Giới văn nghệ ở thủ đô hẳn biết rõ tên tuổi lão. Và, hẳn nhiều người đã rất đỗi ngạc nhiên khi mấy năm nay, lão bỗng biệt tích giang hồ. Có lẽ, nếu không có đám trẻ trâu hay mấy người dân vào rừng đốn củi thì cũng chẳng ai biết lão đang ở chốn nào, vì đâu bỗng dưng mất tích.
Lão từng thi đỗ thủ khoa trường Nhạc viện Hà Nội và bảo vệ xuất sắc luận án cao học tại Úc. Lão cũng có một công việc đáng mơ ước của nhiều người tại một bộ danh giá ở thủ đô, ấy thế mà lão đã buông xả mọi thứ, bỏ phố lên rừng tìm hang đá để lánh mình theo nghiệp tu hành.
Xuống Hà Nội thăm tôi, một đồng nghiệp ở Hòa Bình bảo, anh vừa nghe được chuyện là từ mấy người hay vào rừng đốn củi. Họ bảo, không hiểu từ đâu mà chốn rừng xanh u tịch, nằm ngay cạnh đập thủy điện sông Đà ấy có một người đàn ông ăn vận hiện đại nhưng tối ngày chỉ khoanh chân ngồi trong hang đá.
Đường vào nhà lão Dũng |
Tìm nơi rừng vắng… lánh đời
Loanh quanh mãi ở kho mìn (nơi chứa mìn để thi công thủy điện Hòa Bình ngày trước), chúng tôi chưa tìm được đường vào sơn cốc nơi lão Dũng tu hành. Phải đến khi vào sát chân núi đá, chúng tôi mới phát hiện thấp thoáng phía sau rặng tre xanh mướt có một ngôi miếu nhỏ.
Đất trời vắng vẻ, không một bóng người. Thoảng trong thinh không là tiếng mõ kêu lốc cốc đều đều. Thứ âm thanh duy nhất này khiến đất trời càng thêm tĩnh mịch.
Chặn ngang lối mòn là chiếc cổng tre, lợp lá cọ chỉ khép hờ, không khóa. Sau cánh cửa là khu vườn nhỏ được trồng nhiều loài hoa cúc, hoa đại, hoa mẫu đơn… Nghe tiếng mõ, tiếng người niệm Phật đều đều biết gia chủ đang bận nên chúng tôi chờ đợi.
Lão Dũng sống vui vẻ trong sơn cốc |
Lão mặc quần bò, áo bò, tóc cắt ngắn. Khuôn mặt lão bình thản, ánh mắt an nhiên tự tại. Lão nói từ tốn, nhẹ nhàng với thái độ khoan thai, không mảy may dính dáng tới bụi trần. “Sơn cốc hôm nay có duyên mới gặp được 2 thí chủ, chắc ở nơi xa đến thăm thật là vinh hạnh”, thay cho lời chào, lão đón chúng tôi bằng một thứ ngôn từ, khác xa với chốn hồng trần.
Lão lấy chiếu trải lên nền đá trước cửa ngôi miếu. Lão mời chúng tôi ngồi xơi nước. Cầm chén trà thơm nức giữa không gian vắng lặng, hương hoa rừng tỏa khắp muôn nơi, tôi cũng thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn. Giống như một vị chủ cốc, lão dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi tu hành mà lão đã mất bao năm tạo dựng.
Con ghê đá mà lão Dũng đào được trong hang động |
Theo lời lão, Phật dạy rằng, muốn lập đàn tu phải thỏa mãn 1 trong 6 điều kiện sau đây: Trong hang đá có tiếng động nhưng không được có tiếng vang. Nghĩa là khi ta tạo ra âm thanh gì đó trong hang động mà tiếng động này không đập vào vách đá dội lại.
Thứ hai là nơi đó phải có những nhũ đá gõ vào kêu vang như chuông. Thứ ba, giữa hang đá phải đào được vật lạ. Thứ tư, hang phải có cây cỏ rạp xuống một cách tự nhiên chứng tỏ nơi ấy từng có các bậc thánh nhân ngồi. Thứ năm, trong hang phải có rắn thần.
Thường ở những ngôi miếu thiêng có đôi rắn thần có mào, một con xanh, một con đỏ bảo vệ. Và điều kiện cuối cùng là thạch động đã từng có loài ấu trùng to lớn sinh sống hoặc mãnh thú ở. Theo lời lão thì duyên nghiệp đưa đẩy, nơi đây lão đã tìm được thạch động thỏa mãn được cả 6 điều kiện trên.
Theo lời lão thì năm 2008, lão tới xứ Mường chơi với một người bạn và được dẫn vào thăm hang đá này. Nhận thấy nơi này vắng vẻ, lại có núi non trùng điệp, phía trước là dòng sông Đà thơ mộng. Biết duyên trời đặt sẵn, lão đã bỏ tiền mà mua lại khu đất, với mong muốn lập nơi này thành nơi để lão tu hành mà lão đã ấp ủ bấy lâu.
Cửa sơn cốc |
Cũng trong quá trình nạo lớp đất dích chặt vào hang động, lão còn đào được vô số hòn thạch anh, rồi hình đôi rồng, đôi phượng, đôi ghê và rùa đá… Những con vật tứ linh này đều hội tụ ở đây cả, quả là một điều hiếm có. Duy có một điều ngay cả lão cũng không thể tin nổi là trong sơn cốc này có một con rắn màu xanh.
Lão Dũng kể lại, buổi trưa hôm đó, khi tốp thợ đào đất đã nghỉ, lão vào hang xem lại công trình. Đúng lúc đó có một con rắn màu xanh lam, đầu có mào cũng màu xanh, to bằng cổ tay dài chừng 1m từ trong hang bò ra. Nó lượn quanh hang động mấy lần rồi lại chui vào hang.
Nhiều lần sau nữa, khi những cơn mưa vừa tạnh, lão lại thấy con rắn kỳ lạ này. Nó bò ra để sưởi nắng, khi thì vắt vẻo trên cành cây, khi thì sải mình trên phiến đá.
Thấy mình có thiền duyên từ hai bức tượng Phật người cha gửi từ chốn quê nghèo
Lão Dũng kể, khi đã tìm được nơi đặt thạch thất lão đã chính thức ẩn mình. Ngày ngày vui thú với khung cảnh yên bình nơi sơn thôn và cầu kinh niệm Phật. Từ mùa đông gió rét cho đến những ngày hè nóng nực cả những đêm mưa không ngớt cũng chỉ mình lão ở lại sơn cốc. Lão tồn tại nhờ cơm nếp, muối vừng và những nắm rau rừng.
Khi đã dẫn chúng tôi thăm hết thạch thất rồi giảng giải đủ điều về Phật pháp lão mới bắt đầu trải lòng về quá khứ của mình.
Bàn tay Phật thủ ấn mà lão Dũng tìm được trong hang động |
Lần hồi khắp nơi kiếm miếng ăn nhưng cái máu văn nghệ sĩ trong lão luôn chiến thắng được cơm áo gạo tiền. Năm 1984, lão lại nộp hồ sơ thi vào khoa Lý luận, Nhạc viện Hà Nội. Năm đó lão đỗ thủ khoa. Đang là thầy giáo lão bị “hạ cấp” xuống làm sinh viên.
Sống ở nơi “gạo châu củi quế”, sinh viên ngày đó cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Đúng năm đó, bố lão ở quê đã xin được 2 bức tượng Phật nhỏ của ông sư chùa Sãi cho. Cụ thân sinh gửi 2 bức tượng này cho lão, với hàm ý, lão là người học cao lại theo mảng văn hóa có thể hiểu hơn về 2 bức tượng này.
Khi đó, lão chưa hiểu gì về đạo Phật. Lão chỉ nghĩ rằng, 2 bức tượng này rất có thể là đồ cổ, nếu mang bán sẽ kiếm được khối tiền. Nghĩ là lão làm, lão mang 2 bức tượng này đến cho tay buôn đồ cổ nổi tiếng đất Hà thành xem.
Đôi chim phượng tại sơn cốc |
Mấy năm sinh viên cũng lặng lẽ trôi qua, lão về làm việc tại một cơ quan cấp bộ. Trong quá trình làm việc tại bộ này, lão được cử đi Úc tu nghiệp để bảo vệ luận án thạc sĩ về lý luận âm nhạc. Tại đây, như duyên trời đã định, lão đã chính thức thấy mình có căn số tu hành.
Theo một người bạn đến thăm một chùa ở xứ chuột túi, lão đã gặp một vị sư người Đài Loan. Vừa gặp lão, vị cao tăng này đã bảo, lão đã sắp hết nghiệp trần và chuyển sang nghiệp tu. Lời vị cao tăng ở buổi gặp gỡ tình cờ ấy cứ bám riết, ám ảnh lão suốt những năm sau đó.
Mở lòng với thiên nhiên và kế hoạch cách ly với thế giới bên ngoài
Về nước, lời vị cao tăng đó văng vẳng, khiến lão ý thức hơn về việc tu hành. Có một điều lạ, từ khi rời xa quê lúa, lang bạt khắp nơi nhưng lão chưa hề có ý định muốn kết hôn. Nhiều mối tình tưởng như đã thành, vậy mà đôi lứa lại nói lời chia tay. Dường như duyên phận của lão chưa tới nên giờ đây đã ở tuổi lục tuần mà lão chưa hề có vợ.
Và, cho đến ngày tìm ra thạch động này, lão đã quyết định… giã từ cuộc sống hồng trần. Lão kể, khi về quê, thưa với bậc sinh thành để theo nghiệp tu hành, ai cũng phản đối. Thế nhưng, thấy quyết tâm của lão, nghe những chuyện mà lão cho rằng đó là thiên duyên với nhà Phật thì mọi người cũng dần hiểu ra, không ngăn cản nữa.
Những bức tượng Phật này lão Dũng cất công mua tận Tây Tạng |
Rời chốn tu hành của lão, tôi cứ nghĩ mỗi người sinh ra đều có lựa chọn con đường đi cho riêng mình. Tu hành ấy là con đường mà người đàn ông mà nhiều người cho là gàn dở này đã chọn. Lão thấy lòng mình thanh thản nhẹ nhàng thì đó là lựa chọn đúng.
TheoBáo Gia đình và Cuộc sống
Bình luận