Hôm 16/10, tàu cao tốc EMU Lane Xang (Triệu Voi) đã được Trung Quốc bàn giao cho Lào tại ga Viêng Chăn, thuộc hệ thống đường sắt Lào – Trung mới xây dựng.
Theo Hoàn Cầu thời báo, tàu Lane Xang là một phần của dự án đường sắt Lào-Trung, đánh dấu thời điểm kết thúc xây dựng dự án và chuyển sang giai đoạn vận hành. Tàu được giao cho công ty đường sắt Lào-Trung (LCRC) có trụ sở tại Viêng Chăn phụ trách, đưa vào chạy thử khi tuyến đường sắt khánh thành vào tháng 12 tới.
Sau khi khánh thành tuyến đường sắt Lào-Trung, hành trình từ Viêng Chăn, Lào đến biên giới Lào-Trung dự kiến sẽ giảm từ 2 ngày xuống còn 3 tiếng, trong khi đó thời gian đến Côn Minh, Trung Quốc sẽ chỉ còn trong một đêm.
Các quan chức Lào và Trung Quốc nhấn mạnh việc hoàn thành tuyến đường sắt Lào-Trung có ý nghĩa quan trọng với mối quan hệ hai nước và đánh dấu việc Lào bước vào "kỷ nguyên" vận tải đường sắt mới.
Dự án “Vành đai và con đường” đầu tiên hoàn thành
Dự án đường sắt Lào-Trung là một phần của tuyến đường sắt sẽ nối Trung Quốc và Singapore, với phần đi qua Lào dài 414 km, trị giá 5,9 tỷ USD. Đoạn này sẽ chạy từ Boten, biên giới phía Bắc của Lào với Trung Quốc, về phía Nam đến Viêng Chăn, đến biên giới với Thái Lan.
Theo SCMP, khi khánh thành vào tháng 12, tuyến đường sắt cao tốc này sẽ trở thành dự án đầu tiên mà sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc hoàn thành ở vùng đất liền Đông Nam Á. Dự án này được mong chờ thúc đẩy thương mại và du lịch giữa hai nước cũng như hơn thế nữa.
Theo báo Lào Vientiane Times, “đường sắt Lào-Trung là một phần chiến lược của BRI Trung Quốc và kế hoạch của chính phủ Lào nhằm chuyển đổi Lào từ một quốc gia không giáp biển thành một quốc gia kết nối trong khu vực”. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 12/2016.
Đường sắt ở Đông Nam Á - Mạch máu của BRI?
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem các dự án đường sắt là một yếu tố quan trọng của BRI. Phát biểu năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ “Trung Quốc coi trọng các dự án đường sắt và đường cao tốc nối với các nước láng giềng” và, "các dự án này sẽ được ưu tiên xem xét trong việc lập kế hoạch và thực hiện thuộc 'Vành đai và con đường'".
Tuy nhiên, một số dự án đường sắt Trung Quốc cho vay vốn hoặc tham gia thực hiện ở Đông Nam Á đã đình trệ trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và bị huỷ bỏ ở một số nước.
Dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, Indonesia, dài 140 km, mà Indonesia ký thỏa thuận với Trung Quốc năm 2015, ban đầu dự định hoàn thành năm 2018.
Nay dự án vẫn chậm kế hoạch và vượt quá ngân sách khoảng hơn 2 tỷ USD. Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo mới đây đã ban hành nghị định để chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước cho dự án này, và vẫn chưa rõ Trung Quốc hay Indonesia sẽ “gánh” chi phí bị dôi ra.
Một số dự án đường sắt khu vực của Trung Quốc trong quá khứ cũng không thành công. Năm 2014, Myanmar hủy một dự án đường sắt trị giá 20 tỷ USD nối Vân Nam, Trung Quốc và vịnh Bengal do lo ngại về các tác động đến môi trường và một số vấn đề khác. Malaysia năm 2019 hủy dự án đường sắt Phương Đông (ECRL) với nhà thầu Trung Quốc trị giá 20 tỷ USD vì chi phí quá lớn, chỉ riêng tiền lãi một năm đã là khoảng 121 triệu USD. ECRL là một trong những dự án có chi phí ước tính lớn nhất thuộc Vành đai và con đường.
Những lo ngại
Theo Asia Times, Bắc Kinh dường như đang cố gắng thể hiện dự án đường sắt Lào-Trung như một thành công của Vành đai và con đường, khuyến khích các nước Đông Nam Á khác về chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng này.
Nhưng dự án với Lào cũng có những “điểm trừ”, ví dụ khiến nước này phải mang khoản nợ khá lớn. Khoảng 3,6 tỷ USD trong tổng chi phí 5,97 tỷ USD của dự án đường sắt Lào - Trung là từ khoản vay Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc, phần còn lại từ công ty đường sắt - liên doanh 3 công ty do nhà nước Trung Quốc giữ 70% và công ty nhà nước Lào giữ 30%.
Ngay cả phần đóng góp của Lào trong chi phí dự án cũng đang được trang trải bằng các khoản vay từ Trung Quốc. Nền kinh tế 20 tỷ USD của Lào đang có khoảng 12,6 tỷ USD nợ nước ngoài, bao gồm 5,9 tỷ USD nợ Trung Quốc về các dự án đường sắt và dự án khác.
Theo Ngân hàng Thế giới, việc mở tuyến đường sắt Lào có thể làm tăng dòng chảy thương mại giữa Trung Quốc và Lào từ 1,2 triệu tấn năm 2016 lên 3,7 triệu tấn vào năm 2030.
Một phần khác của dự án đường sắt nối Trung Quốc và Singapore sẽ đi qua Thái Lan. Giai đoạn đầu của tuyến này - 253 km giữa Bangkok và Nakhon Ratchasima - có giá 5 tỷ USD. Tuy nhiên với quy mô nền kinh tế lớn hơn, Thái Lan có thể ít lo ngại về chi phí so với Lào.
Bình luận