• Zalo

Thanh tra Chính phủ: Bộ Công Thương thiếu kiểm tra, quản lý xăng dầu lỏng lẻo

Tài chínhThứ Năm, 04/01/2024 18:48:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu chỉ ra nhiều vi phạm của Bộ Công Thương.

Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu chiều 4/1, Thanh tra Chính phủ cho biết, Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, quản lý lỏng lẻo và không kịp thời phát hiện các vi phạm trong quản lý xăng dầu.

Doanh nghiệp lách luật thuê kho 

Thanh tra Chính phủ nhận định, hàng năm thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 18,5-20,5 triệu tấn xăng dầu, trong đó xăng dầu sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 14,3 triệu tấn. Trong những năm qua, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, điều hành xăng dầu.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm trong quản lý, điều hành xăng dầu. (Ảnh: Báo Công Thương)

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm trong quản lý, điều hành xăng dầu. (Ảnh: Báo Công Thương)

Thanh tra Chính phủ nhận định, trong hơn 5 năm, Bộ Công Thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.

Một trong những điều kiện để được cấp phép doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo Nghị định 83/2014, là phải có kho, bể xăng dầu hoặc thuê đơn vị khác từ 5 năm trở lên. Việc này dẫn tới thực tế, doanh nghiệp, thương nhân phân phối thuê kho theo mùa vụ để được cấp giấy phép. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới vi phạm cấp phép của Bộ Công Thương.

Thực tế, sau khi được cấp phép, nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng dầu. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường.

"Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo và không kịp thời phát hiện các vi phạm trong duy trì điều kiện kho, bể chứa và hệ thống phân phối", kết luận thanh tra nêu.

Do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo nên trong gần 3 năm (từ 2017 đến tháng 9/2022) một số thương nhân phân phối bán cho đầu mối sai quy định khoảng 828.963 m3 để hưởng tiền chiết khấu, chênh lệch giá bất hợp pháp. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu mối đã không tạo nguồn theo quy định, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu của thị trường. Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn tới gián đoạn nguồn cung vào năm 2022.

Việc xây dựng kho xăng dầu thương mại hiện nay đều do doanh nghiệp tư nhân nên phụ thuộc vào nhu cầu, năng lực của các thương nhân đầu mối. Bên cạnh đó, Nghị định 83/2014/ND-CP cho phép thương nhân đầu mối được thuê kho làm điều kiện xin cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu nên không khuyến khích các thương nhân đầu mối đầu tư xây dựng kho.

"Tại thời điểm ngày 30/6/2022, dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ đạt khoảng 7 ngày, không đáp ứng mức dự trữ xăng dầu tại quyết định 2091/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 là 10 ngày", kết luận thanh tra nêu rõ.

Việc quản lý lỏng lẻo của Bộ Công Thương còn dẫn tới hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc của Nghị định 83/2014. Chẳng hạn, Công ty cổ phần thương mại và Dầu khí Đồng Tháp ủy quyền việc mua bán xăng dầu cho các doanh nghiệp không phải công ty con, không đủ điều kiện làm thương nhân phân phối.

Hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ủy quyền cho các công ty con ký hợp đồng mua, bán xăng dầu với thương nhân đầu mối khác và bán tái xuất xăng dầu, sản lượng hơn 4,46 triệu m3. Các công ty con của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Long Hưng bán xăng dầu cho công ty mẹ, mua xăng dầu của các đơn vị đầu mối, phân phối khác...

Bất cập trong quản lý, sử dụng quỹ bình ổn

Ngoài vi phạm cấp giấy phép, việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng tồn tại nhiều bất cập.

Theo kết luận thanh tra, Bộ Công Thương chưa kịp thời đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép với các đơn vị bị Bộ Tài chính xử phạt hành chính, dẫn tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu bị thương nhân đầu mối chiếm dụng, sử dụng sai mục đích.

Việc quản lý quỹ bình ổn cũng có nhiều sai phạm. (Ảnh: Công Hiếu)

Việc quản lý quỹ bình ổn cũng có nhiều sai phạm. (Ảnh: Công Hiếu)

"Trong hơn 5 năm, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định chi từ Quỹ bình ổn giá khi giá nhiên liệu chưa tăng, số tiền gần 1.143 tỷ đồng, và chi bình ổn cao hơn mức tăng giá hơn 318 tỷ", theo kết luận thanh tra.

Trong 1,5 năm (từ kỳ điều hành ngày 1/1/2017 đến 23/4/2018), văn bản điều hành giá của cơ quan quản lý không rõ ràng, dẫn tới 19 doanh nghiệp đầu mối trích lập sai Quỹ bình ổn xăng dầu với xăng RON 95 hơn 1.013 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này cũng chi sai từ quỹ gần 680 tỷ.

Theo quy định, Quỹ bình ổn giá chỉ được sử dụng trong trường hợp cấp bách, khi giá tăng cao bất thường ảnh hưởng tới đời sống người dân, song thực tế liên Bộ Công Thương – Tài chính sử dụng quỹ này liên tục trong thời gian dài, khi không có biến động về giá. Việc này cũng dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quy chế phối hợp, phân công giữa Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì quỹ và Bộ Công Thương – cơ quan phối hợp trong quản lý Quỹ bình ổn, kiểm tra, giám sát thương nhân xăng dầu đầu mối.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại quản lý Quỹ bình ổn, dẫn tới 7 doanh nghiệp sử dụng quỹ sai mục đích bình ổn giá, tổng tiền hơn 7.927 tỷ đồng. Số tiền này đã được doanh nghiệp để tại tài khoản thanh toán trong nhiều kỳ, không kết chuyển về tài khoản quỹ.

Trong đó, 3 doanh nghiệp đã trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn với khối lượng xăng dầu vượt sổ sách, dẫn tới trích lập sai gần 4,8 tỷ đồng và chi sai từ quỹ này gần 22,6 tỷ. Một doanh nghiệp trích lập thiếu vào quỹ hơn 3 tỷ đồng, và một đơn vị thực hiện sai nguyên tắc kế toán số tiền điều chỉnh vào quỹ gần 10,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý (Bộ Công Thương, Tài chính) không nắm rõ số dư đầu kỳ, số trích lập, sử dụng hay lãi của quỹ này tại một số doanh nghiệp khi ba năm liên tiếp các doanh nghiệp đầu mối và ngân hàng thương mại nơi họ mở tài khoản Quỹ bình ổn xăng dầu không gửi sao kê.

Trước những vi phạm trong sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu để xem xét, xử lý tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà....

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn