• Zalo

Thành tỷ phú theo cách khác người: 'Ươm vàng ròng' trong rừng già âm u

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 02/12/2018 06:50:00 +07:00Google News

Trên độ cao 2.000m của rừng già âm u, những người nông dân từng ngày ươm mầm, canh giữ những vườn sâm vô giá.

Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) nằm trên độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển. Nơi đây được biết đến là “thủ phủ” của dược liệu quý như hồng đẳng sâm, đương quy, sơn tra, ngũ vị tử. Đặc biệt, nơi đây còn là quê hương của loài sâm quý - sâm Ngọc Linh.

Bảo vệ nghiêm ngặt

Để đến được “thủ phủ” sâm, chúng tôi mất hơn nửa giờ vượt qua con đèo Măng Rơi, với những khúc cua khuỷu tay, những con dốc dựng đứng... con đèo vốn là nỗi ám ảnh của giới tài xế, nên họ đặt thêm cho nó cái biệt danh là “Văng Rơi”, bởi chỉ cần một nháy mắt sơ suất, là xe lao xuống vực.

Khi vừa qua đèo, trước mắt chúng tôi là một vùng núi, bao quanh những thung lũng sâu hút, trập trùng, đẹp như tranh vẽ. Đây là địa phận xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, được bao bọc bởi những ngọn núi của dãy Ngọc Linh mây trắng xóa, một trong địa điểm sâm Ngọc Linh sinh trưởng.

Lam-giau-khac-nguoi-uom-14-28-55_nh_4-1543219292-width665height443

Vườn sâm Ngọc Linh của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum 

Anh A Nhoai, Bí thư Đoàn xã Măng Ri, dẫn chúng tôi đến thăm “thủ phủ” sâm Ngọc Linh của Công ty sâm Ngọc Linh Kon Tum. Vừa đi, A Nhoai vừa cho biết, anh là người tiên phong vào bới lá rừng tìm hạt sâm dây mang về reo trồng. Để rồi sau đó, phong trào trồng sâm dây lan rộng, giúp nhiều người dân địa phương tăng thêm thu nhập. Sau khi thành công với mô hình sâm dây, anh tiếp tục đề nghị xã cấp cho thuê 1,5ha đất để trồng sâm Ngọc Linh.

“Các loài sâm, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, có đặc điểm là chỉ phát triển tốt dưới tán rừng thiên nhiên thứ thiệt, có nhiều tán, mặt đất có lớp lá mục dày, giữ ẩm tốt. Cho nên, nếu muốn trồng sâm, thì việc đầu tiên là phải giữ rừng. Ngoài ra, sâm chỉ sống bằng những nguồn dinh dưỡng có sẵn trong đất, nếu dùng phân hóa học, chất kích thích, cây sẽ chết”, A Nhoai nói.

Lam-giau-khac-nguoi-uom-14-28-55_nh_6-1543219317-width665height471

Ngoài Ngọc Linh, Tu Mơ Rông còn có hồng đẳng sâm (sâm dây), dù giá trị không bằng Ngọc Linh, nhưng dễ chăm sóc, thu lợi nhanh. Trong ảnh là Bí thư xã đoàn Măng Ri A Nhoai (bên phải) và vườn sâm dây của mình 

A Nhoai bảo, lớn lên anh mới sâm Ngọc Linh, chứ loài cây này lúc còn nhỏ anh thấy mọc rất nhiều. Đi rừng chừng tiếng đồng hồ là mang về cả gùi sâm. Giá trị gùi sâm Ngọc Linh 10kg chỉ bằng… một đôi “tông Lào”. Nhiều đợt người dân đi lấy tràn lan nhưng chẳng có người mua nên vứt bừa bãi quanh nhà, phơi khô nấu nước uống hàng ngày. Từ năm 2001 giá sâm đắt đỏ, người dân lại vào rừng mót từng củ nhỏ bằng ngón tay về trồng.

“Sâm dây có ưu điểm là dễ chăm sóc, không lo chuột hay trộm. Còn sâm Ngọc Linh, vì là sâm quý nên việc chăm sóc đã khó, bảo vệ càng khó hơn. Ngoài trộm là người, còn có trộm là… chuột. Không hiểu sao chuột rất thích củ sâm Ngọc Linh. Cho nên, chuột ở quanh vườn sâm được mệnh danh là chuột quý tộc, là đặc sản”.

Lam-giau-khac-nguoi-uom-14-28-55_nh_5-1543219344-width665height498 3

Khu vực bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh 

Qua vài đoạn cua, 2 bên đường bắt đầu xuất hiện những luống sâm Ngọc Linh, len giữa những triền núi. Bên cạnh “đại bản doanh” của công ty là vườn sâm số 1 của Cty là những vườn sâm Ngọc Linh giống đang sinh trưởng. Hiện nay, Cty đã sở hữu trên hơn 400ha sâm giống và sâm thương phẩm.  

Nặng lòng với sâm

Lang thang hết nửa giờ quanh các vườn sâm, chúng tôi mới gặp được ông chủ Trần Hoàn - người được coi là giàu nhất Tây Nguyên, bởi giá trị vườn sâm khó mà ước đoán, chỉ có thể nói là vô giá.

Cách đây vài năm, việc mục sở thị vùng “thánh địa” sâm Ngọc Linh cực kỳ khó khăn cũng như thông tin về vùng sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum chỉ nhỏ giọt.

Trần Hoàn bảo, thực ra nỗi lo lớn nhất của anh là sợ cây sâm Ngọc Linh bị lai tạp giống. Bởi cách đây hơn 20 năm, anh đã cầm trên tay những củ sâm Ngọc Linh tự nhiên cả trăm năm tuổi. Biết là loại sâm quý khiến anh càng lo hơn khi việc khai thác tận diệt đang diễn ra tràn lan, loài sâm quý này có nguy cơ tuyệt chủng.

“Hiểu rõ giá trị của sâm Ngọc Linh nên từ hơn 20 năm trước, 2 anh em tôi đã bắt đầu đi thu gom, mua hết cây sâm giống mà bà con các xã quanh chân núi Ngọc Linh đào về để bảo tồn, gây giống. Sau đó tự tìm tòi, nghiên cứu, tham khảo tài liệu rồi gom góp vốn liếng lên tận núi cao tìm đất trồng sâm. Bao nhiêu sức người, sức của khó mà tính hết”, anh Hoàn kể.

Lam-giau-khac-nguoi-uom-14-28-55_nh_1-1543219365-width665height642 4

 Củ sâm Ngọc Linh thứ thiệt của ông chủ vườn sâm quý Trần Hoàn

Thiên nhiên không phụ lòng người có công, những vườn sâm âm thầm hình thành dưới sự chăm chút, bảo vệ gần như bí mật của “ông chủ” vườn sâm và sự giúp sức của những người dân địa phương. Tháng 5/2011, Cty sâm Ngọc Linh lần đầu tiên công bố kết quả sau hơn 13 năm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển vườn sâm giống với nguồn gen quý nguyên bản cũng như hoàn thiện quy trình gieo ươm, chăm sóc sâm Ngọc Linh gốc với diện tích lên đến 140ha khiến nhiều người kinh ngạc...

Trần Hoàn đưa chúng tôi qua những luống bậc thang len lỏi qua vườn sâm được trồng hoàn toàn tự nhiên dưới lớp thảm mùn lá cây. Dù anh rất kiệm lời khi nói về giá trị thực tế quy ra tiền của những vườn sâm gốc này, nhưng chỉ cần tính hàng triệu cây con vừa mới được ươm thành công đến vườn sâm Ngọc Linh trên 400ha bắt đầu cho thu hoạch (giá trị trường hiện nay loại tốt từ 100-120 triệu đồng/kg) thì Cty đang có tài sản vô giá trong tay là sự thật.

Lam-giau-khac-nguoi-uom-14-28-55_nh_2-1543219383-width665height436 5

 Ông chủ vườn sâm độc nhất Việt Nam Trần Hoàn

Tháng 6/2017, sâm Ngọc Linh chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Sản phẩm quốc gia và mới đây tại Hội nghị Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ví đây là cây “quốc bảo” trong quốc kế dân sinh.

Không chỉ có công bảo tồn nguồn gen gốc của sâm Ngọc Linh, anh em Trần Hoàn, Trần Hảo còn âm thầm bảo vệ những cánh rừng trồng sâm nơi đây, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 300 hộ dân tại 3 xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lei của huyện Tu Mơ Rông bằng hình thức liên kết trồng sâm Ngọc Linh gắn với việc bảo vệ phát triển rừng. Nhờ vậy, đã thay đổi cơ bản tập quán canh tác cũ là phát nương làm rẫy của người dân, hướng người dân đến bảo vệ môi trường rừng.

“Hiện nay, công ty đang liên kết với người dân làm nông nghiệp 4.0. Người dân có nhu cầu, công ty sẽ bán cây sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi cho người đầu tư trồng trên đất dự án của Cty. Người đầu tư có thể theo dõi quá trình chăm sóc và phát triển của cây sâm Ngọc Linh qua camera. Hàng tháng, nhà đầu tư lên thăm, kiểm tra tại vườn sâm và trực tiếp thu hoạch tại vườn”, anh Hoàn nói thêm.

Nói về tình trạng sâm Ngọc Linh giả tràn lan trên thị trường, ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Hiện nay trên địa bàn không có cơ sở nào bán các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Ai cần mua phải vào tận các thôn làng rồi nhờ chủ vườn bán cho một vài củ, muốn mua nhiều họ cũng không bán. Ngay bản thân tôi, trước kia trực tiếp vào mua 3 củ sâm với trọng lượng 2 lạng mà phải thuyết phục bà con 3 ngày. Hiện nay, sâm Ngọc Linh giả khá nhiều ở những cơ sở, địa bàn huyện khác, riêng Tu Mơ Rông thì không có”.

Nguồn: Phúc Lập (Kiến thức gia đình)
Bình luận
vtcnews.vn