Theo UBND tỉnh Thái Bình, năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình ước thực hiện trên 26.600 tỷ đồng, đạt 136,8% dự toán, tăng 9,9% so với năm 2023, trong đó thu nội địa ước đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2023.
Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt 72.593 tỷ đồng, tăng 7,32% so với năm 2023, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 0,39%; công nghiệp và xây dựng tăng 12,15%; dịch vụ tăng 6,77%. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 210.866 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2023.
Tỉnh đang tập trung chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả giải ngân đạt khá, ước giải ngân cả năm đạt 169,4% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Thu ngân sách (nội địa) đạt cao với trên 11.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục duy trì năm thứ 3 liên tiếp có trên 1.000 doanh nghiệp mới/năm. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được thực hiện hiệu quả. Đến ngày 20/11, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt 38.088,1 tỷ đồng, trong đó vốn FDI đạt 862,8 triệu USD (dự kiến cả năm đạt trên 1,0 tỷ USD).
Tại cuộc họp đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh - nhấn mạnh: Thái Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Trung ương và các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng; thu ngân sách đạt kết quả tích cực; thu hút vốn FDI vẫn là điểm sáng. Bên cạnh đó, với sự quyết liệt tháo gỡ, điểm nghẽn, nút thắt, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, tạo nền tảng để tỉnh tăng tốc, bứt phá trong năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh vẫn chưa đạt được kỳ vọng, còn nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương chưa phát huy hết lợi thế, thế mạnh vốn có, chưa khai thác hết các dư địa để thúc đẩy phát triển. Vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của một số sở, ngành, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Việc triển khai các cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn chậm. Vi phạm về đất đai, đê điều, xử lý rác thải còn nhiều hạn chế. Việc triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm còn nhiều vướng mắc, tiến độ chậm.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu những tồn tại, hạn chế cần phải được nghiêm túc nhìn nhận lại để có giải pháp chấn chỉnh, tháo gỡ ngay ở từng ngành, lĩnh vực địa phương cụ thể, quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu đã đề ra.
Khó khăn vướng mắc ở đâu, khâu nào phải được chỉ rõ, rõ trách nhiệm của ngành, địa phương trong xử lý công việc. Rà soát lại các cơ chế chính sách trong thu hút đầu tư, tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản, quy định của pháp luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp, cách thức trong hỗ trợ thu hút đầu tư. Triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Bình luận