• Zalo

Thảm kịch những ngôi mộ xác ướp Việt Nam

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 09/07/2012 06:06:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chỉ cần một chiếc áo quan bằng gỗ đặc biệt, vài trăm lít tinh dầu, cùng kỹ thuật yếm khí, thế là người chết đẹp như người nằm ngủ cả ngàn năm.

(VTC News) - Chỉ cần một chiếc áo quan bằng gỗ đặc biệt, vài trăm lít tinh dầu, cùng kỹ thuật yếm khí, thế là người nằm trong mộ đẹp như người nằm ngủ cả ngàn năm.








Kỳ 1: Nỗi thất vọng của nhà khảo cổ và vụ kiện lạ của bác nông dân

Có thể nói, Việt Nam là xứ sở của mộ xác ướp, mộ hợp chất. Trên thế giới, việc phát hiện một xác ướp nguyên vẹn vài trăm năm, sẽ gây chấn động với giới khoa học, thế nhưng, ở Việt Nam, chẳng mấy năm không phát hiện được một vài ngôi mộ xác ướp. Nhưng, số phận những ngôi mộ xác ướp ở Việt Nam thật thảm hại.

Đừng khai quật gì cả!

Tôi đã đi theo nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương trong hàng chục cuộc khai quật và thật bi kịch, đến rơi nước mắt, khi ông thường xuyên nói với tôi rằng: “Tốt nhất là cứ lấp đất lại. Chẳng nên khai quật thứ gì. Để con cháu chúng ta sau này có điều kiện nghiên cứu thì hãy khai quật. Chúng ta mà động vào, thì chỉ có phá”.

Mộ xác ướp. 

Người dân tỉnh Hải Dương đã có thời rồng rắn kéo nhau vào Bảo tàng Hải Dương, để chiêm ngưỡng ngôi mộ Hán khổng lồ, có niên đại gần 2.000 năm, do ông Hoành khai quật từ cánh đồng đem về dựng lại.

Có cả chục người thành tiến sĩ nhờ nghiên cứu những ngôi mộ gỗ khổng lồ, mà mỗi ngôi mộ làm bằng mấy chục tấn gỗ lim. Rồi có cả chục người thành tiến sĩ nhờ những ngôi mộ thuyền Đông Sơn mấy ngàn năm ông giữ trong tủ kính…

Nhưng rồi, khi ông về hưu, những thứ ấy bị lãng quên, kệ cỏ mọc, rêu phong. Chẳng có vị khách nào tìm đến bảo tàng xem mộ.

Ông Tăng Bá Hoành với kiệt tác mộ Hán bị lãng quên ở Bảo tàng Hải Dương. 

Tôi nhớ nhất hình ảnh ông Tăng Bá Hoành về chùa Nhẫm Dương, tuyên bố với thế giới rằng, nơi đây có một hang động cực kỳ quan trọng, bởi trong hang phát hiện răng Pôn-gô, loài đười ươi, tổ tiên của loài người. Thật tự hào khi mảnh đất hình chữ S này là nơi cư ngụ của tổ tiên loài người từ hàng triệu năm trước.

Nhưng rồi, ông chua xót dặn vị sư đào bới ra vô số răng đười ươi, voi, khỉ, hổ báo, tê giác và cả xương người cổ kia thế này: “Sư đừng đào bới nữa. Sư lấp hang lại đi. Để cho con cháu chúng ta, những thế hệ giỏi giang, có trách nhiệm với Tổ quốc này đào bới. Chúng ta bới lên, là chúng ta phá”.

Sư cô Thích Đàm Mơ nghe lời ông Hoành lấp hang đá lại rồi trông giữ hang đá đó, coi đó như di sản của tương lai.

 
 
Di sản bị cỏ mọc che lấp. 

Nỗi xót xa lớn nhất với nhà khảo cổ tỉnh lẻ Tăng Bá Hoành là những ngôi mộ chạt (tên ông gọi mộ hợp chất, mộ xác ướp). Mộ chạt là tinh hoa của mộ xác ướp, mà ít có nước nào sánh được. Người xưa ướp xác không cần phẫu thuật, không cần hóa chất, không cần kỹ thuật cao siêu gì cả. Chỉ cần một chiếc áo quan bằng gỗ đặc biệt, vài trăm lít tinh dầu, cùng kỹ thuật yếm khí, thế là người nằm trong mộ đẹp như người nằm ngủ cả ngàn năm.

Đã có cả chục ngôi mộ hợp chất được phát hiện ở riêng vùng Hải Hưng (cũ), nơi ông gắn bó cả đời với công việc khảo cổ. Nhưng, tất cả đều bị phá nát. Người nằm trong mộ đang trong giấc ngủ ngàn thu, bỗng bị con người đập phá, moi lên.

Ngôi mộ bị bỏ quên giữa cánh đồng. 
Người ta vạc mộ cổ lấy đất trồng lúa  Trong ảnh, chú chó gác cổng mộ đã "chạy" ra giữa cánh đồng.

Những xác ướp tuyệt đẹp, tinh hoa của nhân loại bị quẳng vào quan tài thông thường, chôn vào đất, để thịt xương họ tan vào đất. Cả công trình nghệ thuật đỉnh cao của người xưa bị chúng ta phá hoại. Không ai quan tâm cả. Ông Hoành chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Thế hệ hôm nay, người ta còn mải miết với cơm áo gạo tiền. Chẳng ai quan tâm đến những ngôi mộ xác ướp kia cả.

Công tác khảo cổ của chúng ta với những ngôi mộ xác ướp thế này: Ngôi mộ bị người dân đào bới, đập phá với mục đích tìm của. Hoặc giải phóng mặt bằng, buộc phải phá mộ. Khi phát hiện, chính quyền báo cáo cấp trên. Các nhà khoa học có trách nhiệm xin kinh phí. Nhưng thủ tục xin kinh phí thì rườm rà, nên khi vào cuộc thì mộ cũng hỏng rồi. Có khai quật thì cũng là chữa cháy, ít tác dụng. Không xin được kinh phí, thì các nhà khảo cổ làm lơ, mặc kệ cho người ta phá hỏng luôn ngôi mộ. Nếu có phát hiện mộ, có khai quật, thì cũng đem xác ướp đi cải táng. Hết chuyện. Chính quyền chẳng chịu trách nhiệm. Kẻ phá mộ chẳng hề gì.

Nơi trưng bày di sản biến thành nơi đổ rác. 

Trong loạt bài viết này, tác giả kể lại những ngôi mộ mà tác giả chứng kiến, theo chân các nhà khoa học nghiên cứu, hoặc tự điều tra tìm hiểu, để nêu lên một thực trạng đớn đau với công tác khảo cổ, bảo vệ những ngôi mộ ướp xác, thứ mà các nhà khoa học chúng ta đều coi là tinh hoa của nhân loại.

Lời kêu cứu của bác nông dân

Còn nhớ, vào một ngày cuối tháng 9-2008, khi đang ngồi ở tòa soạn, cô nhân viên văn phòng gọi điện bảo: “Có một ông nông dân cứ đề nghị đòi gặp bằng được nhà báo Phạm Ngọc Dương, anh có gặp không?”.

Một bác nông dân gầy gò, hom hem, tóc bạc, khuôn mặt phúc hậu, giới thiệu là Nguyễn Văn Quang, trình bày: “Người ta đi kiện vì mất ruộng đất, vì bị chiếm đoạt tài sản. Còn tôi, tôi đi kiện vì một doanh nghiệp phá ngôi mộ cổ, là di sản của nhân dân, của Nhà nước”.

Bác nông dân Nguyễn Văn Quang và những thứ còn lại của ngôi mộ xác ướp. 

Quả thực, đây là vụ kiện khá hy hữu. Bác nông dân này bỏ tiền của, đi về Hà Nội gặp nhà báo để làm một việc trời ơi, ấy là kiện một doanh nghiệp vì họ phá ngôi mộ nằm trong phần đất của họ. Việc này lẽ ra phải của các nhà khảo cổ, phải là của chính quyền địa phương chứ nhỉ?

Vậy là, tôi lập tức cùng bác nông dân nọ tìm về làng Thụy Trang (xã Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên). Tôi điện thoại cho ông Tăng Bá Hoành, ông bảo: “Tớ về hưu rồi cậu ạ. Chẳng ai quan tâm đến ngôi mộ đó đâu. Nếu họ bật nắp mộ, họ phá rồi, thì hết chuyện rồi. Chỉ biết thở dài cho thân phận người nằm trong mộ mà thôi”.

Khi tôi và bác nông dân nọ về đến làng Thụy Trang, trưởng thôn Lê Thành Công và mấy chục người dân trong làng đã chờ sẵn. Ai cũng tỏ ra bức xúc về chuyện doanh nghiệp tư nhân X. ở địa phương này phá trộm mộ cổ, moi xác ướp lên rồi tống táng xác ướp ra cánh đồng.

Khi ấy, tình hình dân cư căng thẳng lắm. Có người đòi đập phá doanh nghiệp kia. Có người yêu cầu chính quyền phải còng tay, tống giam người phá mộ. Có người kêu la trời đất sao chẳng thấy nhà khoa học nào về nghiên cứu ngôi mộ, để ông Quận của làng bị đám con cháu tham lam quật lên giữa đêm, tống táng ra cánh đồng một cách thảm hại như vậy.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn