Đại dịch Covid-19 bắt đầu từ tháng 1/2020, thời điểm sau Tết Nguyên đán. Kể từ đó đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chứng kiến chuỗi ngày giảm sâu của VN-Index. Trong tháng 3, khi đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, chỉ số VN-Index “thấm đòn” với những mất mát rất lớn. VN-Index lần lượt “thủng” mốc 800 điểm rồi đến 700 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch 31/3, VN-Index dừng ở mức 662,53 điểm, giảm 219,66 điểm, tương đương 24,9% so với ngày 28/2. Vốn hóa thị trường sàn TP.HCM “bốc hơi” 708.971 tỷ đồng (khoảng 30,2 tỷ USD).
Trong tháng 3, hàng loạt blue-chips giảm giá sâu. MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động là một trong những mã mất mát nhiều nhất. MWG bị ảnh hưởng khi công ty có nhân viên nhiễm Covid-19. Ngoài ra, MWG phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng trước khi có quyết định cách ly xã hội.
Đóng cửa tháng 3, MWG dừng ở mức 58.900 đồng/CP, giảm 47.600 đồng/CP, tương đương 44,7% so với phiên cuối cùng của tháng 2. Vốn hóa thị trường MWG giảm 21.556 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm sâu trong tháng 3 nói chung và quý 1 nói riêng. Hàng loạt mốc quan trọng bị phá vỡ, vì vậy không ít nhà đầu tư đã nghĩ tới việc bắt đáy. Điều này càng có cơ sở khi trong những phiên đầu tiên của tháng Tư, sắc xanh đã trở lại.
Ngày hôm qua (7/4), VN-Index dừng ở mức 746,69 điểm, tăng 9,94 điểm (1,35%). Toàn sàn có 200 mã tăng, 153 mã giảm và 68 mã đứng giá. Đây là phiên tăng giá thứ năm liên tiếp kể từ đầu tháng 4.
Đà tăng các chỉ số được giữ vững nhờ lực kéo đến từ một số cổ phiếu như VHM tăng trần lên 66.000 đồng/cp, VRE tăng trần lên 22.300 đồng/cp, MWG tăng 6,7%, SAB tăng 3,8%...
Dù diễn biến thị trường đã lạc quan hơn nhưng các công ty chứng khoán vẫn khá dè dặt khi đưa ra lời khuyên với nhà đầu tư.
Công ty chứng khoán MBS nhận định thanh khoản thị trường đã được cải thiện trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, giao dịch khối ngoại diễn biến không mấy tích cực khi tiếp tục bán ròng. Trong kịch bản tích cực, thị trường trong tháng 4 sẽ dao động xung quanh vùng 700 điểm đến 720 điểm. Trong trường hợp thị trường không giữ được ngưỡng hỗ trợ 650 điểm, nhà đầu tư nên chuẩn bị kịch bản xấu.
Trong khi đó, Yuanta Securities Việt Nam (YSVN) đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang có mức định giá thấp nhất trong khu vực. Gần 60% cổ phiếu có mức P/B dưới 1.0 lần. Đồng thời, mức P/E forward của chỉ số VN-Index và VN30 tại ngày 1/4/2020 là 10.0x và 8.1x.
Theo YSVN, đây cũng là mức P/E thấp nhất trong khu vực (thậm chí thấp hơn TTCK Trung Quốc và Hàn Quốc) cho thấy TTCK Việt Nam đang trở nên rất hấp dẫn. Mức P/E Forward hiện tại cũng đã giảm về gần mức thấp nhất trong tháng 2/2009 – Thời điểm đáy của giai đoạn khủng hoảng năm 2008.
Do VN-Index đã giảm quá mạnh nên YSVN tương đối lạc quan khi đánh giá triển vọng của VN-Index trong tháng 4/2020. YSVN dự báo chỉ số VN-Index có thể tăng về vùng giá 778 – 810 điểm trong tháng này.
Dù vậy, YSVN không hoàn toàn đặt niềm tin vào đà tăng của thị trường. Công ty chứng khoán này còn chỉ ra rằng nếu chỉ số VN-Index xuyên thủng vùng 600 – 640 điểm thì xu hướng giảm dài hạn có thể được xác lập.
Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) đánh giá thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục kỹ thuật. Rủi ro giảm điểm trở lại chưa thể loại bỏ. Vì vậy, TVSI khuyến cáo nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi ở thời điểm hiện tại. Vùng hỗ trợ 650 – 685 điểm, vùng kháng cự 740 – 760 điểm.
Bình luận