• Zalo

Tên lửa Triều Tiên có thể đã rơi vào đất liền

Thời sự quốc tếThứ Hai, 01/07/2024 16:57:18 +07:00Google News
(VTC News) -

Quân đội Hàn Quốc cho rằng tên lửa đạn đạo do Triều Tiên phóng hôm 1/7 có thể đã có quỹ đạo bay “bất thường” và rơi vào đất liền, gần thủ đô Bình Nhưỡng.

Theo báo cáo từ chính phủ Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo sáng 1/7, lần lượt vào lúc 5h05 sáng và 5h15 sáng theo giờ địa phương, với hai khoảng cách bay khác nhau, 600 km và 120 km.

Khi được hỏi về những khoảng cách này, ông Lee Sung-jun, người phát ngôn Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc, cho biết: “Có khả năng tên lửa phóng thứ hai đã có quỹ đạo bay bất thường ở giai đoạn đầu”.

Ông Lee nói thêm: “Nếu tên lửa phát nổ trong một chuyến bay bất thường, có khả năng các mảnh vỡ đã rơi vào đất liền”. Quân đội Hàn Quốc đang “phân tích toàn diện” nhiều khả năng khác nhau, trong đó có khả năng này. 

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trong khi đó Seoul cho rằng tên lửa đầu tiên, với khoảng cách bay 600 km, là tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Hai tên lửa phóng về phía đông bắc từ khu vực Changyon-gun, tỉnh Nam Hwanghae, cách Bình Nhưỡng khoảng 130 km về phía tây nam.

Nếu tên lửa phát nổ sau khi bay cách Changyon-gun 120 km về phía đông bắc, các mảnh vỡ có thể đã rơi xuống gần Bình Nhưỡng, dựa trên khoảng cách di chuyển từ địa điểm phóng.

JCS cũng không thể xác nhận liệu có vụ nổ nào gần Bình Nhưỡng hay không. 

Triều Tiên chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào sau vụ phóng vào sáng 1/7, nhưng trước đó, Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) tố cáo cuộc tập trận quân sự gần đây của Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản có tên là “Freedom Edge”, là một dấu hiệu khác cho thấy ba đối tác “phô trương cơ bắp quân sự liều lĩnh và khiêu khích”.

Tuyên bố cho biết Triều Tiên sẽ “tiếp tục thực hiện những nỗ lực quan trọng để ngăn chặn các hành động gây xáo trộn hòa bình và ổn định” trên bán đảo.

Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh - một hiệp định đình chiến đã chấm dứt chiến tranh Triều Tiên vào năm 1953 nhưng chưa có hiệp ước hòa bình chính thức nào được ký kết.

Mối quan hệ giữa hai nước phần nào tan băng trong năm 2017 và 2018, nhưng tình hình xấu đi trong những năm tiếp theo, Triều Tiên tăng cường thử nghiệm vũ khí, các cuộc đàm phán ngoại giao không có kết quả đáng kể. 

Trong khi đó, cả hai quốc gia xích lại gần hơn với các đối tác - Triều Tiên gần đây ký một thỏa thuận quốc phòng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản và Mỹ. 

 

Phương Anh (Nguồn: CNN )
Bình luận