• Zalo

Thái Lan, Singapore có gì hơn VN tại London 2012?

Thể thaoThứ Bảy, 04/08/2012 03:00:00 +07:00Google News

(VTC News)- Ở Seagames 26, Việt Nam đoạt 96 HCV, nhiều gấp đôi Singapore (42 HCV). Tuy nhiên, London 2012 lại là một câu chuyện khác.

(VTC News)- Ở Seagames 26, Việt Nam đoạt 96 HCV, nhiều gấp đôi Singapore. Tuy nhiên, London 2012 lại là một câu chuyện khác. Trong khi Việt Nam gần như đã chấp nhận cảnh trắng tay thì đoàn thể thao đảo quốc sư tử được vinh danh là 1 trong 50 quốc gia đoạt huy chương Olympic.

Những niềm hy vọng đoạt huy chương của chúng ta cứ lần lượt rơi rụng trong khi các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á cùng nhau tận hưởng tin vui liên tiếp bay về từ London. Quan sát và học tập con đường đi đến thành công của họ, đó là điều nên làm và - cần -  phải - làm.

Nhìn lại kì Olympic đáng quên

Chúng ta đang trải qua kì Olympic thứ 8 của mình trong lịch sử tham dự giải đấu và cũng là kì Olympic đáng thất vọng nhất. Nếu không có điều thần kì nào xảy ra, Việt Nam sẽ trắng tay rời London. 

Chỉ có điều kỳ diệu mới giúp Việt Nam thoát khỏi cảnh trắng tay tại London. 

Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam ra về tay không tại các kì Olympic, nếu không muốn nói nó đã thành thông lệ. Trong 7 lần tham dự trước, Việt Nam có tới 5 lần không giành được huy chương và mới chỉ mang về 2 tấm HCB do công của võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney 2000 và lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn ở Olympic Bắc Kinh 2008.

Đều đáng nói là, những cái tên lên đường tham gia thi đấu tại London lần này khiến người hâm mộ không ngừng hi vọng vào một thành tích sáng sủa cho thể thao nước nhà. Bởi lẽ, cả 18 VĐV (đông đảo nhất trong lịch sử) lần này đều giành vé chính thức đi Olympic.

Không quá lời nếu nói đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic lần này như một cuộc dạo chơi. Khi mà chỉ tiêu đặt ra không rõ ràng, môn thi đấu thế mạnh cũng không xác định được, chỉ dừng lại ở “hi vọng” có huy chương thì rõ ràng hành trang của đoàn TTVN mang tới London chỉ là con số 0 tròn trĩnh. 

Không chiến lược, không đầu tư, không mục tiêu và tất nhiên cũng sẽ không có thành tích. Nếu nhìn vào sự chuẩn bị cũng như kết quả mà các đoàn thể thao ở các quốc gia lân cận có cùng trình độ như chúng ta đạt được cho đến lúc này tại Olympic 2012, người ta lại càng thấm thía “Không đâu chuẩn bị cho Olympic như Việt Nam”.

Nhìn sang láng giềng

Trong khi Việt Nam đang loay hoay tìm kiếm trong vô vọng chiếc huy chương đầu tiên thì đã có 3 quốc gia Đông Nam Á làm được điều này. Đó lần lượt là Indonesia với 1 HCB và 1 HCĐ ở môn cử tạ; cũng ở môn này, Thái Lan đã giành 1 HCB và vẫn còn hi vọng nâng cao thành tích ở 1 loạt các môn thế mạnh khác như boxing, taekwondo. 

Singapore cũng đã nhận được tin vui từ môn cầu lông với chiếc HCĐ của Feng Tianwei. Ngoài ra, 1 đoàn thể thao khác trong khu vực là Malaisia cũng tràn trề hi vọng có huy chương trong những ngày tiếp theo khi đang sở hữu tay vợt cầu lông số 1 thế giới Lee Chong Wei.

Eko Yuli Irawan (Indonesia) và tấm HCĐ ở nội dung cử tạ 62kg. 

Đây đều là những quốc gia nằm trong vùng trũng của thể thao thế giới, họ sở hữu nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về điều kiện tự nhiên, con người, cũng như trình độ phát triển kinh tế, xã hội, khoa học kĩ thuật. Thế nhưng, với những định hướng đúng đắn, những chiến lược đầu tư dài hơi, các quốc gia này đang bỏ xa Việt Nam để có những bước tiến vững chắc trên con đường hội nhập với thể thao thế giới.

