• Zalo

Thăm Trung Quốc, ngoại trưởng Australia nói việc đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm

Thế giớiThứ Sáu, 19/02/2016 02:35:00 +07:00Google News

Trong chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã thẳng thắn nêu vấn đề Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông với nước chủ nhà.

Trong chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã thẳng thắn nêu vấn đề Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông với nước chủ nhà.

Theo Reuters, bà Bishop đã nêu ra vấn đề quân sự hóa Biển Đông trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh ngày hôm qua.

“Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói ở Washington hồi năm ngoái rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo ở Biển Đông và tôi từng nghe được điều đó thêm lần nữa.

Nay trước tuyên bố Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không ra đảo, chúng tôi đã nêu vấn đề và thảo luận về điều đó” - bà Bishop nói với báo giới sau cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop (trái) hội đàm với ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Bắc Kinh
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop (trái) hội đàm với ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Bắc Kinh 
Tuyên bố lập lờ

Khi được hỏi Trung Quốc có bác bỏ sự hiện diện của các giàn tên lửa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hay không, bà Bishop đáp nhanh: “Không, họ không bác bỏ điều đó nhưng cũng không thừa nhận tên lửa hiện diện ở đó. Vấn đề về các tên lửa đất đối không đang gây tranh cãi. Vì vậy, trong khi chúng ta chưa có một bức tranh rõ ràng về vấn đề này thì quan ngại là điều tất yếu”.

Theo Reuters, chính quyền Bắc Kinh đưa ra rất ít thông tin để làm rõ sự tố cáo việc nước này đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm trái phép, thậm chí chính miệng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn cáo buộc truyền thông phương Tây “dựng chuyện”.

Bản thân người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 18/2 cũng lập lờ về chuyện này, không xác nhận cũng không bác bỏ chuyện có tên lửa trên đảo Phú Lâm hay không.

Trong khi đó, AFP dẫn nguồn truyền thông Trung Quốc hôm 18/2 nói Bắc Kinh xác nhận rằng họ có vũ khí trên đảo Phú Lâm từ rất lâu. Tuy nhiên, không có thông tin cụ thể về loại vũ khí nào được triển khai trên đảo này.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 17/2 lên tiếng chỉ trích rằng có các bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tăng cường quân sự hóa trên Biển Đông bằng cách này hay cách khác.

AFP cũng cho hay một quan chức Mỹ đã xác nhận việc Trung Quốc đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm sau bản tin của Fox News trước đó. Quan chức giấu tên này nói: “Chúng tôi tin rằng những bức ảnh được đưa ra là chính xác và Trung Quốc đã điều tên lửa SAM ra đảo Phú Lâm”.

Quan chức này nhận định loại tên lửa có thể là HQ-9, có tầm bắn khoảng 200km. Các chuyên gia nói những tên lửa này được dùng để nhắm vào máy bay của đối phương. Giới phân tích nhận định việc triển khai tên lửa này có thể là âm mưu ngăn cản sự tự do đi lại ở Biển Đông.

“Đây là luật pháp 
quốc tế”

Trong khi đó, thế giới tiếp tục lên tiếng phản đối hành vi quân sự hóa đảo tranh chấp của Trung Quốc. Ngày 17/2 (giờ Mỹ), Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc cần tôn trọng một phán quyết của tòa án quốc tế dự kiến sẽ được tuyên trong năm nay về tranh chấp trên biển với Philippines.

Theo Reuters, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần hết Biển Đông và còn bác bỏ thẩm quyền của Tòa án trọng tài thường trực ở The Hague phân xử tranh chấp, ngay cả khi Bắc Kinh đã phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà vụ tranh chấp đang dựa vào để phân xử.

Phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách Nam và Đông Nam Á Amy Searight nói Mỹ, EU và các đồng minh như Australia, Nhật và Hàn Quốc phải sẵn sàng để làm rõ rằng phán quyết của tòa phải mang tính ràng buộc và Trung Quốc sẽ trả giá nếu không tôn trọng phán quyết trong trường hợp thua kiện.

Phát biểu tại cuộc hội thảo ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington hôm 17/2, bà Searight nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải sẵn sàng để nhiệt tình, đồng thuận và ủng hộ Philippines cùng các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để nói rằng đây là luật pháp quốc tế, đây là điều vô cùng quan trọng và nó ràng buộc tất cả các bên”.

Bà Searight nói thông điệp gửi đến Trung Quốc là nếu họ không tôn trọng phán quyết bất lợi cho họ thì “chúng ta sẽ buộc họ chịu trách nhiệm”.

Trong một bình luận thẳng thắn, ông Klaus Botzet - quan chức EU ở Washington - nhấn mạnh chính sách tăng cường quân sự của Trung Quốc sẽ không có lợi cho nước này.

“Họ đầu tư quá nhiều vào quân sự so với tăng trưởng kinh tế. Họ đang buộc các nước láng giềng liên kết lại với nhau để chống lại Trung Quốc. Quan điểm này sẽ không được các nước láng giềng thừa nhận và sự phản ứng đối với chính sách này là tiêu cực” - ông nói.

Ông cho rằng Mỹ có tiềm lực quân sự mạnh mẽ ở châu Á - Thái Bình Dương và EU ủng hộ việc Mỹ đảm bảo luật pháp quốc tế ở châu Á.

Nguồn: Tuổi trẻ
Bình luận
vtcnews.vn