(VTC News) – Giáo sư Hoàng Chương cho rằng, những người lái xe máy cố vượt barie đường sắt là vô văn hóa, hành động không thể tồn tại trong xã hội văn minh.
Khoảng 7h sáng 13/4, tại đoạn đường sắt cắt ngang quốc lộ 21B, thuộc địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội đã xảy ra sự việc hy hữu có thể nói là chưa từng có trong lịch sử giao thông Việt Nam.
Cả đoàn tàu phải dừng khẩn cấp để nhường đường cho hàng loạt xe máy 'xé rào' ùn ùn lao tới băng qua đường sắt.
Nhiều người rùng mình nghĩ đến cảnh, nếu nhân viên gác đường tàu không kịp gửi tín hiệu và đoàn tàu không kịp dừng thì không biết đại hoạ gì sẽ xảy ra.
Liên quan đến sự việc này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn Giáo sư Hoàng Chương – Chủ nhiệm Dự án văn hóa giao thông, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam.
Tàu hỏa phanh gấp, kịp dừng lại vài mét trước nút giao với quốc lộ - Ảnh: Lê Anh Tú |
- Giáo sư đánh giá thế nào về hành vi cố vượt qua rào chắn đường sắt của những người đi xe máy trong sự việc kể trên?
Trước đây, chúng ta biết đã có nhiều trường hợp bị tàu đâm tử vong. Những trường hợp này chủ yếu là do nạn nhân thiếu quan sát, hoặc đoạn đường đó không có rào chắn, biển báo.
Tuy nhiên, việc cả đoàn xe máy chen nhau, mắc kẹt trên đường ray khiến tàu hỏa phải dừng khẩn cấp để “nhường đường” thì đúng là lần đâu tiên tôi nghe thấy.
Một đứa trẻ cũng hiểu là khi người ta đã kéo barie thì có nghĩa là tàu sắp đến. Nếu anh cố băng qua thì có thể anh sẽ bị tàu đâm chết.
|
Những người cố lao qua barie khi đoàn tàu đang đến gần không chỉ là những con người không có văn hóa mà còn là những người kẻ bất chấp pháp luật. Mà những kẻ không coi pháp luật ra gì thì họ liều lĩnh lắm.
Hành động này cũng giống như những kẻ đua xe trái phép trước đây. Họ coi tính mạng bản thân như cỏ rác. Nhưng họ cũng không nghĩ được là họ chết thì sẽ gây tai họa và ảnh hưởng tới người khác như thế nào.
Hành động này liều lĩnh chẳng khác nào một con vật không có lý trí. Chẳng hạn như con bò thấy tàu, thấy tiếng còi hét lên thì nó còn biết bỏ chạy.
Ở đây, là con người tại sao không dừng lại mà cứ cố lao qua đường tàu khi người gác đường ray đã cố gắng kéo barie để bảo vệ tính mạng cho họ?
Có lẽ những người này đang tự coi mình sống trong môi trường không có văn hóa, không có pháp luật, không có gì xung quanh họ hết. Họ chỉ muốn làm theo ý muốn cá nhân của mình. Những con người bất chấp pháp luật, sống liều lĩnh như vậy thường gây ra tác hại cho xã hội nhiều lắm.
Đây là hành động không thể tồn tại trong xã hội văn minh, trong thế kỷ, thời đại này. Chúng ta phải phải phê phán mạnh mẽ, phê phán tới cùng. Không thể để những hiện tượng như vậy xảy ra trong xã hội này nữa. Xã hội này ai cũng sống như vậy thì loạn mất chứ còn gì nữa.
- Là người nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, trong đó có văn hóa giao thông, ông có nhận xét gì về tình trạng văn hóa giao thông hiện nay ở nước ta?
Về giao thông hiện nay ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung còn nhiều cái chướng tai, gai mắt lắm.
Tôi nói ví dụ, một nguyên tắc cơ bản khi tham gia giao thông mà ai cũng biết là gặp đèn đỏ thì phải dừng lại, đường một chiều thì không được đi ngược chiều... Thế nhưng hiện nay, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều vẫn diễn ra nhan nhản.
