Cách chừng 6-7km mới đến nhà “Cậu” nhưng hỏi đường đến đó thì ngay cả đứa trẻ con cũng chỉ vanh vách bằng câu chỉ đường quen thuộc: “Cứ đi qua cánh đồng, rẽ trái đến khu chợ, nhìn thấy nhà nào to nhất, đẹp nhất thì là nhà cậu Liên”.
Nhờ có “cậu” mà các dịch vụ liên quan phát triển rầm rộ. Dọc đường vào nhà “cậu”, không khó để nhận ra những dòng chữ “cho nghỉ trưa”, “cho thuê nhà trọ” rải rác trong các con ngõ nhỏ. Không những thế, hàng quán bán đồ lễ cúng, dịch vụ trông xe, bán nước giải khát cũng mọc lên như nấm.
“Đại bản doanh” nguy nga nhất làng
Đúng như lời người dân, “Đại bản doanh” của “cậu” là 3 ngôi nhà nguy nga được xây theo lối “Đông - Tây kết hợp”, tọa lạc ngay giữa thôn Mỹ Xá. Nhà “cậu” được chia thành rất nhiều khu, trong đó phần Hội trường dùng để hành nghề và cho khách ngồi đợi, có diện tích rộng nhất (chừng 50m2). Hai ngôi nhà còn lại là nơi nghỉ ngơi của “cậu” và những người trong gia đình. Hai ngôi nhà này luôn trong tình trạng cửa đóng then cài.
Trước cổng nhà “cậu” là một “bản nội quy” ghi rõ ràng: “Những điều nhân dân cần nhớ: Nhân dân vào công đường: sáng 7h-7h30, chiều 1h-1h30; Vào lễ không đốt hương, không đi vệ sinh trong nhà cậu…”.
Dù mới 8 giờ sáng mà tại gian làm việc của “cậu”, người dân đã ngồi kín cả bên trong lẫn bên ngoài dãy nhà. Người dân muốn vào “diện kiến” “cậu” phải để giày dép từ ngoài … cổng, đi chân trần qua khoảng sân rộng chừng 10 mét để vào nhà.
Một góc "Đại bản doanh" của cậu Liên |
Chính giữa nơi làm việc của cậu có một ban thờ, trên đó thờ ảnh … bác Hồ và để mọi người đặt… lễ lên đó. Trong “hội trường”, “cậu” kê một chiếc bàn gỗ, trên đó là chiếc điện thoại để bàn, 1 chiếc đài cát-sét để ghi âm những cuộc “cậu” chỉ đạo tìm mộ, một tập giấy mọi người đã đăng ký tên, đến tên ai thì cậu gọi, người đó sẽ ngồi lên chiếc “ghế nóng” đối diện cậu để cậu “hỏi han, chỉ bảo”.
Theo quan sát của PV, “Tọa” trên bộ bàn ghế làm việc bề thế là “cậu”- một người có hình dáng nhỏ bé, khuôn mặt trẻ hơn so với tuổi thực (cậu liên sinh năm 1963), giọng nói thé thé nghe rất “bà đồng”. Trong khi những người đến “nhờ cậu” thì “nóng lòng nóng ruột” muốn nhanh được nghe “lời vàng ý ngọc” của “cậu” thì cậu lại vô cùng ung dung.
Ngày nào nhà “cậu” cũng chật ních người chờ đợi (khoảng 100-200 người- PV). Thậm chí: “Không có ai mới đến mà gặp được cậu ngay đâu, còn phải thành tâm ngồi “tu”, người đi chữa bệnh thì vài tuần, người đi tìm mộ thì vài tháng may ra mới được cậu “chỉ điểm”. Như tôi, đến “trả nợ” mà đợi 2 tuần cũng đã được “cậu” gọi đâu. ¬Vậy nên anh chị cứ xác định tư tưởng đi”, một người dân cho biết.
Một đêm “tu hành” bên nhà Cậu
Để tận mắt chứng kiến cuôc sống “tu hành” của những người tới đây, chúng tôi quyết định ở lại một đêm để tìm hiểu điều kiện sinh hoạt, ăn ở của mọi người trong những ngày tháng phải “ăn đợi nằm chờ” để được gặp cậu.
Lân la tìm hỏi những nhà cho thuê phòng trọ, nhà nào nhà nấy đều kín phòng thuê theo tháng, chỉ còn phòng trọ theo ngày nhưng phải ở chung. Với giá 10.000 đồng/người mỗi tối, chúng tôi thuê được một phòng trọ ngay gần nhà cậu Liên.
