• Zalo

Tháng 10, giá điện liệu có giảm?

Kinh tếThứ Ba, 11/09/2012 06:45:00 +07:00Google News

(VTC News) – Cục trưởng Cục điều tiết điện lực Đặng Huy Cường cho biết, việc giảm giá điện dựa trên chi phí phát điện thực tế và chi phí phát điện kế hoạch năm.


(VTC News) – Cục trưởng Cục điều tiết điện lực Đặng Huy Cường cho biết, việc giảm giá điện phải dựa trên chi phí phát điện thực tế và chi phí phát điện kế hoạch năm 2012.


Tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 10/9, trước câu hỏi về việc liệu có giảm giá điện không, khi mấy tháng vừa qua, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chủ yếu sử dụng nguồn điện từ thủy điện với chi phí thấp, ông Cường cho hay,  phương án giá thành điện phải tính trên các khâu của cả năm 2012. Do vậy, nếu tính cả năm 2012, phải tính đến cả mùa khô, khi lượng nước cho thủy điện bị thiếu hụt.

Tháng 10, liệu giá điện có giảm?
Theo ông Cường, EVN sẽ tính toán tổng chi phí giá thành phát điện thương phẩm của 1kWh so với kế hoạch đầu năm. Nếu giá thành của mỗi kWh điện thương phẩm tăng hay giảm thì sẽ căn cứ theo quy định để điều chỉnh giá bán lẻ tương ứng.

 
Việc giảm giá điện hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí cho các khâu phân phối, bán lẻ, giá nguyên liệu đầu vào, mùa khô lượng nước cho thủy điện ít,…
Cục trưởng Cục điều tiết điện lực Đặng Huy Cường
Quy định hiện nay cho phép điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần. Lần gần đây nhất là 1/7. Vì vậy, trước ngày 1/10, EVN sẽ phải đưa ra con số tính toán giá thành ở khâu phát điện của 1 kWh điện thương phẩm so với kế hoạch năm 2012 và những năm trước để đề xuất phương án điều chỉnh giá điện cho 2 bộ là Bộ Công thương và Bộ Tài Chính quyết định.


Ngoài ra, theo ông Cường, việc giảm giá điện hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí cho các khâu phân phối, bán lẻ, giá nguyên liệu đầu vào, mùa khô lượng nước cho thủy điện ít,…


“Lượng nước thủy điện nhiều trong tháng 7, tháng 8 chưa phải là lý do điều giảm giá điện. Vì khi vào mùa khô, lượng nước giảm, nguồn phát điện của thủy điện sẽ kém. Phải tính toán trên cơ sở kế hoạch cả năm”, ông Cường nhấn mạnh.

Cũng tại buổi họp báo chiều 10/9, trả lời câu hỏi về việc tăng giá bán than cho điện liệu có làm cho giá điện tiếp tục tăng không? Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục năng lượng không đi thẳng vào vấn đề, mà chỉ cho rằng, việc điều chỉnh giá van than là cần thiết để tái cơ cấu ngành than.

Theo ông Thọ, trong đề án Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, có nhiều cơ sở để đề xuất.

Thứ nhất, giá than bán cho điện hiện thấp hơn giá thành. Thứ hai, điều chỉnh giá than bán cho điện là để thị trường hóa. Nhưng do điều kiện kinh tế trong nước nên chưa thực hiện được.

“Bộ Công Thương đề xuất tăng giá bán than cho điện là để phát triển ngành than, một ngành cần vốn đầu tư rất lớn. Đặc biệt ngành than hiện cần phải vốn đầu tư, và thời gian đầu tư kéo dài 5-7 năm. Điều chỉnh giá bán than cũng là để tái cơ cấu ngành than. Việc điều chỉnh giá than bán cho điện phải phù hợp với giá hiện tại đã được kiểm toán”, ông Thọ nhấn mạnh.

Ông Thọ cũng cho hay, sau năm 2015, nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt than cho điện tăng cao.

Hiện nay do khủng hoảng kinh tế trong nước và thế giới nên các đối tác sử dụng than đều giảm, kể cả Trung Quốc.

Quan điểm là đến năm 2020 đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, chỉ xuất khẩu mặt hàng không dùng. Kế hoạch năm 2012 là xuất khẩu 4,5 triệu tấn. Hiện nay do khối lượng tồn kho của than lớn, nên Bộ Tài chính đang có đề xuất giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10%.

“Giảm thuế xuất khẩu than là do tồn kho lớn và thị trường tiêu thụ kém. Không giải quyết được bài toán xuất khẩu thì cạnh tranh khó và không giải quyết được mặt hàng tồn kho”, ông Thọ nói.

Theo số liệu được Bộ Tài chính cung cấp, trong 7 tháng năm 2012, toàn Tập đoàn Than – khoáng sản (Vinacomin) tiêu thụ được 21,8% triệu tấn (trong nước 14,6 triệu tấn, xuất khẩu 7,2 triệu tấn) bằng 47,9% kế hoạch năm. Tồn kho tính đến ngày 31/7/2012 tồn trên 9 triệu tấn.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn