• Zalo

Tàu ngầm hạt nhân Ấn Độ khiến Trung Quốc phải kiêng nể

Thế giớiThứ Bảy, 09/02/2013 10:18:00 +07:00 Google News

Sau khi được trang bị K-15 “Sagarika”, tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của Ấn Độ đã lọt vào Top 6 tàu ngầm mạnh nhất thế giới.

Sau khi được trang bị K-15 “Sagarika”, tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của Ấn Độ đã lọt vào Top 6 tàu ngầm mạnh nhất thế giới.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, tàu ngầm nước này đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm gần có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Tàu ngầm thực hiện thành công việc này mang ký hiệu K-15 “Sagarika”. Thử nghiệm thành công lần thứ 11 và cũng là lần cuối này đã cho phép nó được đưa vào trong biên chế của hải quân Ấn Độ.

Tàu ngầm hạt nhân nội địa INS “Arihant” của hải quân Ấn Độ 

Các quan chức của tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ DRDO cho biết, trong giai đoạn đầu K-15 sẽ bay trên độ cao khoảng 7km, đến giai đoạn thứ 2 nó vượt hẳn lên độ cao 20km và bay với vận tốc khủng khiếp là Mach7 (tương đương khoảng 9000 km/h).

Trong vòng 1 tháng trở lại đây tàu ngầm của hải quân Ấn Độ đã liên tiếp thử nghiệm loại tên lửa có tầm bắn tới 700km này.

K-15 có chiều dài 6,5m, trọng lượng 7 tấn, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, độ sai lệch mục tiêu chỉ có 25m.

Sau khi chính thức đưa K-15 vào sử dụng, Ấn Độ sẽ chính thức trở thành nước thứ 6 sau Nga, Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc sở hữu khả năng tấn công tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân từ tàu ngầm.

Hải quân Ấn dự định sẽ trang bị K-15 cho các loại tàu ngầm động cơ hạt nhân lớp “Arihant” hiện cũng đang sắp hoàn tất công tác thử nghiệm. “Arihant” là tàu ngầm do Ấn Độ tự chế tạo với sự giúp đỡ công nghệ của Nga.

Tuy tầm bắn không lớn nhưng tên lửa của Ấn Độ có vận tốc vượt trội các nước còn lại, chỉ kém mỗi Nga và còn hơn cả Mỹ.

Với siêu tên lửa K-15, các tàu ngầm hạt nhân của hải quân Ấn Độ sẽ có khả năng tấn công mặt đất cực mạnh, chỉ kém mỗi Mỹ và Nga.

“Arihant” có chiều dài 120m, lượng giãn nước thông thường 6000 tấn, tối đa là 7000 tấn. Lò phản ứng hạt nhân với công suất 85MW giúp tàu đạt tới vận tốc 24 hải lý/h (44km), biên chế chính thức là 95 thủy thủ.

Sự ra đời của “Arihant” cũng biến Ấn Độ trở thành nước thứ 6 trên thế giới chế tạo thành công tàu ngầm hạt nhân, chỉ sau 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc kể trên.

Ấn Độ sẽ trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân K-15 cho Arihant 

Theo tin cho biết, Ấn Độ sẽ đóng mới 6 tàu thuộc lớp “Arihant”, chiếc đầu tiên được hạ thủy năm 2009, chiếc thứ 2 đã được triển khai đóng năm 2011.

Hiện chưa có nhiều thông tin về vũ khí, trang bị của tàu nhưng theo số liệu đã công bố của hải quân Ấn Độ, hệ thống vũ khí chính của tàu là 12 tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân K-15, hệ thống tên lửa chống hạm BrahMos phiên bản phóng từ tàu ngầm và hệ thống phóng ngư lôi 522mm.

Hiện nay, Ấn Độ đang đẩy mạnh phát triển lực lượng tác chiến ngầm gồm cả lực lượng tàu ngầm và hệ thống vũ khí tấn công hạt nhân.

Tạp chí Jane’s Defence Weekly của Anh số ra tháng 8/2012 cho biết, hiện Ấn Độ đang triển khai đóng 43 tàu ngầm các loại, ngoài ra còn 6 tàu ngầm lớp Scorpene đặt hàng của công ty DCNS của Pháp (ở Đông Nam Á hiện Malaysia là nước đầu tiên đặt mua loại tàu này).

Đây là loại tàu ngầm rất hiện đại sử dụng công nghệ động lực không cần không khí, là công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay, chiếc đầu tiên sẽ bàn giao vào năm 2015, chiếc cuối cùng sẽ hoàn tất năm 2018.

Tàu ngầm Scorpene của hải quân Malaysia 

Ngoài ra, ngày 27/01 vừa qua Ấn Độ cũng đã thử nghiệm lần đầu thành công tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm.

Loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này được đặt tên là K-5 có tầm bắn 1500km. Từ trước đến nay Ấn Độ chỉ mạnh về tên lửa phóng từ lục địa nên cuộc thử nghiệm thành công mỹ mãn ở Vịnh Bengal sẽ mở ra tương lai tốt đẹp cho công nghiệp chế tạo tên lửa tác chiến trên biển Ấn Độ.

Với kinh nghiệm chế tạo tên lửa liên lục địa nhiên liệu rắn phóng trên mặt đất, người Ấn Độ sẽ nhanh chóng chế tạo thành công tên lửa đạn đạo tầm xa phóng từ tàu ngầm.

Được biết, K-5 sẽ được phóng thử khoảng trên dưới 10 lần nữa, nếu thành công tốt đẹp, sang năm 2014 nó sẽ được biên chế trên các tàu ngầm hạt nhân Ấn Độ.

Lúc đó, Pakistan không còn là đối thủ của Ấn Độ mà ngay cả Bắc Kinh cũng phải kiêng dè lực lượng tàu ngầm của New Dehli.

TheoNguyễn Ngọc/ An ninh Thđô

Bình luận
vtcnews.vn