Theo lời giới thiệu của cô chủ nhà, phòng rộng rãi với 4 giường, mỗi người sẽ được ngủ một giường, có đầy đủ chăn màn. Nhưng khi nhận phòng chúng tôi lại phải ngủ ghép với những người tới trước. Cô chủ nhà trọ giải thích: “Vì dạo này khách thuê đông nên không đủ chỗ ngủ, giời mùa đông thế này ngủ 2 càng ấm các em ạ. Có những lúc khách đông quá chị còn phải xếp 3 người một giường ý chứ, 2 người ăn thua gì”.
Những dãy phòng trọ tạm bợ thường rất đông khách xung quanh "Đại bản doanh" của cậu Liên |
Sau một hồi nhăn mặt, chúng tôi cũng phải ngoan ngoãn chấp nhận sự sắp xếp từ chị chủ phòng trọ. Quanh căn phòng rộng chưa đầy 15m2, không có bất kỳ đồ vật gì ngoài 4 chiếc giường được kê tạm bợ. Đồ đoàn của ai cũng phải đặt hết lên giường tự bảo quản. Chiếc giường nhỏ rộng chưa đầy 2m nhưng phải san sẻ một nửa cho anh bạn cùng giường.
Mọi sinh hoạt, từ thay quần áo, sắp xếp đồ đạc,ăn, uống, ngủ, nghỉ… phải gói gọn trong 80cm chiếc giường chật chội. Có lẽ điều an ủi duy nhất là xung quanh ai nấy cũng phải chịu đựng cảm giác khó chịu này.
7 con người ở trong một căn phòng ngột ngạt, họ bàn tán xôn xao về chủ đề cậu Liên. Rằng người này đến gặp cậu chưa ‘tu’ đủ ngày, người kia được cậu giải vong, chú này tìm được mộ anh trai, cô kia chưa tìm được mộ… Các câu chuyện cứ thế được nói lên với những lời ca tụng, tán dương không ngớt về khả năng của cậu. Chẳng một ai mảy may hoài nghi, do dự về cậu Liên ở bất kỳ điều gì.
Câu chuyện chỉ kết thúc khi cô chủ nhà gọi mọi người đi ăn cơm. Ở đây, chủ nhà kiêm luôn cả dịch vụ ăn uống, 20.000 đồng một suất ăn, với một mâm cơm 6 người, trung bình mỗi bữa chị chủ quán cũng phải nấu 4 mâm để phục vụ khách. Chị cho biết, vào những dịp như thanh minh, đầu xuân năm mới, khách tới xem Cậu nhiều, nhà chị làm 15 mâm còn thiếu.
Trong bữa cơm, chủ đề câu Liên lại được mang ra bàn tán rôm rả, lần này tới lượt cô chủ phòng trọ ba hoa về những chiến tích của cậu. Cô dành cho cậu Liên những mĩ từ như “Phật sống”, “cậu Giời”… Mấy chục con người chăm chú ngôi nghe như muốn nuốt lấy từng lời của chị chủ nhà trọ.
Khó nhọc đút những thìa cơm cho đứa cháu trai dị tật, một cụ bà phúc hậu trạc tuổi 80 tâm sự: “Tôi mang cháu lên cửa Cậu nhờ vả đã hơn 1 tháng nay, cháu nó bị dị tật bẩm sinh, chạy chữa tứ phương không khỏi. 18 tuổi đầu mà cứ đờ đẫn, chân tay khòng khèo. Có đứa cháu nối dõi thì lại như vậy cả họ tôi không đành lòng. Đưa cháu lên đây thì mới biết rằng nó bị vong ám. May nhờ có Cậu thương tình cứu giúp, ngày ngày cứ tu tâm ở đây trừ vong, Cậu lại đưa thêm thuốc lá sắc uống. Cậu nói cứ tu hành và uống thuốc đều đặn thì hơn 1 năm sau thằng bé sẽ khỏi bệnh”.
Căn phòng trọ tồi tàn nơi hai bà cháu "tu hành" chờ cậu Liên trị bệnh |
Cụ tin rằng những dị tật của đứa cháu là do có vong ám, phải làm theo cách của Cậu thì bệnh mới khỏi. Cụ thuê một phòng trọ riêng cho hai bà cháu, hằng ngày cứ 6 giờ sáng lên trình cậu rồi ngồi ở đấy đến chiều, cách tu hành đặc biệt này được cậu áp dụng cho nhiều người bệnh hiểm nghèo khác nữa. Đặc biệt, bệnh nào dù nguy cấp tới đâu cũng chỉ cần một loại thuốc lá, người ta gọi đó là “thuốc tiên” chữa bách bệnh là có thể khỏi.
Có trường hợp cả dòng họ phải tu hành để cậu trừ tà. Chị Mai quê Bắc Ninh cho biết: “Tôi và bà nội đã ở đây hơn 4 tháng rồi. Chúng tôi phải trừ nợ cho ông bà, tổ tiên. Cậu phán rằng dòng họ Ngô đời trước có tội với dân làng, với đất nước. Nên xuống cõi âm người ta hành hạ, bắt tội cả con cháu trên này, phải trừ nợ cho tổ tiên đời trước không thì đại họa”.
Thế là ngày ngày, ngoài hai bà cháu phải luôn túc trực tại nhà cậu, cứ mỗi buổi chiều cả họ Ngô mười mấy con người lại phải thuê xe từ Bắc Ninh lên nhà cậu áp vong “trừ nợ”. Đã hơn 4 tháng ròng rã, tốn kém tiền của, công sức là vậy nhưng chị Mai nói phải hơn 1 năm nữa mới trả được hết nợ cho các cụ. Vì đâu phải ngày nào cũng áp được vong. Những lúc như vậy câu Liên thường viện ra lý do các cụ sợ không dám về hoặc người nhà không thành tâm rồi đuổi mọi người về.
Còn rất nhiều trường hợp phải bám trụ nhờ vả cậu Liên, người thì tìm mộ liệt sĩ, người tìm anh em thất lac, chữa bệnh nan y… Mấy trăm con người sẵn sàng rời bỏ nhà cửa chấp nhận cuộc sống tạm bợ, họ đã phải đánh đổi gia đình, thời gian, tiền bạc chỉ để tin vào những chiêu trò phù phiếm của cậu Liên.
“Sao mày ngu thế, nói đến thế rồi mà vẫn không hiểu gì à”- Buổi “tìm mộ liệt sĩ” của Thầy Liên chỉ diễn ra trong vòng 3 tiếng buổi sáng, nhưng 2/3 số thời gian đó là dành để trả lời những cuộc điện thoại, những tiếng “mày”, “tao”, “chửi rủa” liên tục được thầy phát ra…
“Tu” cả năm cũng chưa có duyên gặp “cậu”
Ngày thứ 2 nhóm PV “sám hối” ở nhà “Cậu Liên” là một ngày trời mưa lạnh, mặc cho cái lạnh cắt da ngoài trời, hàng trăm người vẫn có mặt ở nhà “Cậu”, chỗ ngồi trong nhà không đủ, nhiều người phải ngồi ngoài hiên. Mưa tạt cả vào người, các cụ già và trẻ em run lên bần bật vì rét.
Gian làm việc của “cậu” được chia làm 2 góc, gần “cậu” nhất là nơi dành cho những người đến “trả nợ âm”, tìm mộ, tìm người mất tích,… Góc phía dưới là dành cho những gia đình đến “áp vong”.
Tại gian dành cho gia đình đến áp vong, thỉnh thoảng lạ có tiếng khóc, tiếng nấc rất to, tiếng lầm rầm khấn vái. Trong những người này có một cô gái trẻ, khuôn mặt đờ đẫn, thỉnh thoảng lại “rú” lên 1 tiếng lạnh người.
Người phụ nữ bị vong hành luôn phát ra những tiếng kêu kì quái |
Theo những người đến đây thì cô gái này bị vong hành. “Trong người nó giờ hàng trăm con ma, đấy là cậu đã bắt cho gần hết rồi nên nó mới được thế này, chứ dạo trước nó điên điên, dại dại, có biết gì đâu. Những lúc nó kêu là nó đang bị ma hành đấy, lúc này người nhà cậu lại phải đem lộc cho nó thụ thì nó mới tỉnh. Nó tu ở nhà cậu cả năm nay rồi”, một bác gái người Hải Phòng kể.
“Lộc” mà bác gái này nói chính là những quả cam, quýt do những người đến nhà cậu đem đến cúng thần linh. Theo quan sát của PV, trong 2 ngày ở nhà “cậu”, cô gái này nhìn mặt có vẻ đờ đẫn, nhưng ánh mắt thì rất tinh anh, liên tục đảo qua đảo lại quan sát người xung quanh. Mấy lần PV giơ điện thoại lên định chụp ảnh đều bị cô phát hiện và lẩn đi chỗ khác hoặc cúi gầm mặt xuống.
Để được “giáp mặt” với “cậu”, mỗi người phải đợi ít nhất từ 1 tuần cho đến cả 1 tháng. Đầu tiên, khách đến phải ngồi đợi “cậu” tại “Hội trường”, rồi ghi tên người cần tìm trên một tờ giấy cuộn tròn. Mỗi buổi, “cậu” chỉ thu thêm 4-5 phiếu. Thu xong, “cậu” sẽ gói các phiếu đó lại và đợi đến các buổi khác, “cậu” gọi đến ai, người đó sẽ lên để “cậu” vẽ sơ đồ mộ trí, nơi cần tìm.
