1. "Tôi đề nghị mọi người thông cảm. Giải giao hữu chỉ là quá trình chuẩn bị. Tất nhiên, với một HLV trưởng, dù trận đấu nào thì vẫn hướng tới mục tiêu cao nhất là giành chiến thắng, nhưng cầu thủ có giới hạn.
Điều mà tôi và cũng như các học trò là phải làm sao đặt điểm rơi, phong độ vào giải chính thức mới là quan trọng. Người hâm mộ đều muốn thắng, chúng tôi cũng muốn thắng lắm, nhưng chúng tôi đang chuẩn bị để có thể giành thành tích cao nhất ở mặt trận chính", HLV Park Hang Seo chia sẻ với giới truyền thông.
Chiến lược gia người Hàn Quốc đưa ra phát biểu trên trước thềm Vinaphone Cup 2018. Lần hiếm hoi từ khi nhậm chức, thầy Park phàn nàn về sức ép. Ông hiểu rằng với bóng đá Việt Nam, mọi trận đấu đều có áp lực phải thắng, kể cả... giao hữu.
Giải đấu đó, Olympic Việt Nam bất bại và vô địch. Nếu không, chưa chắc toàn đội đã "bình yên" trước mũi rìu dư luận để dự ASIAD.
Nói về giao hữu, người đại diện Lee Dong Jun thừa nhận ông từng phải hối thúc HLV Park Hang Seo giúp U23 Việt Nam thắng U23 Thái Lan ở giải M-150, nếu không muốn chiếc ghế lâm nguy. Người Việt Nam không thích cảm giác thua Thái Lan, ở bất kỳ sân chơi nào.
Sau chiến thắng 2-1 ở Buriram United, U23 Việt Nam chơi tốt lên khi các cầu thủ dần tin vào năng lực của người thầy. Bóng đá Việt Nam luôn đề cao các trận giao hữu, điều không thường thấy ở môi trường đỉnh cao.
Video: Truyền thông Thái Lan đánh giá cao tuyển Việt Nam
2. "Việt Nam có 300 hay 3 triệu phóng viên, sao ai cũng muốn làm HLV thế", HLV Park Hang Seo đáp lời trong cuộc họp báo trước thềm King's Cup. "Ngay từ khi được bổ nhiệm làm HLV trưởng tuyển Việt Nam, tôi đã nghe phong thanh rằng làm vị trí này mệt mỏi lắm. Thực sự trước mỗi giải đấu, ai cũng muốn làm huấn luyện viên".
Ông Park không quá lời. Khi danh sách cầu thủ đá giải giao hữu cũng bị mổ xẻ đến từng cái tên, đừng ngạc nhiên nếu tuyển Việt Nam cũng bị "mổ xẻ" nếu đá không hay trước Thái Lan.
Lần đầu tiên (có lẽ là lần duy nhất trong lịch sử) xuất hiện một giải giao hữu khiến giới mộ điệu phải "sôi sùng sục". Hàng nghìn CĐV đã đặt sẵn vé sang Buriram xem bóng đá, hàng tỷ đồng được chi ra để mua bản quyền truyền hình 2 trận của đội tuyển.
Biết rằng King's Cup là giải giao hữu hạng A theo chuẩn FIFA, điểm số tích luỹ có thể quyết định vị trí nhóm hạt giống bốc thăm vòng loại World Cup 2022 (lâu lắm rồi người hâm mộ mới quan tâm đến thứ hạng vòng loại World Cup và xếp hạng FIFA), song sức hút và cả sự... căng thẳng dành cho King's Cup vẫn được xem như sự lạ.
3. Thái Lan khát thắng Việt Nam ở King's Cup, điều đó không phải nghi ngờ. Tờ Bangkok Post nói chiến thắng ở đây sẽ mở ra kỷ nguyên mới. Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan nói "sợ Việt Nam thì không phát triển được". Nắm đội U23 Thái Lan dự vòng loại châu Á, HLV Alexander Gama cũng nói muốn thắng "để cho khán giả thấy ai là vua của Đông Nam Á".
Người Thái tổn thương, và chỉ chiến thắng mới xoa dịu vết thương đó, dù là chiến thắng ở một trận giao hữu, chứ không phải AFF Cup hay Asian Cup. Song, tuyển Việt Nam không tổn thương như người Thái.
Hoặc nếu có, tổn thương đó đã thuộc về quá khứ, nằm lại Buriram 18 tháng trước khi U23 Việt Nam dự giải giao hữu với tư tưởng... không được thua Thái. Tâm lý "tránh Thái", "sợ Thái" hay "thắng Thái là sướng" ám ảnh nhiều thế hệ cầu thủ, khiến những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Quang Hà, Việt Hoàng,... tài năng đến mấy, nhưng cứ gặp Thái Lan là hay mắc sai lầm.
Hôm nay là một ngày rất khác. Đội bóng của HLV Park Hang Seo luyện rèn bản lĩnh từ những trận gặp Nhật Bản, Iran, đối đầu với đội trẻ của Pháp, Argentina, Australia, Qatar hay Hàn Quốc. Hơn một năm qua, bóng đá Việt Nam vượt mặt Thái Lan ở mọi trận địa cấp độ U23 và ĐTQG.
Tuyển Việt Nam hôm nay đến Thái Lan đá giao hữu với tâm thế mới. Không phải thắng để tự tin như đội U23 ở giải M-150 năm nào, mà là thi đấu để tích luỹ, thử nghiệm và trang bị tốt nhất cho vòng loại World Cup.
Các học trò của thầy Park không cần khẳng định thêm điều gì. Như chính HLV Sirisak Yodyardthai đã nói, một chiến thắng không phân định được ai là "vua của Đông Nam Á". Trên chặng đường trỗi dậy của bóng đá Việt Nam, King's Cup chỉ là thứ yếu, vòng loại World Cup mới là tất yếu.
Do đó, thầy Park cùng các học trò chỉ cần cống hiến, không cần "ăn thua", dẫu rằng dư luận tạo cho đội tuyển áp lực chiến thắng hơn thế nhiều lần. Việt Nam và Thái Lan, ai hơn ai, đó là cuộc chiến trường kỳ. 90 phút tại Chang Arena tối nay nên được trả về đúng vị thế "giao hữu quốc tế" đơn thuần của nó, thay vì gánh thêm cả tấn sức ép khiến đôi bên cùng mỏi mệt.
Bình luận