• Zalo

Tay súng đánh thuê thành người hùng Olympic

Thể thaoThứ Ba, 07/08/2012 01:20:00 +07:00Google News

(VTC News)- Mỗi bước chạy của VĐV điền kinh Lopez Lomong ngày hôm nay đều mang dấu ấn của một quá khứ ảm đạm đầy khói súng chiến tranh, bắt cóc và chết chóc.

(VTC News)- Mỗi bước chạy của VĐV điền kinh Lopez Lomong ngày hôm nay đều mang dấu ấn của một quá khứ ảm đạm đầy khói súng chiến tranh, bắt cóc và chết chóc.

Lomong, người cầm cờ danh dự cho đoàn thể thao Mỹ tại Olympic Bắc Kinh 2008 là một trong số hàng ngàn những người tị nạn được biết đến với tên gọi “Những cậu bé mất tích” (The Lost Boys), những nạn nhân của cuộc nội chiến lâu dài và tàn bạo của Sudan.

Ở tuổi lên sáu, VĐV gốc Sudan bị một nhóm binh sĩ bắt cóc vào một buổi sáng Chủ nhật trên quê hương mình. Cùng với lũ trẻ lố nhố trong nhà giam, Lomong sẽ được huấn luyện để trở thành một chiến binh tí hon. 

Lopez Lomong cầm cờ cho đoàn Mỹ tại Bắc Kinh 2008.

“Ngày nào tôi cũng phải đứng nhìn bạn đồng lứa chết rồi tự nhủ “Ok. Lần tới sẽ đến lượt mình thôi”. Cuộc sống của tôi cơ bản đã thay đổi, lúc đó tôi không còn là thằng nhóc 6 tuổi nữa, mà là một người lớn thực thụ”, Lomong bồi hồi nhớ lại.

Vài tuần sau đó, Lomong may mắn được 3 đứa trẻ từng bị bắt cóc giúp vượt ngục. 4 đứa chân đất chân cát cắm đầu chạy thục mạng, theo cách gọi của VĐV người Mỹ, hệt như “một cuộc đua tự do”. Sau 3 ngày 3 đêm thì chúng sang đến đất Kenya, nơi Lomong sống 10 năm tiếp theo trong trại tị nạn.

Năm 2001, theo chương trình hợp tác của chính phủ Mỹ và Liên hợp quốc, Lomong nằm trong số 4000 “Lost Boys” được hỗ trợ tái định cư ở khắp các thành phố khác nhau của Hoa Kỳ. Sau đó, anh đã được một gia đình ở Tully, một thị trấn nhỏ thuộc bang New York nhận nuôi và cho đi học. Từ đây, Lomong bắt đầu tính đến chuyện trở thành một VĐV điền kinh chuyên nghiệp.
Lomong chính thức nhập quốc tịch Mỹ từ năm 2007. Một năm sau đó, anh đại diện cho thể thao xứ phù hoa đến Bắc Kinh tranh tài ở nội dung 1.500m. 

Lomong tại London 2012

Rất tiếc, Lomong đã không vào được chung kết trong kì Olympic đầu tiên của mình. Vì thế, tại Olympic năm nay, anh quyết tâm mang huy chương vàng cho quê hương thứ hai của mình cùng với ước mơ cháy bỏng là làm thay đổi quê hương ở Nam Sudan.

“Chúng tôi phải trở lại đó để mở mang tri thức, mang nước sạch, lương thực và thuốc men cho người dân quê mình”, Lomong cho biết.

Thêm vào đó, anh muốn chia sẻ câu chuyện của mình để bạn bè thế giới biết anh đến từ đâu và vì sao anh lại muốn chạy đến thế: “Tôi muốn kể câu chuyện của mình cho tất cả những ai chưa từng có tiếng nói riêng bởi vì vẫn còn rất nhiều đứa trẻ hiện tại vẫn đang chịu khốn khổ trên chặng đường kinh khủng tôi đã trải qua. Chúng vẫn bị bắt cóc. Chúng vẫn bị đói hằng ngày và chúng không có gia đình”.

“Chúng tôi cần phải nói với thế giới hãy dừng những hành động đó lại, đừng dạy những đứa trẻ cầm súng AK-47 đi chiến đấu. Hãy để lũ trẻ chơi và làm những điều chúng muốn để chúng có thể nhìn thấy tương lai của mình”.



Cát Đằng

Bình luận
vtcnews.vn