Ngày càng mở rộng quy mô, chất lượng
Techfest là sự kiện thường niên do Bộ KHCN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức dành cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
Mục tiêu của Techfest là trở thành sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) hàng đầu Việt Nam, thu hút sự quan tâm và tham gia của cộng đồng khởi nghiệp quốc tế; tập trung kết nối đầu tư, tạo cơ hội bước ra sân chơi quốc tế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam; và trở thành một kênh hiệu quả trong việc góp ý, đề xuất kiến nghị về hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST Việt Nam.
Theo ông Phạm Dũng Nam, sau 3 năm tổ chức, Techfest đã và đang có những bước đổi mới và phát triển cả về quy mô và chất lượng, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo ra nhiều cơ hội trao đổi, kết nối.
Lần đầu tiên tổ chức vào năm 2015, Techfest thu hút được hơn 1000 lượt khách tham dự, trong đó có hơn 50 nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểu và các cơ sở ươm tạo danh tiếng trong nước và quốc tế, 100 doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng. Tổng giá trị cam kết đầu tư sau sự kiện đạt hơn 1 triệu USD.
Năm 2016, Techfest được tổ chức với quy mô lớn hơn với trên 3000 lượt người tham dự sự kiện, hơn 180 doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào các hoạt động như triển lãm sản phẩm, dịch vụ, kết nối đầu tư, kết nối nhân lực và tìm kiếm các cơ hội hợp tác, giao lưu.
Có 120 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước đến dự sự kiện để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kết nối và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. 80 diễn giả đã tham gia vào chuỗi tọa đàm, hội thảo, đưa ra những nhận xét về thực trạng cũng như triển vọng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, các hoạt động kết nối đầu tư – một trong những hoạt động quan trọng của Techfest, đã diễn ra liên tục xuyên suốt sự kiện, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp, qua đó kết nối 250 lượt nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Năm 2017, Techfest có quy mô lớn gấp nhiều lần so với những năm trước, với chuỗi hoạt động, chuẩn bị công phu của 6 làng công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp và đối tác. Sự kiện thu hút trên 4500 lượt người tham dự, trong đó có đại diện của hơn 100 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, hơn 170 cuộc kết nối đầu tư từ trước và trong sự kiện được thực hiện.
Bên cạnh đó, 29 thương vụ có khả năng có khả năng đầu tư lên đến 4,5 triệu USD; 250 doanh nghiệp khởi nghiệp đã đăng ký tham gia trình diễn, trưng bày sản phẩm, dịch vụ ĐMST trong nhiều lĩnh vực thông qua các “làng” công nghệ, khởi nghiệp như công nghệ nông nghiệp, công nghệ giáo dục, công nghệ y tế, công nghệ tiềm năng và tài chính, công nghệ tiên phong, khởi nghiệp du lịch, ẩm thực, cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp.
“Có thể thấy, sau mỗi năm, số lượng người tham dự Techfest đều tăng lên, các đối tác, nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp đều phát triển ngày một mạnh mẽ hơn”, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KHCN nhận định.
Chuỗi hoạt động của Techfest 2018
Năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ KHCN, Trương ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với UBND TP, Đà Nẵng và các địa phương tổ chức chuỗi hoạt động của Techfest 2018 với định hướng chủ đạo “Khởi nghiệp sáng tạo 4.0 – Kết nối toàn cầu”.
Sự kiện có sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp, các chuyên gia, nhà đầu tư rong và ngoài nước; góp phần nâng cao tinh thần và văn hóa khởi nghiệp quốc gia; tăng cường kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong nước và quốc tế; cung cấp thông tin và thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư quốc tế, người Việt Nam tại ngước ngoài. Dự kiến có khoảng 4500 người tham dự các hoạt động của Techfest 2018.
“Năm 2018 đánh dấu nhiều dấu mốc quan trọng trong hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia 2018 sẽ là điểm nhấn, một sự tổng kết cuối năm của những kết quả tích cực đó”, ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844, Bộ KHCN chia sẻ.
