• Zalo

‘Thần y’ có biệt tài cải tử hoàn sinh, nhưng không thể… xuống núi

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 16/12/2014 11:07:00 +07:00Google News

Ông Ngọc được mệnh danh là thần y, có phép cải tử hoàn sinh, bởi nắm giữ phương thuốc chữa rắn độc, chó dại cắn công hiệu như… người giời.

Ở Lào Cai, ông Nguyễn Văn Ngọc được mệnh danh là thần y, có phép cải tử hoàn sinh. Ông nắm giữ phương thuốc chữa rắn độc, chó dại cắn công hiệu như… người giời.


Trớ trêu là bài thuốc của ông không xuống núi được vì vướng mắc thủ tục mà chủ yếu là những người có chức sắc trong ngành y vẫn chưa tin ông, cho nên chẳng biết đến bao giờ “thần y” Nguyễn Văn Ngọc mới xuất sơn.

Cứu người khi mới… 10 tuổi

Cơ duyên có được bài thuốc bí truyền và con đường trở thành người thầy thuốc trứ danh của ông Nguyễn Văn Ngọc cũng có rất nhiều điều kỳ lạ. Kiểu như số phận đã sắp đặt ông phải làm nghề thuốc cứu người chứ không thể làm nghề khác.

Ông Ngọc sinh năm 1961, quê gốc ở huyện Cẩm Khê - Phú Thọ. Hiện trú tại địa chỉ số 34, đường Thạch Sơn, thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Thân sinh ra ông Ngọc là cụ Nguyễn Văn Chức, năm nay đã ngoài 90 tuổi. Cách nay 50 năm, đây, cụ Chức là bộ đội, từng sang Lào chiến đấu.

Chẳng hiểu duyên may thế nào, trước khi hành quân về Việt Nam, cụ được một phụ nữ người bản địa cho 10 hạt, gọi là hạt “mắc cải lai”, người Lào hay gọi là hạt thần. Hạt to chừng đầu ngón chân cái, hình tròn, có màu đen bóng, nhìn thoáng qua giống như hạt gấc.

Người phụ nữ ấy dặn, hạt này để phòng thân, khi nào đi rừng bị rắn độc hay chó dại cắn thì đắp vào để giữ mạng. Cụ Chức nửa tin nửa ngờ nhưng cảm cái tình của người dân bản địa nên vẫn nhận lấy, để xuống đáy balô rồi lên đường về quê.
Ông Nguyễn Văn Ngọc đã cứu được mấy trăm người nhờ phương thuốc đơn giản mà hiệu quả 
Những hạt mắc cải lai vô cùng quý giá ấy dần bị quên lãng trong chiếc balô cũ như là kỷ vật thời chiến khi cụ Chức để nó mốc meo ở góc nhà. Duy nhất một lần, khi ấy Ngọc 6 tuổi lần giở chiếc balô con cóc cũ của bố ra xem, thấy có mấy hạt lạ ông đem hỏi bố.

Cụ Chức chỉ trả lời qua loa rằng, hạt này để chữa rắn độc và chó dại cắn, công hiệu thế nào cũng chẳng biết, bản thân cụ Chức cũng không có ý định dùng hạt này để cứu người vì công hiệu chưa được kiểm nghiệm, nhỡ hạt đậu không chữa được bệnh, để kéo dài thời gian lỡ làm chết người thì khổ.

Cụ chức và cả cậu bé Ngọc kia cũng không ngờ được rằng, chính những hạt mắc cải lai kỳ lạ đó đã mở đầu một câu chuyện dài về người thần y trứ danh miền đất biên ải.

Chuyện đầu tiên là về cậu bé 10 tuổi cứu sống một mạng người và được trả công một con trâu đực.

Năm ấy, Hạ Hòa bị trận lụt lớn, khi nước rút đi, trong đám cỏ lau ven sông xuất hiện rất nhiều rắn độc, làng trên xóm dưới nhiều người đã mất mạng vì rắn cắn. Một buổi sáng, anh Ngô Văn Hòa, khi ấy chừng 40 tuổi trong khi đi phát quang bờ bụi đã bị một con hổ mang bành mổ vào bắp chân.

Anh Hòa hực lên một tiếng rồi ngã lăn ra đất, giãy đành đạch. Những người có kinh nghiệm nhìn vết cắn hình móc câu và cả bắp chân đã thâm đen lại thì lắc đầu quầy quậy và bảo rằng, dính nọc độc của loài này thì chỉ trong vòng 30 phút anh Hòa chết là cái chắc. Đường sá xa xôi, đưa lên đến bệnh viện đương nhiên là không kịp.

