Được biết đến ở phương tây với tên viết tắt MBS, thái tử Ả Rập Xê Út nói thích làm việc với Mỹ và ông Trump nhưng nếu nghĩ đến ví dụ lãnh đạo thành công thay đổi xã hội, thì ông xếp Mỹ ở cuối cùng, theo RT.
Bất kỳ cải cách tài chính, chính trị và pháp lý quyết liệt nào cũng phải đi kèm một cái giá khổng lồ, Thái tử Ả Rập Xê Út nhấn mạnh. “Nếu bạn nhìn vào lịch sử Mỹ, ví dụ khi họ muốn giải phóng nô lệ. Cái giá là gì? Nội chiến. Nó đã chia cắt nước Mỹ trong nhiều năm. Hàng nghìn, hàng chục nghìn người chết để giành tự do cho nô lệ” – ông Bin Salman trả lời Bloomberg.
Thái tử Bin Salman cho biết nước này hiện đang cố gắng loại bỏ chủ nghĩa cực đoan và khủng bố mà không phải nội chiến, không ngăn đất nước phát triển, với bước tiến ở tất cả các mặt. “Vì vậy nếu có một cái giá nhỏ phải trả ở lĩnh vực này thì vẫn tốt hơn phải trả món nợ lớn,” – ông nói.
Hai tuần? Phải là hai nghìn năm!
Thái tử Bin Salman phủ nhận bình luận được cho là xúc phạm của Tổng thống Donald Trump khi nói Ả Rập Xê Út không thể vượt qua 2 tuần mà không có sự hỗ trợ của Mỹ. Ông cho rằng vương quốc mình đã tồn tại hàng chục năm trước Mỹ và sẽ cần đến “khoảng 2.000 năm gì đó nữa thì mới có khả năng đối mặt với nguy hiểm".
Ông cũng tuyên bố Ả Rập Xê Út sẽ không trả bất cứ khoản nào cho an ninh như Mỹ yêu cầu. “Chúng tôi tin rằng tất cả vũ khí chúng tôi có được từ Mỹ đã được trả tiền, đó không phải vũ khí miễn phí” – ông nói. Thái tử Ả Rập Xê-Út giải thích kể từ khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, nước này đã đồng ý mua gần 60% vũ khí từ Washington, nhấn mạnh Riyadh không nợ nần gì thêm vì luôn trả tiền mua vũ khí bằng tiền mặt.
“Tôi thích làm việc với ông ấy. Tôi thực sự thích làm việc với ông ấy” – ông Salman nói về Tổng thống Trump và cho rằng bình luận của lãnh đạo Mỹ chỉ là “một phần trăm” bất đồng giữa hai nước đồng minh.
Chỉ 1,500 “người cực đoan” bị bắt trong 3 năm
Kể từ khi ông Bin Salman trở thành thái tử năm 2017 đã trở thành gương mặt đại diện cho “cải cách” mà Riyadh khởi động để đa dạng hóa nền kinh tế và nới lỏng một số luật lệ, theo RT, như cho phép phụ nữ được thi bằng lái xe. Khi được hỏi về những gì không hài lòng với cải cách và tại sao một số người Ả Rập Xê Út sợ nói chuyện với nhà báo, ông cho rằng họ không nên sợ và chỉ những người “cực đoan” tổ chức các cuộc biểu tình đường phố hoặc hợp tác với “tình báo nước ngoài” mới nên sợ bị bắt giữ.
Theo thái tử Ả Rập Xê Út, trong 3 năm, chỉ có “khoảng 1.500” người bị bắt giữ tại nước này, trong khi đó con số này ở Thổ Nhĩ Kỳ là 50.000, sau một cuộc đảo chính quân sự.
Bất cứ ai cho thấy có “liên hệ với tình báo chống lại Ả Rập Xê-Út hoặc thành phần cực đoan hoặc khủng bố” sẽ phải đối diện với luật pháp, ông Salman cho biết. “Chúng tôi phải làm điều này. Chúng tôi không thể chiến đấu chống lại những kẻ cực đoan khi có 500 đến 700 kẻ cực đoan khác lên phố tuyển người”. Ông cho rằng Iran và Qatar là những nghi phạm chính đứng sau.
Trong khi Ả Rập Xê-Út đã mẫu thuẫn với Iran từ lâu thì mối quan hệ với Qatar được cho là suy yếu trong những năm gần đây. Riyadh và các đồng minh cáo buộc Qatar hợp tác bí mật với Iran và hỗ trợ IS cùng các nhóm khủng bố khác. Căng thẳng không cho thấy dấu hiệu kết thúc trong thời gian ngắn, theo RT.
Video: Sophia cảm ơn Quốc vương Ả Rập Xê Út vì được cấp quyền công dân
Bình luận