Camera dưới màn hình tốt hơn. Sau ZTE, nhiều hãng smartphone đã trang bị camera dưới màn hình trong năm 2021 như Xiaomi và Samsung. Tuy nhiên, điểm chung là chất lượng camera còn thấp, khu vực màn hình phía trên có độ phân giải kém khiến trải nghiệm hiển thị chưa liền mạch. Năm 2022, trang Android Authority dự đoán camera dưới màn hình được cải thiện chất lượng và công nghệ, tuy nhiên không phải flagship nào cũng sẽ có tính năng này. (Ảnh: Xuân Tiến)
Cinematic Mode dành cho Android. Có mặt trên iPhone 13, đây là chế độ quay phim chân dung, làm mờ phông nền thông minh. So với quay phim chân dung truyền thống trên smartphone Samsung hay Huawei, Cinematic Mode trên iPhone có thể tự lấy nét và theo dõi chủ thể, hỗ trợ chỉnh sửa sau khi quay. Sang năm 2022, các hãng smartphone Android có thể "học tập" Apple để cải thiện tính năng này. (Ảnh: Apple)
Sự trở lại của camera RGBW. Xuất hiện lần đầu trên mẫu Huawei P8 năm 2015, cảm biến RGBW bổ sung điểm ảnh phụ màu trắng vào các mảng màu đỏ, xanh dương và xanh lá, giúp camera thu nhiều ánh sáng và giảm nhiễu tốt hơn. Năm 2022, RGBW có thể phổ biến khi Oppo đã công bố cảm biến RGBW tự phát triển, trong khi Vivo, Samsung và Sony cũng đang nghiên cứu công nghệ này. (Ảnh: Oppo)
Khả năng chống rung tốt hơn. Chống rung quang học (OIS) đã xuất hiện trên nhiều smartphone cao cấp. Những năm gần đây, các hãng còn phát triển một số công nghệ chống rung mới như micro-gimbal của Vivo hay chống rung cảm biến của Apple. Trong năm 2022, Vivo sẽ tiếp tục cải tiến micro-gimbal, Samsung dự kiến đưa OIS lên dòng Galaxy A, trong khi Oppo có thể trình làng công nghệ OIS 5 trục vào quý I. Nói cách khác, chúng ta sẽ thấy nhiều smartphone chống rung hơn trong năm nay. (Ảnh: Android Authority)
Camera tele thay đổi tiêu cự. Trong năm 2021, Sony gây chú ý khi tích hợp camera tele có thể thay đổi tiêu cự trên Xperia 1 III và 5 III. Với công nghệ này, thiết bị không cần 2 camera tele độc lập để có 2 mức zoom quang khác nhau (2,9x và 4,4x) với chất lượng không bị ảnh hưởng. Android Authority dự doán Sony có thể cải tiến công nghệ này vào năm 2022. Bên cạnh đó, Oppo cũng ra mắt camera zoom quang liên tục, giúp hình ảnh khi zoom không bị vỡ nét. (Ảnh: GSMArena)
Quay video 8K tốt hơn. Năm 2019, Nubia Red Magic 3 là smartphone đầu tiên hỗ trợ quay video độ phân giải 8K, nhưng khung hình chỉ 15 fps. Sang năm 2020 và 2021, các mẫu chip xử lý đã hỗ trợ quay phim 8K tốt hơn. Năm nay, các hãng sẽ tiếp tục cải tiến khả năng quay phim 8K, có thể hỗ trợ nhiều tính năng như quay ở 60 fps, HDR hoặc chống rung. (Ảnh: SamMobile)
Chip hình ảnh tự phát triển. Đa số smartphone dựa trên bộ xử lý tín hiệu ảnh (ISP) trong chip xử lý để phân tích ảnh chụp từ camera. Trong năm 2021, một số model đã chuyển sang ISP do hãng tự phát triển như Xiaomi Mix Fold hay Vivo X70 Pro Plus. ISP của Xiaomi giúp cải thiện khả năng chụp thiếu sáng, lấy nét tự động và cân bằng trắng. Trong khi đó, ISP của Vivo giúp giảm nhiễu và tiết kiệm năng lượng. Google Pixel đã dùng ISP riêng từ năm 2017 nên sẽ không ngạc nhiên khi các hãng đối thủ giới thiệu ISP tự phát triển trong năm 2022. (Ảnh: Google)
Tính năng xóa đối tượng sẽ trở lại. Dòng Pixel 6 của Google mang đến nhiều tính năng thú vị như Magic Eraser hỗ trợ xóa đối tượng trong ảnh. Trước Google, smartphone của Samsung và Huawei cũng tích hợp chế độ này. Sau khi xuất hiện trên Pixel 6, các hãng như Xiaomi, Oppo hay OnePlus có thể bổ sung tính năng xóa đối tượng trên smartphone năm 2022, giúp người dùng loại bỏ nhanh một số chi tiết trong ảnh mà không cần phần mềm chuyên dụng. (Ảnh: Android Central)
Bình luận