Cậu bé Ngọc cũng đứng ở đó chứng kiến cảnh anh Hòa nằm thoi thóp. Trong giây phút sinh tử ấy, cậu bé chợt nghĩ đến những hạt mắc cải lai chưa bao giờ được sử dụng. Ngọc lập tức trèo rào về nhà, lấy ra một hạt và vội vã dùng dao bổ hạt làm đôi.

Cậu bé cũng không biết cách thức sử dụng hạt này như thế nào, đành nghĩ ra cách thông dụng nhất: đắp hạt này vào vết rắn cắn. Mọi người định can ngăn nhưng rồi lại nghĩ, biết đâu thằng bé này có phép thần thông.
Hạt mắc cải lai có hoa văn và đen bóng 
Khi Ngọc đặt hạt lạ ấy vào, vết thương hút hạt như nam châm hút sắt. Khoảng 30 phút sau, khi hạt đã no máu độc thì tự động nhả lăn ra, như con đỉa trâu hút máu người. Qua hai lượt hút độc như thế, vết thương của anh Hòa xẹp dần, anh Hòa đã nằm yên, không còn rên rỉ nữa.

Sau 2 ngày, qua mấy lần đắp hạt nữa thì anh Hòa khỏi hẳn. Người trong làng tròn mắt kinh ngạc, còn anh Hòa thì cứ quỳ xuống tế sống cậu bé Ngọc. Và để trả ơn cậu bé đã dũng cảm cứu sống mình, anh Hòa nhất quyết tặng cho Ngọc một con trâu đực đang thời kỳ tráng kiện. Thế nhưng, anh Hòa nói thế nào cụ Chức vẫn không cho con nhận món quà bằng cả gia tài ấy.

Đó là lần đầu tiên thần y Nguyễn Văn Ngọc chữa bệnh cứu người, để rồi như là định mệnh, cả cuộc đời ông gắn chặt với bài thuốc này và đã cứu sống không biết bao nhiêu người.

8 năm sau, năm 1978, Ngọc lên đường nhập ngũ và đóng quân ở Yên Bái. Trước khi lên đường, mẹ ông chia đều 6 hạt mắc cải lai còn lại cho 3 anh em, mỗi người 2 hạt để phòng thân.

Một buổi chiều, đang ngồi uống nước chè ở cổng doanh trại thì gặp 3 ông cháu lếch thếch trên xe đò bước xuống. Ông lão người gầy nhom, quần áo rách rưới và gần như đã kiệt sức. Trên tay ông là đứa cháu chừng 5 tuổi, mặt đã xám ngoét, đứa còn lại chừng 7 tuổi mặt mũi phừng phừng, mắt đỏ dại bám chặt lấy ông vẻ sợ hãi.

Ông cụ mếu máo kể: “Nhà tôi có con mèo cái. Một tuần trước nó đỏ mũi, mắt vằn lên đuổi cắn cả ba ông cháu rồi sùi bọt mép lăn ra chết. Cháu bé có biểu hiện bị dại, luôn sợ gió, sợ nước, đòi ăn cá sống. Ba ông cháu tôi dắt nhau xuống Bạch Mai nhưng bệnh viện trả về vì không thể chữa trị được. Ba ông cháu đành về chờ chết”. Nói rồi ông lão khóc rống lên.

Ngọc chợt nghĩ ngay đến hạt mắc cải lai thần diệu của mình. Cậu thầm nghĩ: “Hạt ấy chữa được rắn cắn, cũng là một dạng máu trúng chất kịch độc. Biết đâu nó chữa được cả mèo dại cắn. Cứ thử xem, có khi lại cứu được ông cháu họ chăng”. Nghĩ là làm, anh ba chân bốn cẳng chạy về doanh trại lấy hai hạt ấy ra.

Cho đến tận bây giờ ngồi kể lại chuyện này, ông Ngọc vẫn còn hồi hộp: “Hồi đó thương ba ông cháu quá nên làm liều vậy chứ vừa đặt thuốc tôi vừa run, sợ không có tác dụng mà ông cháu họ chết đi thì tôi mang tội. Đơn vị mà biết, chắc mình cũng bị kỷ luật luôn”.

Suốt nửa tháng trời cứ chiều chiều anh lính trẻ tót khỏi doanh trại mang hạt đậu đến nhà bệnh nhân. Anh chia nhỏ hai hạt mắc cải lai ra rồi theo ca cữ mà đặt vào vết mèo cắn. Như có phép màu, mấy ông cháu dần bớt bệnh. Đến một ngày chứng kiến cảnh hai cậu bé dội nước tắm ào ào, Ngọc mới thở phào nhẹ nhõm. Cả ba ông cháu coi anh lính trẻ như đại ân nhân.