Chuỗi hoạt động gồm 10 hoạt động chính, bao gồm:
+ Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018 với chủ đề: Thanh niên khởi nghiệp ĐMST diễn ra từ ngày 18-29/11. Theo đó, 100 nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp có dự án, kế hoạch xuất sắc do Ban Tổ chức lựa chọn có chuyến hành trình từ 2 miền Nam, Bắc đi qua các tỉnh thành để tới TP. Đà Nẵng, tham gia các hội thảo, tọa đàm, giao lưu về khởi nghiệp ở các địa phương nơi hành trình đi qua.
Đồng thời, thăm quan, trải nghiệp thực tế ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các mô hình startup tiêu biểu ở các địa phương; được triển lãm các sản phẩm khởi nghiệp ĐMST; tham gia các buổi kêu gọi vốn đầu tư do Ban Tổ chức Hành trình sắp xếp,…
Trong Hành trình, sẽ có 2 hội thảo chuyền đề xây dựng hệ sinh tháo khởi nghiệp sáng tạo địa phương và kiến nghị chính sách từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Quảng Ninh và Thừa Thiên – Huế. Kết quả của các hội thảo sẽ được báo cáo tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp ĐMST, dự kiến có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ.
- Cuộc thị Khởi nghiệp Jumping to 4.0 diễn ra từ ngày 10/10 đến 28/11, tuyển chọn những dự án, kế hoạch ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên. Qua vòng sơ khảo, 30 dự án sẽ được chọn ra để đi tiếp vào vòng tư vấn, diễn ra ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM từ ngày 10-20/11. Ở vòng bán kết, dựa vào video clip thuyết trình về dự án của các nhóm sau khi nhận tư vấn, Ban Tổ chức sẽ chọn ra 10 đội bước vào vòng chung kết ở Đà Nẵng trong 5 ngày từ 25-29/11.
Các đội đạt giải sẽ được đến thăm Quốc gia Khởi nghiệp Israel, gặp gỡ các nhà đầu tư khởi nghiệp tại Israel, gói hỗ trợ truyền thông trong 1 năm, giấy chứng nhận của Ban Tổ chức Cuộc thi và cam kết đầu tư trực tiếp của Ban Tổ chức, các nhà đầu tư. Ngoài ra, những đội lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Jumping to 4.0 sẽ được tham gia vòng bán kết Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo 4.0.
- Diễn đàn Đối thoại chính sách khởi nghiệp ĐMST diễn ra vào chiều 29/11 tại Đà Nẵng nhằm tạo kênh tổng hợp thông tin, kiến nghị của thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước đến Chính phủ, các cơ quan, Ban, ngành Nhà nước về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, đồng thời trao đổi về các giải pháp, đề xuất, sáng kiến đóng góp để xây dựng hệ sinh thái.
- Lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST quốc gia 2018 diễn ra vào tối 29/11 tại Đà Nẵng.
- Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong khu vực diễn ra vào ngày 30/11 tại Đà Nẵng nhằm chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và thảo luận các biện pháp cùng phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong khu vực và trên thế giới.
- Hội nghị giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cấp địa phương diễn r vào ngày 30/11 tại Đà Nẵng nhằm thảo luận về cơ chế chính sách của địa phương về khởi nghiệp ĐMST, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thành công của một số địa phương. Đồng thời, thảo luận về xu hướng công nghệ, tiềm năng ứng dụng công nghệ, kinh nghiệm khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái, phát triển công ty khởi nghiệp…
- Chuỗi hội thảo chuyên đề trong các lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp (giáo dục, tài chính, y tế, nông nghiệp, du lịch, khởi nghiệp ĐMST trong cách mạng công nghiệp 4.0…) diễn ra trong 2 ngày 30/11 và 1/12 tại Đà Nẵng.
- Phiên kết nối đầu tư và phát triển kết nối đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST diễn ra vào ngày 30/11 tại Đà Nẵng.
- Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo công nghệ 4.0 diễn ra từ 10/2018 đến ngày 1/12/2018.
- Lễ bế mạc Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST quốc gia 2018 diễn ra vào ngày 1/12 tại Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Techfest 2018, sẽ diễn ra những hoạt động triển lãm và giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp ĐMST, có khoảng 200 gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST theo các lĩnh vực công nghệ và khu trưng bày của đại diện các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển trong khu vực và quốc tế…
Bình luận