Theo phản ánh của ngư dân có tàu vỏ thép hư hỏng tại Bình Định, mới đây đại diện Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (nhà cung cấp máy cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu) đã tìm đến, thương thảo với 10 ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng.
Ngư dân Nguyễn Công Đồng (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu vỏ thép BĐ 99047 TS cho biết: “Hôm 15/6, có 3 người phía bên Công ty Hoàng Gia Phát đến đặt điều kiện muốn khắc phục sự cố máy.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, tất cả tài sản của họ không đủ để thay hết 10 máy tàu cho ngư dân. Nếu ngư dân không chịu thương lượng, đi theo con đường của họ, ép họ vào bước đường cùng thì công ty sẽ phá sản, ngư dân sẽ chịu thiệt. Họ còn dọa sẽ… tự vẫn nếu ép họ vào đường cùng”.
Còn ngư dân Đinh Công Khánh, chủ tàu BĐ 99086 TS cho hay: “Đại diện công ty đã gặp chúng tôi năn nỉ để họ sửa chữa, khắc phục máy. Còn dư tiền bao nhiêu thì công ty sẽ tính lại cho ngư dân nhưng chúng tôi không chịu.
Theo hợp đồng, máy trị giá hơn 2,5 tỷ chứ đâu phải số tiền nhỏ, giờ hỏng thì ai dám sửa chữa. Hơn nữa, trước đó công ty có văn bản cam kết thay máy mới mà giờ họ lại năn nỉ sửa chữa, chúng tôi nhất quyết không chịu”.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) xác nhận: Sáng hôm (15/6), bà Nguyễn Thị Sinh tự giới thiệu là vợ ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (tại TP Hồ Chí Minh) đã ra Hoài Nhơn để gặp gỡ ngư dân và đặt vấn đề sửa chữa máy Mitsubishi cho các tàu cá có máy hư hỏng.
“Theo bà Sinh, nếu thay toàn bộ máy Mitsubishi mới như trong cam kết thì công ty không đủ khả năng chi trả. Vì vậy, họ xin được sửa chữa. Nhưng tôi không đồng ý. Quan điểm của huyện là phải làm đến nơi đến chốn. Nghị định 67 là phải máy mới chứ không sửa chữa gì hết” - ông Công khẳng định.
Để tìm hiểu sự việc trên, phóng viên đã liên lạc qua điện thoại với ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát nhưng ông không bắt máy.
Video: Tàu vỏ thép 'đắp chiếu' ở Bình Định - Công ty đóng tàu đánh tráo thép Trung Quốc
Ngư dân mệt mỏi chờ thay máy mới
Trong khi đó, đại diện hãng Doosan (Hàn Quốc) đã trực tiếp làm việc ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS để thay phụ tùng. Tuy nhiên, ông Sơn không đồng ý kiểu thay thế kiểu “chắp vá” và yêu cầu phải thay máy mới. Điều khiến ông Sơn phẫn nộ, đại diện hãng Doosan tiếp tục đổ lỗi tàu hỏng máy là do ngư dân.
“12 cái piston mà có 3 cái nhỏ hơn và khác hẳn với những cái còn lại. Buồng nổ máy phải đồng bộ thì máy nổ mới đều được, không đồng bộ thì buộc phải gồng và gãy máy. Cái sai nó sờ sờ ra đó mà họ cứ cãi, còn đổ lỗi là do ngư dân.
Tàu đóng hơn cả chục tỷ đồng đi biển không lời mà còn bị thua lỗ vì tàu hư hỏng liên tục. Bây giờ công ty không chịu thay mới, tàu còn nằm bờ, trong khi nợ ngân hàng bủa vây, ngư dân lấy tiền đâu trả nợ”- ông Sơn bức xúc.
Còn ngư dân ông Nguyễn Văn Lý, chủ tàu BĐ 99004 TS (ở huyện Phù Mỹ) cho biết sau khi thương lượng bất thành trong việc đưa tiền cho ngư dân để đi sửa chữa tàu và yêu cầu không khiếu nại về sau, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đã không liên lạc gì nữa.
“Đóng xong chiếc tàu cá vỏ thép này tui còn nợ ngân hàng 13,6 tỷ đồng, cứ ngỡ có tàu vỏ thép thì việc làm ăn sẽ khấm khá. Nào ngờ 4 chuyến biển đầu tiên nó còn “báo hại” tui thâm nợ thêm gần 500 triệu đồng.
Bây giờ tàu tôi rỉ sét nặng từ vỏ đến boong, cabin… Thi công bị lỗi thế nào mà bủa lưới là quấn chân vịt, hư hỏng, mất mấy trăm triệu rồi. Tàu nằm bờ đã 2 tháng nay, tiền vay còn 13,6 tỷ, nợ quá hạn không biết lấy gì trả...” - ông Lý than.
Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trước bức xúc của ngư dân Bình Định vì tàu vỏ thép 67 hư hỏng, thiếu tướng Nguyễn Văn Dự, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) đã thống nhất với tỉnh trong tháng 6 này Công ty TNHH MTV Nam Triệu khắc phục sự cố tàu vỏ thép cho ngư dân.
Bình luận