Những năm gần đây, các nhà sản xuất điện thoại đã đầu tư vô cùng mạnh mẽ vào camera, từ nâng cấp khả năng chụp thiếu sáng đến hỗ trợ AI, giúp cho việc chụp ảnh trên smartphone dễ dàng và chất lượng ảnh được nâng cấp rất nhiều. Tuy nhiên, muốn biết làm sao để tối ưu hóa hiệu năng camera trên smartphone của bạn, hãy thử qua một số mẹo chụp ảnh đẹp dưới đây nhé.
Không ngại ánh sáng khó
Nhiếp ảnh luôn là cuộc chơi của ánh sáng, dù là chụp bằng smartphone hay DSLR chuyên nghiệp, ánh sáng đóng vai trò lớn nhất trong việc quyết định chất lượng ảnh chụp. Thế nên, hầu hết các bạn đều được khuyên rằng khi chụp ảnh nên tránh để ảnh bị ngược sáng, thiếu sáng, chênh sáng.
Lời khuyên này là hoàn toàn đúng, nhưng smartphone giờ đây với công nghệ AI, HDR +, chế độ phơi sáng... đã có thể hỗ trợ giải quyết những khoảnh khắc cần chụp trong những điều kiện ánh sáng khó như chợ hoa, chợ đêm hay hoàng hôn. Vậy nên nếu muốn ghi lại những khoảnh khắc trong điều kiện ánh sáng khó, phức tạp thì cứ mạnh dạn đưa máy lên và chụp, hiệu quả mang lại đôi khi sẽ khiến bạn bất ngờ.
Đừng sử dụng đèn flash
Nếu như camera smartphone đã cải tiến rất nhiều trong những năm qua thì ngược lại đèn flash vẫn chưa được các nhà sản xuất quan tâm đến. Flash trên smartphone ngày nay vẫn chủ yếu đóng vai trò như đèn pin nhiều hơn là thật sự giúp ích cho việc cải thiện chất lượng ảnh chụp. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, việc cố chụp bằng đèn flash còn làm ảnh bị nhòe, lệch sáng, lệch màu.
Tuy vậy, đèn LED trên camera selfie có thể giúp ích nhiều khi chụp thiếu sáng. Ngoài ra, bạn vẫn có thể tận dụng đèn flash nếu thực sự làm chủ được tình huống, để sáng tạo ảnh theo phong cách của mình.
Cân chỉnh bố cục ảnh nữa nhé!
Ngoài những nguyên tắc về bố cục cơ bản như nguyên tắc 1/3, nguyên tắc đường hội tụ hay nguyên tắc đối xứng, bạn cần lưu ý những yếu tố khác trong việc hình thành bố cục trên smartphone ngày nay.
Sử dụng tính năng Zoom một cách chủ động
Smartphone ngày nay được trang bị khả năng zoom 2x, 3x, 10x, thậm chí 50x hay 100x. Tuy nhiên ngoài một số smartphone cao cấp có ống kính riêng cho từng mức zoom, người dùng cần hiểu rằng hầu hết các con số này ở smartphone thông thường chỉ là zoom kỹ thuật số.
Đối với zoom quang học, zoom có ống kính riêng, bạn có thể tận dụng để chụp trong nhiều trường hợp.
Nhưng với zoom kỹ thuật số sẽ giảm chất lượng ảnh và khiến ảnh trông nhòe hơn, dễ vỡ ảnh. Vì vậy, thay vì sử dụng zoom, bạn hãy chọn cho mình khoảng cách phù hợp với chủ thể để có những tấm ảnh chất lượng hơn.
Quan tâm đến bố cục màu
Một điều các bạn thường dễ bỏ qua là sự phân bổ, sắp xếp giữa màu sắc trong bức ảnh. Màu sắc trong ảnh cần được bố trí sao cho có độ tương phản hoặc hỗ trợ nhau nhất định. Việc này hầu như không làm ảnh hưởng đến chất lượng ảnh nhưng trong nhiều trường hợp có thể thay đổi hoàn toàn nội dung bức ảnh.
Ví dụ khi chụp một chủ thể màu đỏ rực trong phông nền tối sẽ tạo cảm giác ma mị cho bức ảnh. Hay như việc kết hợp quá nhiều màu tươi như vàng, đỏ trong điều kiện nắng gắt sẽ làm ảnh bị rực và gắt lên.
Làm nổi bật chủ thể
Việc này nghe thì có vẻ đơn giản, ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được. Đa số trường hợp sẽ sử dụng chế độ xóa phông của điện thoại nhưng vẫn có nhiều cách khác có thể hiệu quả hơn. Có thể kể đến như là đặt chủ thể vào bố cục 1/3, bố cục đường hội tụ, hay đơn giản nhất là chọn background tương phản để làm nổi bật chủ thể cần chụp.