Cứu được 3 ông cháu, nhưng hạt thuốc thì đã hết sạch, Ngọc đành giữ lại những mẩu thuốc ấy đem về nhà tự nghiên cứu.
Phóng viên đang trò chuyện với ông Nguyễn Văn Ngọc 
Đương nhiên, Nguyễn Văn Ngọc chưa từng học qua trường lớp về y học nào, công dụng và lai lịch của hạt mắc cải lai với anh thời điểm ấy là hoàn toàn bí mật. Ngọc tranh thủ lên thư viện và tìm đến nhiều danh y trong vùng để hỏi về hạt này nhưng tịnh không có một thông tin gì.

Đi đâu, gặp ai anh cũng đem hạt ấy ra hỏi, nghe bất cứ thông tin gì về cách thức chữa bệnh rắn độc, chó dại cắn thì dù xa xôi đến mấy anh cũng tìm đến hỏi cho bằng được. Mãi về sau, anh được một bà mế người dân tộc Tày ở tỉnh Bắc Kạn nói cho một thông tin quan trọng rằng, hạt mắc cải lai thường gọi là hạt đậu Lào. Điều may mắn nhất là giống cây này có sống ở Việt Nam, thường hợp thổ nhưỡng ở những vùng núi Tây Bắc.

Ông Ngọc cũng không nhớ được rằng, mình đã mất bao nhiêu năm băng rừng vượt suối để truy tìm vết tích về hạt đậu Lào huyền bí. Bốn hạt đậu Lào từ hai người anh em của ông thì đều do bất cẩn nên đã mất hết. Thông tin rất ít ỏi, chủ yếu là tìm kiếm qua mô tả hình dáng bên ngoài nên rất khó khăn. Sau nhiều năm, may mắn đã mỉm cười với ông. Ở vùng Điện Biên có giống cây này.

Cách nào nhân rộng bài thuốc?

Ông Nguyễn Văn Ngọc đã cứu mạng không biết bao nhiêu người ở khắp vùng núi Tây Bắc. Điều đặc biệt là, ông tuyệt nhiên không lấy tiền công của bất cứ ai. Người ta biếu đôi gà, vài cân gạo nếp nương thì ông nhận chứ ông nhất định không lấy tiền.

Thế nhưng, dù vậy nhiều người vẫn nghi ngờ khả năng chữa bệnh của ông, cho rằng ông là “lang băm”, chữa bệnh chỉ nhờ ăn may.

Năm 2007, có anh Thào A Chí, người dân tộc Tày ở bản Cát Cát, Sa Pa đi hái thảo quả bị rắn cạp nong mổ vào bắp chân. Chẳng biết nghe ai hướng dẫn từ trước, anh Chí cứ thế bóp chân rồi cho lên miệng… hút máu mình để nhổ ra. Qua được vài lần hút, anh Chí quay đơ ra, nằm ngất lịm bên bìa rừng. May mắn thay, người đi rừng trông thấy liền cõng anh Chí chạy một mạch về nhà ông Ngọc. Về đến nơi, mất gần 2 tiếng đồng hồ, anh Chí chỉ còn thoi thóp thở, cái chết đã cận kề.

Ông Ngọc lập tức làm động tác sơ cứu và lấy hạt đậu ra đắp. Đây là ca bệnh nặng, thời gian tiếp xúc với thuốc là rất chậm nên mạng sống của Chí rất mong manh. Ông Ngọc phải chích rất nhiều vết trên cơ thể anh Chí để đắp hạt đậu. Qua một ngày, Chí đã tỉnh lại nhưng bụng anh ta lại chướng lên. Thì ra, chất độc trong nọc rắn đã xộc thẳng vào phổi, làm anh bị bí tiểu, nếu không thông tiểu thì có nguy cơ bị vỡ bàng quang.

Để cứu Chí, không còn cách nào khác, ông Ngọc đành phải chở Chí ra Bệnh viện Sa Pa. Buổi tối, khi ông Ngọc về nhà, mấy người bác sĩ đã tự ý gỡ hết hạt đậu lào trên người bệnh nhân ra và cho rằng, “để như thế vướng víu, chẳng được tác dụng gì, bệnh nhân này trước sau cũng chết, sức đã yếu lắm rồi”.

Nghe người nhà điện báo, ông Ngọc vội vàng phi ngay đến bệnh viện. Các bác sĩ ngăn cấm không cho ông đắp thuốc mặc lời cảnh báo của ông rằng: Nếu cứ để như thế, chỉ 2 tiếng nữa thôi là anh ta chết. Các bác sĩ không nghe, ông Ngọc phải nói cứng rằng: “Để người nhà đưa anh ta về nhà tôi, anh ta mà chết, tôi chịu trách nhiệm, để ở bệnh viện mà chết thì các anh phải chịu trách nhiệm”. Đến lúc đó, các bác sĩ mới cho người nhà anh Chí cáng về nhà ông Ngọc và được ông cứu sống.

