Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông liên tục bị lùi thời hạn vận hành khai thác vì nguồn vốn giải ngân bị chậm; năng lực Tổng thầu Trung Quốc còn hạn chế và yếu kém trong công tác thiết kế, thi công, thanh toán chậm trễ cho thầu phụ...
Mới đây, Ban quản lý dự án đường sắt, đại diện chủ đầu tư dự án đã có báo cáo điều chỉnh tiến độ hoàn thành và đưa dự án vận hành chạy thử vào ngày 2/9/2018 với thời gian vận hành chạy thử từ 3-6 tháng.
Như vậy, mốc thời hạn đưa vào khai thác thương mại nhanh nhất rơi vào cuối năm 2018 nếu các kế hoạch tiến độ do Tổng thầu EPC-Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc lập và đã được đơn vị tư vấn thẩm tra trước khi trình đại diện chủ đầu tư.
Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án Đường sắt đã quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc Tổng thầu, Tư vấn giám sát và các nhà thầu phụ tập trung nhân lực, máy móc thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Tuy nhiên do nhiều vướng mắc khách quan cũng như chủ quan, đặc biệt là các vướng mắc về nguồn vốn, dự án đã bị chậm so với tiến độ đã được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải chốt thời gian vận hành thử nghiệm là tháng 10/2017 và khai thác thương mại trong năm 2018 để giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội.
Thừa nhận về nguồn vốn giải ngân là nguyên nhân chủ yếu làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án, theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt, kể từ đầu tháng 12/2016, công tác giải ngân của khoản vay ưu đãi bên mua 250 triệu USD (khoảng 5.650 tỷ đồng) liên tục gặp vướng mắc do kế hoạch vốn nước ngoài trong năm 2016 cho dự án bị hết, phải chờ kế hoạch vốn của năm 2017.
Trong khi đó, Hiệp định vay bổ sung 250,6 triệu USD cho dự án mặc dù đã được ký kết từ 11/5/2017 nhưng lại chưa thể giải ngân do các bên vẫn chưa thống nhất được ý kiến pháp lý, là điều kiện để khoản vay có hiệu lực.
“Vì vậy, công tác giải ngân cho dự án từ đầu năm đến tháng Chín vừa qua chỉ giải ngân cho xây lắp được khoảng 10 triệu USD (khoảng 226 tỷ đồng). Đến nay, vướng mắc này mới cơ bản được giải quyết,” ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt cho hay.
Bên cạnh đó, năng lực quản lý điều hành của Tổng thầu còn hạn chế khi lực lượng mỏng, thiếu kinh nghiệm dẫn đến công tác thiết kế, thi công, lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán, hoàn công... rất chậm trễ, thiếu khoa học.
Hơn nữa, có tình trạng các nhà thầu phụ thiếu niềm tin vào Tổng thầu do Tổng thầu không giải quyết một cách thấu đáo, hợp lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng thầu phụ dẫn đến không chỉ đạo được các nhà thầu phụ phối hợp thực hiện công tác thi công, lập và hoàn thiện hồ sơ hoàn công.
“Cá biệt, việc thanh toán của Tổng thầu cho các nhà thầu phụ cũng rất chậm trễ dẫn đến các nhà thầu phụ thiếu vốn thi công. Việc lựa chọn ký kết hợp đồng thầu phụ, Tổng thầu thực hiện rất chậm, đến nay vẫn còn một sổ hạng mục Tổng thầu vẫn chưa lựa chọn được nhà thầu phụ thi công,” ông Phương nhấn mạnh.
Để sớm đưa dự án về đích và khai thác, vận hành, Tổng thầu tiến hành lập lại tiến độ thi công các hạng mục còn lại của dự án và đề ra mốc thời gian hoàn thành các hạng mục chính.
Cụ thể, công tác xây dựng nhà ga và đường ray hoàn thành vào tháng 3/2018; trang trí kiến trúc Depot vào tháng 4/2018; hệ thống thiết bị và đào tạo thao tác thiết bị vào tháng 4-5/2018; vận hành chạy thử kỹ thuật kể từ ngày 2/9/2018 (thời gian vận hành chạy thử từ 3-6 tháng) và đủ điều kiện để đưa vào vận hành khai thác thương mại từ tháng 11/2018 (thời điểm khai thác thương mại phụ thuộc vào đơn vị tiếp nhận và quản lý vận hành khai thác).
“Với tiến độ mới được lập thì dự án đà chậm khoảng 11 tháng so với tiến độ hoàn thành đã được Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận,” lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt khẳng định.
Trên cơ sở đó, Ban quản lý dự án đường sắt đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành và đưa dự án vào vận hành chạy thử vào ngày 2/9/2018 với thời gian vận hành chạy thử từ 3-6 tháng.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến quý 1/2018 mới khai thác thương mại.
Video: Hình ảnh lăn bánh đầu tiên của tàu cao tốc Cát Linh - Hà Đông
Bình luận