Chuyên gia quốc phòng Thái Lan Chaiyasit Thantayakul cho biết cuộc diễn tập lần này sẽ giúp Không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) xem xét vai trò của hệ thống máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không của Trung Quốc cũng như hiệu quả tìm kiếm mục tiêu ở khoảng cách xa của loại máy bay này.
Theo ông Chaiyasit, cuộc tập trận này cũng sẽ giúp Không quân Trung Quốc nắm được cách thức triển khai các loại vũ khí và phương pháp huấn luyện của phương Tây do Thái Lan chủ yếu mua vũ khí và áp dụng phương pháp huấn luyện từ phương Tây.
Cuộc tập trận sẽ bao gồm hoạt động yểm trợ trên không, tấn công mục tiêu trên đất, triển khai quân quy mô nhỏ và lớn. Không quân Trung Quốc điều 6 máy bay chiến đấu J-10C/S, một máy bay tiêm kích-ném bom JH-7AI và một máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không KJ-500 tham gia cuộc tập trận Falcon Strike 2022. Trong khi đó, Thái Lan triển khai 5 máy bay chiến đấu Gripen, 3 máy bay tấn công hạng nhẹ Alphajet, và một máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm SAAB 340.
Một số chuyên gia nhận định cuộc tập trận Falcon Strike 2022 phản ánh sự giao lưu quân sự sâu sắc và sự tin cậy lẫn nhau giữa không quân hai nước. Đây cũng là cuộc tập trận Falcon Strike đầu tiên được tổ chức sau lần đầu vào năm 2015 với sự xuất hiện của máy bay tiêm kích-ném bom JH-7A.
Bình luận