Để chuẩn bị cho Olympic lần này, đoàn thể thao Singapore đã lên kế hoạch chuẩn bị từ cách đây 1 năm. Họ đăng kí 2 đợt tập huấn cho các VĐV và HLV tại khu liên hợp thể thao Surrey, nơi cách làng Olympic khoảng 1,5 giờ lái xe.

Đợt tập huấn đầu tiên đã diễn ra từ mùa hè năm ngoái và đợt 2 bắt đầu trước khi Olympic khởi tranh 2 tuần. Với một loạt các cơ sở thể thao đẳng cấp thế giới, nơi đây không chỉ là địa điểm tổ chức đào tạo lí tưởng cho các VĐV Singapore mà còn tạo điều kiện cho họ thích nghi và làm quen dần với điều kiện thời tiết được xem là khắc nghiệt với các VĐV Đông Nam Á.

Không dừng lại ở đó, thể thao Singapore còn thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của mình khi mà Olympic 2012 chưa kịp khởi tranh, Viện Thể thao Singapore đã kí một biên bản ghi nhớ hợp tác với các viện thể thao các quốc gia có nền thể thao phát triển trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Các lĩnh vực hợp tác bao gồm khoa học thể thao, nghiên cứu và phát triển y học, trao đổi các HLV, các chuyên gia cũng như những chương trình đào tạo huấn luyện.... Đây là một trong những chương trình khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ vào việc đào tạo VĐV của đảo quốc sư tử, nằm trong kế hoạch hướng tới Olympic 2016 và xa hơn nữa.

 Feng Tianwei đem về tấm huy chương đầu tiên tại Olympic 2012 cho đoàn thể thao Singapore. 

Quan tâm và đầu tư cho các VĐV trước các kì đại hội thể thao là việc làm vô cùng cần thiết của mỗi chính phủ. Thế nhưng, không phải chính phủ nào cũng có đủ điều kiện để làm tốt điều đó như Singapore. Bù lại, chính phủ Thái Lan đã rất linh hoạt khi kêu gọi các doanh nghiệp hàng đầu nước này bỏ tiền ra hỗ trợ các VĐV trước thềm Olympic để họ yên tâm cống hiến thay vì hứa hẹn những khoản tiền thưởng kếch xù sau khi Olympic kết thúc.

Khác với Việt Nam, Thái Lan không vung tiền đầu tư cho các môn thể thao không phải thế mạnh của mình mà đưa ra một kế hoạch "săn vàng" rất hợp lí. Xác định trọng tâm là môn cử tạ với 7 VĐV tham dự, Thái Lan không ngại chi tiền để các VĐV của mình được tập luyện trong một môi trường tốt nhất ở các nước phát triển cũng như liên tục tham dự các giải đấu lớn để cọ xát và cải thiện thành tích.

Ngoài những chiến lược đầu tư biết người- biết ta, các quốc gia này còn thể hiện tham vọng vươn ra ngoài khu vực với chính sách thu hút tài năng nước ngoài mà đi đầu là Singapore. Được khởi xướng từ năm 2003 bởi Bộ Phát triển cộng đồng và Thể thao, chính sách nhập tịch cho các nhân tài thể thao nước ngoài đã được Singapore áp dụng triệt để và là một hình mẫu cho sự thành công trong cách thay đổi tư duy làm thể thao. Cho đến nay, bộ mặt thể thao của quốc gia nhỏ bé với hơn 5 triệu dân này đang được thay đổi rất tích cực. 

Không phải nói đâu xa, chiếc HCĐ cá nhân đầu tiên sau 52 năm của Singapore ở 1 kì Olympic được mang về cách đây ít ngày bởi Feng Tianwei, một cô gái gốc Trung Quốc. Nó cũng gây ra không ít phản ứng từ dư luận, nhưng nhìn nhận một cách khách quan thì những quốc gia nhỏ bé như Singapore không thể chỉ trông đợi vào số cư dân ít ỏi được sinh ra trên lãnh thổ, như chủ tịch Hiệp hội bóng bàn Sigapore đã phát biểu: “Điều quan trọng là họ đã chọn Singapore và muốn trở thành một phần của đất nước”.

Rõ ràng, nhìn vào sự vươn lên mạnh mẽ của các nền thể thao trong khu vực, ta càng có lí do để buồn. Và nỗi buồn ấy, sẽ tiếp tục song hành đến chừng nào chúng ta chưa chịu thay đổi.

Thanh Tú

Bình luận
vtcnews.vn