó tốt cho học sinh. Chúng tôi chỉ phản đối những người ép buộc học sinh chính khóa phải đi học thêm bằng các hình thức đe dọa, chửi bới, nhục mạ…
Riêng cấp tiểu học, tôi mong Bộ GD&ĐT tổ chức rà soát, kiểm tra và cấm tuyệt đối chuyện dạy thêm. Thực tế đã có chỉ đạo, hướng dẫn trong việc tổ chức dạy thêm, học thêm, nhưng tôi thấy tình trạng này vẫn nhan nhản mà chưa có bất kỳ cá nhân nào bị xử lý.
Truyền thống của người Việt Nam là “Tôn sư, trọng đạo”. Giáo viên muốn xã hội, phụ huynh, học sinh tôn trọng mình và công việc này thì bản thân thầy cô cũng phải biết trọng Đạo của người làm thầy. Đừng vì lợi ích trước mắt mà làm xấu đi hình ảnh nghề cao quý trong mắt mọi người.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận