Nhắm đến người già với nhiều thủ đoạn tinh vi
Giữa tháng 8/2023, một phụ nữ trung tuổi trú tại thôn 3, xã Quảng Châu, TP Hưng Yên trong quá trình nói chuyện với con gái bằng video qua Facebook, con gái nói có người bạn làm cùng vay gấp 40 triệu đồng và thúc giục bà chuyển vào số tài khoản của bạn, hẹn vài hôm nữa sẽ gửi trả.
Lúc này, người mẹ hoàn toàn không biết đối tượng lừa đảo đã hack nick Facebook của con gái mình nên vội mang số tiền nói trên đến chi nhánh ngân hàng SHB Phố Hiến gửi.
Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch, nhân viên ngân hàng phát hiện những hành động bất thường của người phụ nữ nên đã gặng hỏi, đồng thời báo cho lãnh đạo Chi nhánh và công an phường. Ngay lập tức, bà được phía cơ quan chức năng tư vấn, giải thích rằng bà có thể đang nhận cuộc gọi từ các đối tượng lừa đảo dụ dỗ lừa tiền.
Bà bồi hồi kể lại: “Lúc nói chuyện với con gái tôi không phát hiện ra vấn đề gì mặc dù chất lượng hình ảnh không được tốt nhưng giọng vẫn giống nên khi được nhờ chuyển 40 triệu vào số tài khoản, tôi đã làm theo mọi hướng dẫn. Nếu không có sự cảnh giác của ngân hàng và sự hỗ trợ của cơ quan công an thì gia đình chúng tôi đã mất khoản tiền tích cóp”.
Không được may mắn như vậy, tháng 2/2024 bà T.M.A (68 tuổi) ngụ tại Cần Thơ thì nhận được một cuộc gọi từ người giọng nam xưng là công an bất ngờ thông báo bà đang có lệnh bắt của Viện kiểm sát liên quan đến một đường dây buôn ma túy.
Với chiêu thức vừa uy hiếp vừa trấn an, người trong điện thoại yêu cầu bà M.A mở tài khoản ngân hàng và thực hiện chuyển 2 tỷ đồng để được “bảo lãnh”.
Dù bán tín bán nghi nhưng vì đối tượng đọc đúng thông tin cá nhân, số căn cước công dân khiến bà A như bị “thao túng tâm lý”. Bà liền huy động, vay mượn người thân, bạn bè gửi tiền vào số tài khoản mới mở và làm theo chỉ dẫn của kẻ gian.
Sau đó, khi “hoàn hồn”, bà mới tá hỏa và vội trình báo cơ quan công an. Kết quả, tất cả tiền trong tài khoản mới mở của bà đã bị chuyển đi cho các đối tượng lừa đảo.
Từ hai sự việc nêu trên có thể thấy, nhóm khách hàng bị lừa đảo, rơi vào bẫy “thao túng tâm lý” của các nhóm tội phạm công nghệ cao chủ yếu là người lớn tuổi, trình độ hiểu biết hạn chế và dễ bị cảm xúc chi phối dẫn đến tiết lộ các thông tin tài sản cá nhân cần được bảo mật.
Rất nhiều trường hợp bị mất tiền gửi trong Ngân hàng lên đến hàng tỷ đồng như bà M.A khiến người gửi tiền không khỏi hoang mang lo lắng.
Tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng
Theo Cục An ninh Mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng lên tới khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Riêng trong trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm năm trước.
Đại diện các quan chức năng cho hay, các chiêu lừa tuy đã cũ nhưng đến nay vẫn có người bị mất tiền như: Giả danh nhân viên ngân hàng, các cơ quan công an - viện kiểm sát - tòa án để hù doạ điều tra nhằm khai thác thông tin cá nhân, cưỡng ép nộp tiền.
Chúng còn lập ra các website, ứng dụng, tin nhắn SMS mang thương hiệu giả mạo ngân hàng để khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử, mã OTP, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Liên quan đến việc ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, thời gian qua Bộ Công an và các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng như Ngân hàng, công ty tài chính, chứng khoán luôn đưa ra những khuyến cáo, cập nhật những thủ đoạn, chiêu thức mới để người dân cảnh giác.
Như tại Vietcombank, ngân hàng này đã và đang liên tục cập nhật và cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo tới khách hàng thông qua nhiều kênh: Website, fanpage, gửi email, gửi thông báo trên hệ thống Ngân hàng điện tử… Đồng thời, các cán bộ nhân viên cũng thường xuyên tích cực, chủ động cảnh báo trực tiếp tới các khách hàng tại mỗi địa bàn.
Ngoài những khuyến nghị, cảnh báo không truy cập vào đường link lạ, cài đặt ứng dụng không rõ ràng... Ngân hàng SHB còn đặc biệt nhấn mạnh khách hàng không được cung cấp thông tin bảo mật Ngân hàng điện tử như: mật khẩu đăng nhập, mã xác thực (OTP), thông tin về tài khoản, thẻ, cho bất kỳ ai, kể cả cán bộ ngân hàng.
Đại diện SHB chia sẻ: “OTP là phương thức xác thực được coi là bảo mật nhất hiện nay, giúp hạn chế tối đa lỗ hổng bảo mật. Do đó, nếu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập, mã OTP cho bất kỳ ai thì gần như đã trao cho họ “cả khóa lẫn chìa” để vào nhà, gián tiếp tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, Ngân hàng không thể can thiệp".
Cũng theo Bộ Công an, trong năm qua đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, nhưng có đến trên 1.200 vụ án phải tạm đình chỉ điều tra, gia hạn điều tra vì không xác định được thủ phạm của vụ việc, tương đương có đến trên 75% số vụ việc không thể điều tra tiếp.
Vì vậy, trước tiên bản thân mỗi người dân phải tự bảo vệ bản thân, nâng cao cảnh giác trước mọi cuộc gọi nghi ngờ và liên hệ ngay với Ngân hàng, cơ quan công an gần nhất khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
Bình luận