• Zalo

Tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc chặn Mỹ ở Biển Đông?

Thế giớiThứ Hai, 02/02/2015 12:07:00 +07:00Google News

Truyền thông Đài Loan đưa tin Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm để ngăn tàu chiến Mỹ tiến vào Biển Đông.

(VTC News) - Truyền thông Đài Loan đưa tin Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm để ngăn tàu chiến Mỹ tiến vào Biển Đông.

Want China Times dẫn nguồn tạp chí quốc phòng uy tín Kanwa nói Đơn vị pháo binh số 2 - lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc đã triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm ở tỉnh Quảng Đông.
Động thái này được nói là để 'ngăn chặn tàu chiến, tàu sân bay Mỹ tiến vào khu vực tranh chấp ở Biển Đông'. 
Tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21 (DF-21) của Trung Quốc 
Theo Lầu Năm Góc, từ năm 2010, Trung Quốc đã mở rộng hoạt động của Đơn vị pháo binh số 2 tại tỉnh Quảng Đông. 
Khu vực này được cho là có ít nhất 9 điểm bố trí tên lửa đạn đạo dành cho thiết bị phóng di động và 13 điểm bắn tên lửa cho các thiết bị khác.
Ảnh vệ tinh quân sự của Mỹ cũng thể hiện Trung Quốc xây cả căn cứ, công sự tại những điểm bố trí tên lửa.
Với tầm bắn khoảng 2.700km của tên lửa DF-21 (Đông Phong-21), Trung Quốc muốn tạo ra 'vòng lửa' ngăn chặn chiến hạm Mỹ và đồng minh tiến vào Biển Đông, theo Kanwa.
Loại tên lửa này cũng được cho là sẽ nhằm vào tàu sân bay Mỹ ở eo biển Đài Loan trong trường hợp có xung đột.
Trung Quốc được cho là cũng đang triển khai mạnh mẽ việc bố trí tên lửa đạn đạo ở những cứ điểm quân sự khác của nước này. 
Trang mạng quân sự Trung Quốc Chinamil nói nước này đã thử thành công tên lửa Đông Phong - 41, thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất và sẽ sớm đi vào phục vụ quân đội.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 của Trung Quốc 
Theo đó, Đông Phong - 41 sử dụng nhiên liệu rắn, mang được tối đa 10 đầu đạn,  phóng từ bệ phóng cố định, tầm bắn 14.000 km, tức là có khả năng bắn tới thủ đô Washington của Mỹ. 
Một số trang mạng của Trung Quốc còn nói rằng, Đông Phong - 41 là sát thủ tiêu diệt tàu sân bay - vốn là một trong những vũ khí chiến lược của hải quân Mỹ.
Tân Hoa Xã cho biết, tên lửa chủ lực của Trung Quốc hiện tại là Đông Phong - 5, sử dụng nhiên liệu lỏng, tầm bắn hạn chế hơn nhiều so với "người anh em" vừa được thử thành công hồi tháng 8 vừa qua.
Cũng trong tháng 8/2012, hải quân Trung Quốc được cho là đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo mang tên Cự Lãng - 2 từ tàu ngầm. Tên lửa này có tầm bắn 7.200 km và cũng có khả năng mang theo nhiều đầu đạn.
Tên lửa Cự Lãng được nghiên cứu sử dụng trên tàu ngầm Trung Quốc 
Tờ Bưu điện Washington dẫn lời quan chức CIA nói “công nghệ hạt nhân đã được Trung Quốc đẩy mạnh từ 15 năm trước, nhưng việc này không được Mỹ và các nước sở hữu vũ khí hạt nhân chú ý nhiều”.
“Tuy nhiên, cũng cần khẳng định là cho dù Đông Phong - 41 có thể mang được nhiều đầu đạn thì khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn là vài chục năm”, nguồn tin CIA của tờ Bưu điện Washington nói thêm.
Chi phí nghiên cứu loại tên lửa dùng nhiên liệu rắn với khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân này là 1.1 tỷ USD. 
Sergei Tikhonov, chuyên gia vũ khí Nga nói mức tăng trưởng chi tiêu quân sự của Bắc Kinh đứng thứ hai thế giới sau Matxcơva.
Trung Quốc đã bắt đầu chương trình nghiên cứu tên lửa mang tên 41H từ năm 2009. Đến năm ngoái, nước này được cho là đã thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 với tốc độ Mach 6 (gấp 6 lần tốc độ âm thanh) và tầm bắn 15.000 km.
Tuy nhiên, truyền thông Đài Loan đánh giá tên lửa Trung Quốc 'không có cửa' so với tên lửa Mỹ.
Washington đã dành 12 năm và tiêu tốn 16 tỷ USD để phát triển tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm GM-133 Trident II.
Trung Quốc đã dành phần lớn nhân lực và ngân sách quốc phòng để thiết kế tên lửa chiến thuật, chiến lược, nhưng chất lượng vũ khí Trung Quốc bị cho là còn lâu mới ngang tầm Mỹ.

Văn Việt (Theo Hoàn Cầu thời báo, Want China Times)
Bình luận
vtcnews.vn