“Tôi “tu” ở nhà cậu gần năm rồi nhưng cậu bảo chưa đủ tâm nên chưa giúp tìm mộ được, vẫn phải tu tâm tiếp…”, một bác trai người Bắc Ninh buồn bã nói.
Chứng kiến cảnh “cậu” chỉ cho một người tìm mộ, PV không khỏi phì cười, “cậu” hỏi: “Anh tìm mộ cho chú anh hả. Được rồi, để tôi xem nào. Chú anh chưa có vợ, con cái gì, đúng không ”. Người kia vội trả lời: “Không ạ, có vợ và một người con gái”. Nghe xong, “cậu” liền quát: “Không cái mả mẹ nhà anh, con gái coi như ngoại tộc, thế không phải là tuyệt tự thì là gì”…
Phán được vài câu điện thoại của “cậu” lại reo lên để… chỉ mộ từ xa. Tiếng quát của “cậu” lanh lảnh: “Anh đi đến đâu rồi?, Anh học cao mà ngu thế, không hiểu những gì tôi nói à. Anh phải tìm bằng được cái cô giao liên đã cứu ông của anh, có thế người ta mới chỉ cho anh chỗ chôn xác được….”.
Cứ như vậy, trong suốt 3 tiếng làm việc buổi sáng thì phải đến 2/3 thời gian “cậu” “trò chuyện” với cái điện thoại, những “đức tin” ở dưới thì liên tục cầu khẩn, vái lạy. Người được gặp, được “cậu” vẽ bản đồ cho đi tìm mộ thì háo hức, mừng vui; người chưa có đủ “duyên” để vào gặp “cậu” thì tiếp tục ở lại “tu”.
“Thầy chỉ giúp những người có tiền”
Bác Thành (Thái Bình) cho biết: “Tôi đến đây để xin cậu làm lễ hoàn thây cho anh trai. Đợi ở nhà thầy 2 tuần rồi nhưng cũng chưa được gặp thầy. Những người có mặt ở đây, ai cũng phải sám hối ít nhất vài ba tuần may ra mới được việc.
Cách đây 1 năm, tôi đến xin cậu vẽ đường để đi tìm mộ anh trai, cũng mất cả tháng “ăn trực nằm chờ” ở đây cả tháng mới được cậu đồng ý vẽ đường cho đi tìm anh. Nhưng sau đó còn phải về nhà 1-2 tuần để tu tại nhà, xin bề trên ở nhà cho phép rồi mới lại đến nhà cậu, khi đó cậu mới vẽ sơ đồ cho đi tìm hài cốt…
Muốn tìm được hài cốt thì người nhà phải đủ 5 tiêu chí: Phải có tâm, có tiền, có sức khỏe, lòng kiên nhẫn và có cái đầu thông minh. Phải “thông dịch” được bản đồ của thầy và phải hiểu những gì thầy chỉ dẫn… Người đi tìm hài cốt không khác gì một người đi học trường kĩ thuật quân sự, phải biết giải mã, tính toán và… mưu lược”.
Tấm bản đồ tìm mộ liệt sĩ với những ký hiệu "ô", "ơ" chằng chịt của cậu Liên |
Cũng theo bác Thành, người nào không có đủ tiềm lực về tiền của thì đến đây có thành tâm đến mấy cũng bị “cậu” đuổi về, gia đình bác phải mất 70-80 triệu mới tìm được hài cốt cậu Liên chỉ dẫn, vì còn phải “nằm vùng” và “giải mã” được lời cậu phán.
Tìm mộ xong, bác quay lại “hoàn thân” cho anh để thân thể anh bác được trọn vẹn, nhưng đợi hơn 1 tháng vẫn chưa gặp được “cậu”.
Cũng theo bác Thành, “cậu Liên là nhà ngoại cảm giỏi có một không hai vì cậu vừa biết làm vong, bắt vía, vừa tìm được mộ, lại biết chữa bệnh, và còn giúp người dân trả nợ, hoàn thân”.
“Mục sở thị” tấm bản đồ chỉ nơi chôn hài cốt liệt sĩ do “cậu” vẽ cho một gia đình, có lẽ đúng như lời bác Thành nói, phải có một cái đầu vô cùng thông minh mới giải mã được những ký hiệu "ô" "ơ" chằng chịt mà "cậu" vẽ. Đúng là, gặp được “cậu” đã khó, có lẽ việc giải mã “chỉ thị” của cậu đưa ra còn khó gấp… trăm lần.
Còn tiếp…
TheoNgọc Phạm-Ngân Nguyễn-Sơn Tùng (ĐS&PL)
Bình luận