Những năm 1930-1940, Sài Gòn và Nam kỳ lục tỉnh nổi lên trào lưu học võ, tỷ thí bằng các trận đấu lôi đài. Người học võ rất được trọng vọng nên nhiều trai tráng chọn theo con đường này.
Các cao thủ quyền anh từ Pháp, Miên, Ấn Độ, Thái Lan… cũng sang thi đấu. Nhờ thể trạng cao lớn, chuyên nghiệp, nên họ hạ gục nhiều võ sĩ Việt, nhanh chóng thống trị các võ đài.
Trong trận đấu tại Cần Thơ được tổ chức cho võ sĩ người Pháp gốc Ấn Độ thi triển tài năng, Sáu Cường đứng ra thách đấu.
Võ sĩ người Pháp sử dụng quyền anh kết hợp võ Ấn, từng thắng 10 trận khi thượng đài ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng khi đối mặt Sáu Cường, anh này bị hạ knock out ngay trong hiệp 2 bởi cú song phi.
3 tháng sau đó, Sáu Cường tiếp tục thượng đài với võ sĩ người Thái tên Anthuong Chay ở Sài Gòn. Đây là võ sĩ từng thi đấu nhiều nước ở châu Âu, thắng đến 30 trận, chưa nếm mùi thất bại. Anh ta đánh một thứ võ gọi là Muay Thái lợi hại nhưng vẫn đo ván trước Sáu Cường.
Thời điểm đó, Sáu Cường trở thành một huyền thoại của làng võ Sài Gòn và Nam kỳ lục tỉnh với thành tích bất bại. Ông được mệnh danh là "thần cước" với những cú đòn chân liên hoàn dũng mãnh. Các lão làng võ thuật cho rằng Sáu Cường có thế mạnh ở những cú đá do trời phú cho ông 2 bàn chân to lớn dị thường.
Trong hồi ký Từ U Minh đến Cần Thơ, nhà văn Sơn Nam bày tỏ lòng ngưỡng mộ với võ sĩ Sáu Cường nức danh thời ấy. Trên đường chu du của mình, ông đã trực tiếp chứng kiến cuộc đấu võ đài của Sáu Cường và võ sĩ quyền anh da màu có tên Kid Chocolat.
Trận đó, võ sĩ ngoại quốc tìm cách áp sát, tung những đòn móc quai hàm lợi hại nhưng bị Sáu Cường dùng ngón đá nghìn cân, phòng thủ từ xa. Chocolat trúng cước té lăn cù nhưng ngồi dậy nhanh chóng, xốc tới đánh móc. Cuối cùng Sáu Cường được trọng tài xử thắng điểm, ông liền đi một đường quyền đẹp mắt để cảm tạ.
"Cường cao ráo, tay chân khá dài, thỉnh thoảng nhảy cao như con chim đại bàng. Xem ông đấu, tôi và bao khán giả khác lấy làm hãnh diện cho dân tộc", nhà văn Sơn Nam miêu tả.
Danh tiếng của thần cước càng nổi sau khi đánh bại tay đấm Hồng Sơn bảo vệ hãng xà bông thuần Việt của Trương Văn Bền. Sau trận này, "thần cước" Sáu Cường nhanh chóng quy tụ hàng trăm đàn em, bảo kê một vùng rộng lớn các bến xe, rạp hát, sòng bạc...
Video: Trận đấu Thái cực quyền khuynh đảo Macau hơn 60 năm trước
Một trong lãnh địa kiếm cơm lý tưởng nhất lúc bấy giờ là bến xe An Đông (khu vực đường Lê Hồng Phong, quận 10). Nhờ đòn liên hoàn cước không ai đỡ nổi, Sáu Cường sau khi thách đấu giành thắng lợi chiếm quyền bảo kê bến xe. Ông sau đó cùng đàn em dần thâu tóm nhiều điểm làm ăn béo bở khác.
Sau nhiều biến động xã hội, tuổi cũng lớn, Sáu Cường về Trà Vinh sinh sống. Ông cũng vài lần nhận lời thách đấu từ các võ sĩ trong nước và giành thắng lợi dù sức khỏe đã giảm sút. Trong lần thượng đài cuối cùng, ông thua võ sĩ đến từ Hà Nội rồi giải nghệ.
Sau năm 1945, Sáu Cường tham gia cách mạng, trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền Pháp. Do có uy tín, được nhiều người kính trọng nên chính quyền rất sợ ảnh hưởng của ông tác động đến phong trào chống đối lúc bấy giờ.
Pháp nhiều lần tổ chức lực lượng vây bắt nhưng Sáu Cường với thân thủ của mình đều thoát được. Đến lần bị mật thám chỉ điểm, ông không thoát nổi vòng vây nên bị bắt giữ. Sáu Cường bị Pháp tử hình tại Trà Vinh sau vài tháng biệt giam.
Bình luận