Đại Úy Charles Brown, phát ngôn viên Hạm đội Mỹ-Thái Bình Dương trong một cuộc phỏng vấn với CNN khẳng định tàu khu vực Luyang của Trung Quốc đã gửi đi các cảnh báo buộc USS Decatur phải rời đi.
Theo ông Brown, tàu chiến Trung Quốc đã có những hành động hung hăng, tiếp cận ở khoảng cách 40 m phía trước USS Decatur buộc chiến hạm Mỹ phải điều hướng di chuyển để tránh va chạm.
Vị quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định bất chấp các cảnh báo của Bắc Kinh, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động trên không, trên biển ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép trên Biển Đông.
CNN hôm 30/9 dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết hải quân nước này cùng ngày đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Gaven và đá Côlin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Đây là hoạt động nằm trong chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) của hải quân Mỹ.
Việc Mỹ điều tàu tuần tra tới Trường Sa được cho là động thái gửi đi thông điệp thách thức những tuyên bố phi lý tại Biển Đông cũng như tham vọng quân sự hóa vùng biển này của Trung Quốc.
Cách đây ít ngày, Trung Quốc chỉ trích Mỹ có hành động khiêu khích khi cử phi đội máy bay ném bom B-52 đến Biển Đông. Lầu Năm Góc khẳng định chuyến bay nằm trong chuỗi "hoạt động được lên kế hoạch định kỳ nhằm tăng cường khả năng phối hợp hành động với các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực".
Quan hệ Mỹ-Trung thời gian đang leo thang căng thẳng liên quan tới cuộc chiến thương mại.
Một quan chức cấp cao Mỹ hôm 30/9 cho biết Trung Quốc đã hủy một cuộc họp an ninh dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10 với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Tuần trước, Trung Quốc đã từ chối để tàu chiến Mỹ cập cảng Hong Kong. Không lâu trước đó, Bắc Kinh đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh và tạm ngừng các cuộc đàm phán quân sự cấp cao để phản đối quyết định áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ đối với cơ quan quân sự Trung Quốc vì mua máy bay và hệ thống phòng không của Nga.
Bình luận