"Tôi sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ và đảm nhiệm trách nhiệm với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng vì người dân và vì đất nước Thái Lan", Reuters dẫn lời ông Prayut Chan-o-cha viết trên Twitter vào hôm 25/8.
Đây là lần đầu tiên ông Prayut Chan-o-cha lên tiếng trước công chúng kể từ khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra lệnh đình chỉ chức vụ Thủ tướng đối với ông để xem xét lại giới hạn nhiệm kỳ.
Trong thời gian này, Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan là người nắm tạm quyền thay cho ông Prayut. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri hôm 26/8 cho biết nội các nước này vẫn hoạt động bình thường.
Trước đó, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã cân nhắc các khiếu nại và quyết định đình chỉ chức vụ thủ tướng với ông Prayut cho đến khi ra phán quyết. Hiện vẫn chưa rõ khi nào tòa án Thái Lan sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo khiếu nại từ phe đối lập, ông Prayut đã tại nhiệm đủ thời hạn quy định. Phe đối lập tại Thái Lan cho rằng nhiệm kỳ của ông Prayut phải được tính từ tháng 8/2014. Đây là thời điểm ông dẫn đầu việc thay đổi chính phủ dân cử để lên nắm quyền. Vì vậy, nếu tính theo mốc thời gian này, nhiệm kỳ của ông Prayut sẽ phải kết thúc vào hôm 24/8.
Ông Prayut sẽ có 15 ngày để đệ trình phản hồi cho tòa án, sau khi nhận được bản sao đơn kiện của các đảng đối lập.
Hiến pháp năm 2017 cấm thủ tướng tại vị quá thời gian 8 năm.
Những người ủng hộ ông Prayut lập luận thời gian nắm quyền của ông bắt đầu được tính khi hiến pháp năm 2017 được thông qua, hoặc thậm chí sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Do đó, ông Prayut có thể tiếp tục tại nhiệm cho đến năm 2025 hoặc 2027, nếu ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 3/2023.
Ông Prayut lên nắm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra năm 2014. Ông đứng đầu chính quyền quân sự 5 năm và tiếp tục làm Thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019.
Bình luận