• Zalo

Thách đấu, đánh Từ Hiểu Đông một trận có cần thiết không?

Thể thaoThứ Ba, 09/05/2017 08:14:00 +07:00Google News

Trong khi giới võ thuật Trung Quốc đang bức xúc về Từ Hiểu Đông thì tại Việt Nam, Chưởng môn Lương Ngọc Huỳnh của phái Lâm Sơn Động có góc nhìn rất khác.

Từ Hiểu Đông là nạn nhân của truyền thông Trung Quốc?

Từ một trận đấu mang tính chất cá nhân giữa mình với Ngụy Lôi, Từ Hiểu Đông bỗng trở thành kẻ cuồng ngạo, không coi võ thuật Trung Quốc ra gì. Nhưng ngạo mạn có thật là bản chất của võ sĩ MMA này, hay còn vì lý do nào khác mới xảy ra tranh cãi như những ngày qua?

Vo si MMA: Toi co don khi chong lai 7 mon phai hinh anh

Từ Hiểu Đông gây sốt trên mạng xã hội

"Thực ra đây là chuyện bên tận Trung Quốc, không quá liên quan Việt Nam mình để bàn luận. Nhưng về quan điểm cá nhân thì tôi thấy đó là trận đấu bình thường thôi, mang tính cá nhân có thể vì xích mích, vì mâu thuẫn. Những chuyện đó rất nhiều.

Chuyện này nổi lên tôi nghĩ vì truyền thông Trung Quốc đẩy, khi thành hiện tượng rồi thì tôi có cảm giác Từ Hiểu Đông bị cài vào bẫy, đó là cảm giác của tôi. Có vẻ như truyền thông Trung Quốc cài Từ Hiểu Đông vào những chuyện đã rồi.

Mình không bàn về tính ngông cuồng nhưng lúc đầu họ Từ có thể là người trực tính, vô tư, thắng một ông Ngụy Lôi cũng tự phong mình là trưởng môn... thì cậu ta cảm thấy tự hào, hưng phấn.

Sự hưng phấn đó qua báo chí, cộng đồng mạng Trung Quốc đã bị đẩy thành câu chuyện khác. Sau đó thì cậu ấy có những phát ngôn, mà theo tôi báo chí Trung Quốc không nên đưa lên, vì chẳng khác nào tự làm xấu mình".

Video Từ Hiểu Đông hạ Ngụy Lôi trong 10 giây

Trả lời cho câu hỏi, trong scandal này, Từ Hiểu Đông, Ngụy Lôi hay võ cổ truyền Trung Quốc có bên nào được lợi hay thiệt hại ra sao, Chưởng môn Lương Ngọc Huỳnh tiếp:

"Quan điểm của tôi là võ thuật Trung Quốc mất chứ không được. Hai bạn kia cũng đều mất chứ không được.

Ông Ngụy Lôi nổi tiếng nhưng người ta nhìn thấy thua. Sai lầm lớn nhất của ông ta là thua rồi thì thôi đừng nói gì. Hoặc thà rằng nói "Từ Hiểu Đông rất mạnh, võ thuật có tính thực chiến. Nếu so sánh võ thuật thi đấu thì tôi không bằng...", mình khiêm tốn thì chẳng ai nói gì.

Đây lại đổ do đôi giày mới, trơn trượt rồi "tôi không muốn dùng nội công giết chết đối thủ" thì nói để làm gì? Nếu không muốn đấu thì đấu làm gì. Còn đã đấu mà thua thì cứ nhận họ giỏi hơn, mình còn được tôn trọng.

Cá nhân tôi thi đấu mà thua ai thì tôi sẽ nhận và học tập họ, chứ chẳng cần phải nói này nói kia. Có thể sau khi Ngụy Lôi thua rồi lại đổ tại, qua truyền thông Trung Quốc thì làm Từ Hiểu Đông tức, rồi bực lên lại nói lung tung thêm".

Hinh anh

Chưởng môn Lâm Sơn Động, Lương Ngọc Huỳnh. 

Người buộc dây phải là người cởi dây

Câu chuyện về Từ Hiểu Đông, Ngụy Lôi và võ cổ truyền Trung Quốc ngày càng bị đẩy lên cao trào, không lối thoát. Theo Chưởng môn Lương Ngọc Huỳnh, chỉ có người trong cuộc mới kết thúc êm đẹp được sự việc.

"Ở góc độ Việt Nam mình để phân tích chuyện Trung Quốc thì không hợp lý lắm. Nhưng nhận xét mang tính chất cá nhân thì nếu tôi là một trong hai võ sĩ, như Ngụy Lôi, tôi sẽ lên tiếng công khai trên báo chí là:

"Tôi tập Thái Cực quyền để dưỡng sinh, đảm bảo sức khỏe, chứ không phải một võ sĩ thi đấu chuyên nghiệp. Còn anh Từ Hiểu Đông tập thi đấu thi nghiệp, đã đấu nhiều trận, lối đánh mạnh mẽ còn tôi chủ yếu tập dưỡng sinh nên thua là bình thường. Tôi rất mến mộ anh ấy". Khen đối thủ một vài câu thì họ cũng chẳng nói gì nữa.

Hinh anh

Hinh anh

Giờ có người đánh để dạy cho Từ Hiểu Đông một bài học thì có thật sự cần thiết không?

Còn ở phía Từ Hiểu Đông, thắng một người yếu hơn mình mà nghĩ là võ cổ truyền Trung Quốc không ra gì, xét về vấn đề đạo đức là đáng trách. Vô tình anh bôi nhọ võ cổ truyền nước anh.

Nếu một ai ở Việt Nam thắng một thành viên Liên đoàn võ cổ truyền rồi nói võ cổ truyền Việt Nam không ra gì, đương nhiên sẽ tạo ra sức ép tâm lý, tạo sự bực mình cho những người trong làng võ.

Xuất phát từ việc hai bạn này dùng từ ngữ thiếu tế nhị nói về nhau, Từ Hiểu Đông thắng thì nói này kia, Ngụy Lôi thì bao biện, rồi cách vận dụng báo chí đã tạo ra câu chuyện không hay, mất đi tính võ đạo, tình người mà trở thành ăn thua rồi bao nhiêu người vào thách đấu Từ Hiểu Đông.

Nhưng thách đấu để làm gì. Giờ có người đánh để dạy cho Từ Hiểu Đông một bài học thì có thật sự cần thiết không? Có rất nhiều cách tế nhị hơn".

Hinh anh

 Scandal về Từ Hiểu Đông nên được hạ xuống.

Hiện rất nhiều người đang chờ đợi vào một trận đấu của Từ Hiểu Đông với kẻ thách thức. Về vấn đề này, Chưởng môn Lâm Sơn Động đưa ra góc nhìn:

"Nếu Hiệp hội võ cổ truyền Trung Quốc cử người ra đấu với Từ Hiểu Đông để chứng minh giỏi hơn, thì bên đó họ thiếu gì cao thủ. Trung Quốc có rất nhiều võ sĩ đánh giải vô địch thế giới. Nhưng tôi nghĩ họ sẽ chẳng làm vậy đâu. Họ không dại gì mà làm điều đó.

Còn một ai đó bực tức, vì lý do nào đó, họ có thể thách đấu cá nhân. Còn tổ chức giải đấu lớn, tầm cỡ để chứng minh Từ Hiểu Đông sai thì họ không làm đâu. Mưa to thì nghĩ là mưa nhỏ, mưa nhỏ nghĩ là không mưa là xong".

Cuối cùng, kết lại về scandal đang om xòm làng võ Trung Quốc, Chưởng môn Lương Ngọc Huỳnh góp ý:

"Thứ nhất, trong khi đấu võ thuật giữa 2 người, chỉ mang tính cá nhân thì không nên đẩy lên thành tầm cỡ tỉnh hay quốc gia. Sai lầm của truyền thông Trung Quốc là đẩy nó lên cao trào ghê gớm. Phương pháp đề cập vấn đề hơi quá đà.

Thứ hai, khi nhìn nhận một sự việc cần phải nghe hai tai, rồi tự mình cần suy xét xem có hợp lý, có đúng đắn không? Đúng thì không sao mà kể cả thấy sai thì cũng không nên vội chê trách gì cả.

Cuối cùng, mong góp ý với giới võ học nói chung về câu chuyện ở Trung Quốc lan sang cả Việt Nam. Tôi thấy có nhiều tiết mục võ sư đánh với học trò, học trò lao vào, võ sư phẩy tay một cái là bắn ra... thì nó không thật.

Là một người bình thường xem cảm thấy như lừa đảo, làm trò như hề vậy. Nếu anh giỏi thật như thế thì anh tổ chức giải đấu đi, vừa có tiếng vừa có tiền. Nếu tôi có khả năng từ xa mà làm người ta ngã được thì có lẽ tôi cũng tổ chức giải đấu, để khuếch trương thanh thế.

Tôi nghĩ những người võ sư như thế làm xấu đi hình ảnh võ thuật và mới tạo nên các scandal như vụ Từ Hiểu Đông".

Trong scandal về Từ Hiểu Đông, vẫn có những suy nghĩ tích cực rằng giới võ học Trung Quốc nên qua đó nhìn lại tính thực tế. Bởi nhiều năm trở lại đây, thông qua điện ảnh và các kênh khác, võ cổ truyền Trung Quốc bị đẩy lên quá cao, đôi khi mang tính chất hư cấu làm người hâm mộ ngộ nhận.

Ở góc độ tiếp cận này, Chưởng môn Lương Ngọc Huỳnh cho rằng rất hợp lý và tích cực:

"Đó là suy nghĩ hoàn toàn hợp lý, mang tính tích cực đấy. Vì ai chẳng biết võ Trung Quốc khi lên màn ảnh rất đẹp, vì họ có nghệ thuật quay rất giỏi. Dùng kĩ xảo quay chậm, quay nhanh để tăng tốc đòn đánh, rồi cắt ghép các tư thế... nên nhìn thì thấy hay. Còn chẳng ai đánh nhau mấy chục phút mà mặt vẫn tỉnh bơ không thấy mồ hôi.

Theo tôi, là người học võ, dạy võ, để điều gì mình làm được thì nói, chưa làm được thì không nên bảo. Nếu được 10, hoành tráng thì nói 10, còn khiêm tốn nói 7 thôi sẽ không ảnh hưởng, không tạo sự hư cấu. Tối kị trong võ thuật là người này chê bai người kia. Điều đó gây ra hận thù nữa".

(Nguồn: Soha)
Bình luận
vtcnews.vn