UBND tỉnh Thái Bình vừa có buổi làm việc nghe báo cáo, tờ trình dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc ban hành cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Theo dự thảo Nghị quyết quy định về cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công và không thuộc trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được giao theo quy định tại điểm c, khoản 4 Điều 84 của Luật Nhà ở 2023 trên địa bàn tỉnh, đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả quy đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở thương mại); hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hạng mục san lấp mặt bằng đến cốt thiết kế theo quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhưng không quá 10 tỷ đồng.
Các nội dung hỗ trợ khác liên quan đến phát triển nhà ở xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định rõ nguyên tắc, phương thức hỗ trợ và nội dung chuyển tiếp.
Cụ thể, về nguyên tắc hỗ trợ, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ được hưởng các hỗ trợ theo quy định tại Điều 3 khi thực hiện đúng các nội dung chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Không được tính các khoản hỗ trợ của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.
Trường hợp dự án có phân kỳ giai đoạn đầu tư thì được xem xét hỗ trợ theo phân kỳ giai đoạn của dự án (theo nguyên tắc nghiệm thu hoàn thành của từng giai đoạn). Phương thức hỗ trợ và nội dung chuyển tiếp quy định rõ trong Nghị quyết dựa trên kinh phí giải phóng, san lấp mặt bằng.
Tại buổi làm việc, trên cơ sở ý kiến đóng góp từ các sở, ban, ngành, địa phương, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình - đề nghị Sở Xây dựng tiếp thu các ý kiến của các sở, ngành, địa phương để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết bảo đảm có có sở pháp lý, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời làm rõ phạm vi và đối tượng áp dụng theo quy định của các văn bản luật liên quan.
Các nội dung dự thảo nghị quyết bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, hỗ trợ hiệu quả các dự án nhà ở xã hội khi nghị quyết ban hành, bảo đảm quyền và lợi ích đúng đối tượng thụ hưởng.
Thực hiện đề án phát triển nhà ở xã hội tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030, tính đến hết năm 2023, Thái Bình xây dựng, hoàn thành 8 dự án nhà ở xã hội với tổng 2.000 căn hộ. Để hiện thực hóa Chương trình phát triển nhà ở, tỉnh Thái Bình đưa ra các nhóm giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách và cải cách hành chính; giải pháp về nguồn vốn và thuế; giải pháp về quy hoạch kiến trúc, xây dựng; giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản nhà ở…
Bình luận