Chuyện các HLV châu Âu tìm kiếm thử thách ở châu Á ngày càng quen thuộc. 17/24 đội tuyển tham dự Asian Cup 2019 bước vào giải đấu với những HLV người châu Âu.
Càng nổi tiếng càng thảm bại
Trong 7 đội còn lại chỉ có Úc, Nhật, Triều Tiên và Turkmenistan là sử dụng HLV nội thuần túy. HLV của tuyển VN là ông Park Hang Seo, HLV của Palestine là Noureddin Ali người Algeria, còn Uzbekistan được dẫn dắt bởi chiến lược gia người Argentina – Hector Cuper.
Tuy xuất thân từ Nam Mỹ nhưng ông Cuper là một HLV mang "nhãn mác châu Âu" chính hiệu. HLV 63 tuổi này lừng danh từ thời dẫn dắt các CLB Mallorca, Valencia rồi Inter Milan giai đoạn cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000.
Trong 17 HLV châu Âu dự Asian Cup 2019, gần một nửa số lượng từng cầm quân ở World Cup, gồm Marcelo Lippi (dẫn dắt Trung Quốc), Carlos Queiroz (Iran), Srecko Katanec (Iraq), Milovan Rajevac (Thái Lan), Paulo Bento (Hàn Quốc), Sven Goran Eriksson (Philippines) và Pim Verbeek (Oman).
Những người khác như Alberto Zaccheroni (UAE) hay Antonio Pizzi (Saudi Arabia) cũng rất nổi tiếng. Riêng Zaccheroni còn là một trong những HLV hiếm hoi trên thế giới từng dẫn dắt cả 3 CLB mạnh nhất nước Ý là Juventus, AC Milan và Inter Milan.
Nhưng tên tuổi không hề đảm bảo cho thành công. Số phận của các HLV châu Âu nổi tiếng ở Asian Cup 2019 không thể ê chề hơn.
Rajevac và Bernd Stange (dẫn dắt Syria) bị sa thải ngay giữa giải đấu, Eriksson bị Philippines thôi hợp đồng sau khi bị loại, còn Pizzi, Zaccheroni, Lippi cũng phải từ chức sau những kết quả bết bát của đội nhà.
Carlos Queiroz tuy đưa Iran lọt vào bán kết nhưng thảm bại 0-3 trước Nhật Bản cũng khiến HLV người Bồ Đào Nha phải rời châu Á trong nỗi ê chề.
Giữa hàng loạt những bại tướng lừng danh, HLV người châu Âu thành công nhất ở Asian Cup 2019 lại là một cái tên hoàn toàn vô danh: Felix Sanchez Bas- người đang dẫn dắt tuyển Qatar. CĐV Việt Nam quen mặt ông này từ năm 2018 khi U-23 Qatar của ông bị… VN đánh bại.
Trước Asian Cup 2019, chiến lược gia người Tây Ban Nha chẳng có chút kinh nghiệm nào với bóng đá đỉnh cao.
Hồ sơ của ông đơn giản chỉ là khoảng thời gian 10 năm làm việc ở lò đào tạo của Barca, rồi sau đó chuyển đến Học viện Aspire của Qatar vào năm 2006 theo chương trình liên kết giữa Qatar và Barca.
Và sau hơn 10 năm làm việc với các cấp độ trẻ của bóng đá Qatar, ông Sanchez mới đảm nhận vai trò HLV trưởng Qatar từ năm 2017.
Nhiều người sẽ thắc mắc về việc Qatar – vốn là một nền bóng đá không có gì ngoài… tiền tại sao không mời về những HLV tên tuổi, giàu kinh nghiệm như Marcelo Lippi? Đó thật ra là một câu chuyện dài.
Chọn người phù hợp, hay chọn người nổi tiếng?
Qatar thật ra là nền bóng đá châu Á đi tiên phong trong xu hướng "Âu hóa". Từ những năm thập niên 1970, Qatar đã bổ nhiệm các HLV người Anh như Frank Wignall hay John Carrdone.
Đến đầu thập niên 2000 là lúc người Qatar mạnh tay nhất trong việc "bỏ tiền mua thành công". Ở cấp độ CLB, họ mang về hàng loạt ngôi sao bóng đá bước qua đỉnh cao sự nghiệp như Gabriel Batistuta, Pep Guardiola, Frank LeBoeuf…
Sự điên cuồng tìm kiếm thành công của Qatar thể hiện rõ nhất trên băng ghế HLV trưởng tuyển quốc gia. Cứ hễ thấy đội nào có HLV giỏi, Qatar lập tức… giành về.
Ngay sau World Cup 2002, họ cướp HLV Philippe Troussier của Nhật Bản. Troussier thất bại, Qatar chuyển sang Bruno Metsu – người đưa Senegal vào đến tứ kết World Cup 2002. Metsu cũng thất bại, Qatar lại mời về Milovan Rajevac – người đưa Ghana vào tứ kết World Cup 2010, và rồi Rajevac cũng sớm phải ra đi…
Qatar là ví dụ rõ rệt nhất cho sự thiếu hiệu quả khi chỉ chăm chăm nhìn vào tên tuổi của các HLV. Từ đầu thập niên 2000 đến nay, họ đã bổ nhiệm cả thảy 15 HLV trưởng tuyển quốc gia. Tuy nhiên, đội ngũ này đã bất lực trong việc đưa Qatar tham dự World Cup, cũng như lọt vào top 4 châu lục.
Sau khi thất bại với triết lý "mời người nổi tiếng", Qatar quyết định chuyển sang kế hoạch lâu dài. Từ năm 2010, quốc gia dầu mỏ này đã bắt đầu xây dựng kế hoạch đào tạo cầu thủ trẻ nhằm chuẩn bị cho World Cup 2022 – giải đấu mà họ giành quyền đăng cai.
Học viện Aspire (ra đời vào năm 2004) được đẩy mạnh, mời về nhiều chuyên gia từ châu Âu,và HLV Sanchez là một trong số đó.
Từ học viện Aspire, ông dần bước lên dẫn dắt các đội trẻ U-19, U-20 rồi đến U-23. Không một HLV châu Âu nào am hiểu thế hệ cầu thủ này của Qatar hơn Sanchez – người đã dìu dắt họ từ khi là những chú nhóc.
Và đó là con đường mới của bóng đá Qatar. Quá chán nản với các HLV tên tuổi nhưng chẳng hiểu biết gì về cầu thủ bản địa, Qatar quyết định sử dụng một người vô danh nhưng rành rẽ tình hình bóng đá nước nhà.
Đó cũng là lý do LĐBĐ Qatar không sa thải Sanchez sau trận U 23 Qatar thua U 23 VN ở bán kết Giải U-23 châu Á 2018. Và ở Asian Cup 2019, lòng tin của họ được đền đáp.
Các HLV châu Âu hiển nhiên mang đến rất nhiều điều bổ ích cho châu Á với lượng kiến thức, tư duy chiến thuật khác biệt. Nhưng một bộ não cũng cần đồng bộ với cấu trúc cơ thể, tố chất của các cầu thủ châu Á không hề giống như châu Âu, và đôi lúc sự áp đặt sẽ chỉ mang lại tiêu cực.
Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, UAE, Philippines… thất bại ở Asian Cup 2019 vì sự "hám nổi tiếng" của mình. Trái lại, Nhật Bản hay VN thành công với những HLV châu Á. Trongkhi đó, Qatar gặt hái thành công với một HLV ngoại nhưng đã gắn bó quốc gia này hơn 10 năm.
Đó là minh chứng cho triết lý "chọn người phù hợp chứ không chọn người nổi tiếng".
Bình luận