Cũng giống như zoom, hầu hết các điện thoại hiện nay đều có thể xóa phông được. Tuy nhiên, khoảng cách giữa việc “xóa được” và “xóa đẹp” là tương đối lớn. Gần như chỉ có các hãng có trang bị ống kính xóa phồng riêng (xóa phông bằng phần cứng) mới có thể cho ra bức ảnh xóa phông tương đối ổn.
Xóa phông nên được sử dụng có chừng mực trong một số hoàn cảnh cụ thể như chụp chân dung, chụp tĩnh vật... Việc lạm dụng xóa phông với một thiết bị không đáp ứng đủ sẽ phản tác dụng, ảnh xóa phông bị lẹm, xóa không đều, làm cho ảnh trở nên giả hơn.
Chụp từ nhiều góc độ khác nhau
Khi phát hiện ra một chủ thể muốn chụp nhưng lại không có góc độ phù hợp, người chụp nên chủ động di chuyển để tìm ra một hoặc một số góc chụp phù hợp. Trường hợp này sẽ gặp rất nhiều vào dịp Tết, như khi muốn chụp bông hoa nhưng bị vướng cành, vướng hậu cảnh. Hay như chụp ở chợ hoa đông người qua lại, không phải lúc nào cũng có góc máy phù hợp với bối cảnh và chủ thể muốn chụp.
Chụp liên tục nhiều ảnh
Không phải mọi lúc người chụp đều có thể chụp được ngay bức ảnh mà mình mong muốn, hoặc có thể có yếu tố làm ảnh hưởng như chớp mắt, có vật cản ngang qua. Để hạn chế tình trạng này, người chụp nên bấm 2-3 lần cho cùng 1 bức ảnh, sau đó chọn ra ảnh đẹp nhất giữ lại.
Chụp tất cả những gì bạn thích
Việc này có 2 tác dụng, một là có thể vô tình bắt được một khoảnh khắc thú vị, hai là có thể từ từ nâng cao tay nghề của người chụp. Hơn nữa, smartphone ngày nay hầu như đều được trang bị bộ nhớ trong lớn (128GB – 256GB), đảm bảo cho việc lưu trữ vài ngàn hay thậm chí vài chục ngàn bức ảnh trong điện thoại. Với sự hỗ trợ từ công nghệ đó, cứ hãy thỏa sức sáng tạo thôi.
Không lạm dụng bộ lọc, ứng dụng chụp ảnh bên thứ ba
Camera mặc định được hãng trang bị riêng trên từng smartphone chính là ứng dụng camera hiệu quả nhất đối với smartphone đó, là ứng dụng khai thác được tối đa phần cứng camera của smartphone. Ứng dụng hay bộ lọc bên thứ ba được phát triển phù hợp cho số đông, nên sẽ khó tối ưu được phần cứng. Hơn nữa, việc chọn bộ lọc sẽ làm mất đi độ chân thực của ảnh, sai lệch màu sắc, hầu như không thể chỉnh sửa khác được nữa.
Sử dụng ứng dụng chuyên môn để chỉnh sửa ảnh
Sau khi có ảnh mới là lúc thích hợp nhất để chỉnh sửa lại. Hiện nay hầu hết các nhà sản xuất đều có ứng dụng chỉnh sửa ảnh của họ, cài mặc định trên máy, cá biệt một số hãng còn sử dụng cả chip AI trong việc này, nhằm tự động hóa đến mức tối đa và mang lại sự dễ dàng cho người dùng. Còn nếu bạn là người có kiến thức về chỉnh sửa ảnh, bạn hoàn toàn có thể sử dụng những ứng dụng như Snapseed, VSCO, v.v để chỉnh sửa ảnh đã chụp sao cho vừa với ý mình nhất.
Cuối cùng: Không áp dụng quy tắc nào cả!
Các quy tắc chủ yếu để người dùng có thể chụp ra một bức ảnh đẹp, nhưng như thế nào là đẹp thì lại không có quy định nào cả. Thậm chí, khi bạn đã hiểu rõ những quy tắc này, chính chúng lại cản trở sự sáng tạo trong con người bạn. Vậy nên, cứ hãy tự tin chụp những gì mình thích, những gì mình cho là đẹp. Bức ảnh mình thích nhất chính là bức ảnh đẹp nhất.
Với những lời khuyên trên, hy vọng có thể giúp ích cho các bạn. Chúc các bạn luôn vui vẻ và có được nhiều bức ảnh đẹp với smartphone của mình.
Bình luận