Với mong muốn nhân rộng bài thuốc của mình để cứu được nhiều người hơn, ông Ngọc đã làm đề án trình bày kỹ lưỡng về bài thuốc của mình và gửi Sở Y tế Lào Cai, Bộ Y tế nhưng những cơ quan này đều khẳng định bài thuốc này… không có tác dụng chữa bệnh. Điều làm ông Ngọc buồn nản là những cơ quan chuyên môn chưa hề xem thực tế bài thuốc của ông đã vội vàng kết luận.

Để tìm hiểu cặn kẽ, khách quan về loại biệt dược này, chúng tôi đành phải tìm gặp ông Thân Đức Tài, Viện trưởng Viện Y học cổ truyền Việt Nam tại Liên bang Nga. Vừa may ông Tài đang có mặt ở Việt Nam và ông Tài cũng là người đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu về bài thuốc này.

Ông Tài khẳng định: “Tôi biết thông tin về anh Ngọc cách đây khoảng 10 năm qua lời giới thiệu của một người bạn. Nhân đợt công tác cuối năm 2011, tôi lên thăm anh Ngọc để trao đổi, xác minh thông tin. Bản thân tôi là một người làm đông y, trong suốt những năm làm việc tại Nga, tôi thấy mặc dù nhiều nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển nhưng họ vẫn khó khăn trong điều trị những loại bệnh của thế giới hiện đại, đặc biệt là những phương pháp điều trị giải độc, rất tốn kém.

Điều trớ trêu là hai nền y học hiện đại và y học cổ truyền - y học dân gian chưa có sự phối hợp nhịp nhàng để khai thác những bài thuốc, những cây thuốc cổ truyền quý. Từ đó, chúng tôi mong muốn nghiên cứu, khôi phục những vốn y học cổ truyền của cha ông”.

Theo ông Tài, thành tích cứu chữa mấy trăm người của anh Ngọc không kém gì một khoa chống độc của bệnh viện cấp tỉnh, trong khi rất tiện lợi cho người bệnh mà lại không tốn kém.

Trong khi Bộ Y tế đã đưa ra kết luận: Tuyệt đối không chữa bệnh dại bằng thuốc nam thì ông Ngọc vẫn cặm cụi cứu người một các hiệu quả bằng chính bài thuốc bị cấm của mình. Nêu ra điều ấy để thấy rằng, vì sao chúng ta không xem xét lại, nghiên cứu nghiêm túc hơn về bài thuốc của ông Ngọc nói riêng và những bí ẩn của thuốc nam nói chung.

Tôi giật mình khi ông Tài nói rằng, ông mong muốn được phối hợp với ông Ngọc để mang bài thuốc sang Nga nghiên cứu, từng bước tiêu chuẩn hóa, hệ thống hóa, xác định tên khoa học của cây này, hoạt chất của nó thế nào, tác động đến đâu, phân ra từng tầng, từng giai đoạn về lâm sàng... làm cơ sở cho các bước tiếp theo.

Mong sao ngành y tế nước ta nghiêm túc nghiên cứu, ứng dụng và ghi nhận hiệu quả của loại thuốc nam này.
Ông Nguyễn Lê Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội Y học - Châm cứu cổ truyền Sa Pa: “Tôi là người gốc Sa Pa, sinh ra và lớn lên ở Sa Pa, sau khi đi bộ đội hoàn thành nghĩa vụ, xuất ngũ tôi trở về quyê hương. Từ lâu, tôi đã biết tiếng anh Ngọc không chỉ chuyên chữa rắn cắn mà còn chữa nhiều bệnh khác bằng các bài thuốc đông y, nhưng mãi cho đến nay tôi mới được thấy người thực, việc thực.

Với trách nhiệm của mình, tôi đề nghị anh Ngọc khẩn trương hoàn thiện thủ tục để đề nghị kết nạp vào Hội. Tôi nhất trí với việc để anh Ngọc thành lập điểm chữa bệnh. Thuận lợi là Sở Y tế Lào Cai, Hội Đông y Lào Cai và Trung ương đang yêu cầu tại Sa Pa này có một cơ sở chữa bệnh tư nhân cho đồng bào các dân tộc và cách đây gần nửa năm, tôi đã nhận vấn đề này.

Tôi nghĩ rằng, việc anh Ngọc và một số bà con cũng chữa bệnh cho dân là điều rất quý giá, bởi họ đã dám làm việc ấy mà không phải vì mục đích kiếm tiền”.


TheoVũ Minh Tiến (Năng lượng mới)
Bình luận
vtcnews.vn