Thậm chí, có người còn lái ô tô phóng ngược chiều cả trên đường cao tốc. Lại có những người cho trẻ con cầm vô lăng điều khiển ô tô mà họ nghĩ đó là trò tài giỏi.
Vỉa hè vốn dành cho người đi bộ, cho người già, trẻ em... nhưng mà các anh đi xe máy lại cứ lao lên. Đó là chưa kể tới việc vỉa hè hiện nay còn bị hàng quán lấn chiếm, người đi bộ không có chỗ mà đi.
Việc chướng tai, gai mắt còn thể hiện ở tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, lấn đường, chạy xe trên thảm cỏ, rồi đâm chém nhau chỉ vì va chạm giao thông…
Có thể nói, văn hóa giao thông nước ta vô cùng kém cỏi. Không có nước nào trên thế giới văn hóa giao thông lại kém như vậy cả. Kể cả nước Lào, điều kiện kinh tế họ có thể kém hơn nhưng văn hóa giao thông của họ còn tốt hơn nhiều nước ta.
Không phải bây giờ mà từ trước tới nay, từ hàng chục năm qua, văn hóa giao thông tại nước ta vẫn kém như vậy, không hề có chuyển biển gì rõ nét cả. Thậm chí, càng ngày cái xấu càng phát triển.
Văn hóa giao thông cũng là văn hóa con người. Tôi thấy một số người hiện nay không có văn hóa cơ bản. Con người vô văn hóa thì làm sao có ý thức khi tham gia giao thông được.
Cũng chính vì thế, hiện nay chúng ta đang rất quan tâm tới vấn đề xây dựng văn hóa con người, trong đó có văn hóa giao thông. Vấn đề nhân cách con người cũng đã đi vào Nghị quyết Trung ương.
- Theo giáo sư, văn hóa giao thông kém như vậy gây ra hậu quả gì đối với đất nước?
Văn hóa giao thông kém gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực. Trong đó, văn hóa giao thông là một phần bộ mặt của đất nước. Văn hóa giao thông kém cỏi như vậy sẽ ảnh hưởng tới bộ mặt của đất nước, làm bộ mặt của đất nước trở nên lộn xộn, xấu xí.
Video: Cố vượt barie, xe tải bị tàu hỏa nghiền nát
Bên cạnh đó, những hành vi vô văn hóa giao thông là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn nghiêm trọng. Hàng năm tại nước ta có rất nhiều người chết, bị thương, mang thương tật cả đời do tai nạn giao thông. Đó là chưa kể tới việc tài sản bị thiệt hại từ các vụ tai nạn này.
Giao thông tại nước ta, chẳng hạn tại Hà Nội là nỗi kinh hoàng với người nước ngoài. Nhiều người nước ngoài bảo rằng, mỗi khi qua đường ở Hà Nội mà không bị tai nạn là họ như vừa từ cõi chết trở về.
|
Để giải quyết tận gốc vấn để văn hóa giao thông thì chúng ta phải giáo dục con người. Phải giáo dục văn hóa giao thông cho con người từ thủa nằm nôi tới khi đi học, rồi vào làm việc tại các cơ quan đoàn thể.
Cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Giáo dục văn hóa giao thông phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và đồng bộ từ gia đình, nhà trường, tới các cơ quan đoàn thể. Một người nói, một cơ quan nói thì không thể có kết quả được.
Bên cạnh yếu tố giáo dục, chúng ta cũng cần phải dần dần nâng cao cơ sở hạ tầng, mở rộng đường xá.
Các cơ quan quản lý, người thi hành công vụ cần phải liêm khiết, công minh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe người khác. Nếu người thi hành công vụ mà ăn hối lộ thì giải quyết, xử lý được ai?
Riêng tại Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải mới lên làm Bí thư. Tôi hy vọng ông sẽ làm mạnh mẽ, phải thay đổi một cách đột biến tình trạng văn hóa giao thông yếu kém đã tồn tại quá lâu ở Thủ đô.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
Đà Long
Bình luận